Than vẫn là nguồn nguyên liệu quan trọng nhất trong sản xuất điện
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn số liệu từ Cơ quan Thống kê liên bang nước này (Destatis) cho biết, như những năm trước, năm 2022, than vẫn là nguyên liệu quan trọng nhất trong sản xuất điện tại Đức.
Theo Destatis, tỷ lệ điện được tạo ra từ các nhà máy nhiệt điện than và đưa vào hệ thống lưới điện của Đức đạt 33,3%, tăng 8,4% so với năm 2021.
Mức tăng này đã góp phần bù đắp sự sụt giảm mạnh lượng điện sản xuất từ khí đốt tự nhiên do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine và điện hạt nhân (do phần lớn các nhà máy điện hạt nhân tại Đức đã bị loại bỏ).
Số liệu của Destatis cho biết trong năm 2022, lượng điện được tạo ra từ khí đốt tự nhiên giảm từ mức 12,6% năm 2021 xuống còn 11,3%. Trong khi đó, tỷ lệ điện hạt nhân chỉ còn chiếm 6,4% trong tổng sản lượng điện, giảm mạnh so với mức 12,6% năm 2021.
Theo Destatis, tính chung, dù hơn một nửa tổng lượng điện được sản xuất tại Đức vẫn có nguồn gốc từ các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân, nhưng tỷ lệ điện từ các nguồn này đã giảm từ mức 57,7% trong năm 2021 xuống mức 53,7% năm 2022.
Ngược lại, nguồn cung cấp điện từ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời, và năng lượng sinh khối tăng từ 42,3% năm 2021 lên 46,3% năm 2022.
Trong các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió là quan trọng nhất với tỷ lệ phát điện đạt 24,1%, tăng 9,4% so với năm 2021.
Lượng điện gió được tạo ra chỉ đứng sau điện than. Ngoài ra, lượng điện từ các nhà máy năng lượng mặt trời cũng tăng, đóng góp 10,6% trong tổng lượng điện được tạo ra ở Đức.
Cũng theo Destatis, trong năm 2022, lượng điện mà nước Đức nhập khẩu từ nước ngoài đã giảm 4,8% so với năm 2021. Với tổng số 49,3 tỷ kW giờ điện, lượng điện nhập khẩu này chỉ bằng khoảng 1/10 sản lượng điện sản xuất trong nước.
Ngược lại, lượng điện mà Đức xuất khẩu sang các quốc gia khác đã tăng 8,5% so với năm trước, đạt 76,3 tỷ kW. Như vậy Đức tiếp tục là quốc gia xuất khẩu điện nhiều hơn nhập khẩu./.