Tháng 10 tới, có thể sẽ tăng mức giảm trừ gia cảnh

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong khi chờ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2025, thông qua vào tháng 6/2026), trong năm nay có thể sẽ tăng mức giảm trừ gia cảnh nếu CPI biến động.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi giá cả liên tục tăng cao, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đã quá lạc hậu (Ảnh minh họa)

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi giá cả liên tục tăng cao, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đã quá lạc hậu (Ảnh minh họa)

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi giá cả liên tục tăng cao, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đã quá lạc hậu (Ảnh minh họa)

Có thể đề xuất điều chỉnh giảm trừ gia cảnh trước khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng/người/tháng, mức giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp..., số còn lại mới là thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh này (duy trì từ tháng 7/2020) và biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến hiện nay được đánh giá là lạc hậu, cần nhanh chóng điều chỉnh để giảm gánh nặng cho người nộp thuế, trong bối cảnh giá cả đã tăng nhanh trong 4 năm qua.

Trên diễn đàn Quốc hội và tại nhiều cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài chính, ý kiến đề nghị sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong đó có điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh được phát biểu nhiều lần.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính luôn khẳng định sẽ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo lộ trình nói trên, đồng thời mức giảm trừ gia cảnh sẽ được xem xét điều chỉnh nếu CPI tăng quá mức 20%.

Tại buổi họp báo quý IV do Bộ Tài chính tổ chức chiều 7/1, câu hỏi này một lần nữa được gửi đến lãnh đạo Bộ Tài chính. "Trong lúc chờ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính có đề xuất gì điều chỉnh mức giải trừ gia cảnh hay không?", phóng viên nêu câu hỏi.

Về vấn đề này, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc lần điều chỉnh mức giảm trừ gần nhất.

"Chúng tôi theo dõi sát sao CPI giai đoạn từ thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020) đến nay. Cập nhật CPI năm 2024 là 3,63%, tính chung cả giai đoạn đến thời điểm hiện tại CPI chưa vượt ngưỡng 20%. Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh chưa thể điều chỉnh", ông Tuấn nói.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế phí và lệ phí, Bộ Tài chính trả lời báo chí tại họp báo Bộ Tài chính chiều 7/1 (Ảnh: M.Minh)

Ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế phí và lệ phí, Bộ Tài chính trả lời báo chí tại họp báo Bộ Tài chính chiều 7/1 (Ảnh: M.Minh)

Dù vậy, theo lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí, nếu trong 2025 CPI có biến động, có thể Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có nghị quyết liên quan đến việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo đúng quy định của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Theo ông Tuấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết ngày 23/12/2024 về chương trình công tác năm 2025; trong đó, Bộ Tài chính cũng báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình công tác.

"Có thể tại phiên họp thứ 50 hoặc kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2025 sẽ có nội dung liên quan đến nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh; trong trường hợp CPI từ nay đến cuối năm có những biến động như nội dung đang quy định tại luật hiện hành", ông Tuấn nói.

Trước đó, tại Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) hồi tháng 11/2024, Bộ Tài chính đánh giá mức giảm trừ gia cảnh hiện hành đã được áp dụng từ năm 2020 đến nay, cần đánh giá lại để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện mới.

Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với sự biến động của giá cả, sự gia tăng mức sống dân cư cũng như dự báo cho thời gian tới.

Bộ Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú. Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp; xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế...

Từ 1/7/2025, mã định danh cá nhân là mã số thuế

Về cập nhật mã định danh cá nhân thành mã số thuế, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, từ ngày 1/7/2025, mã định danh cá nhân sẽ chính thức được sử dụng làm mã số thuế.

Có ý kiến băn khoăn về các trường hợp một cá nhân có 2 - 3 mã số thuế, ông Mai Sơn cho biết, triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử theo Đề án 06, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã phối hợp với Bộ Công an triển khai nhiều giải pháp về chia sẻ dữ liệu, truy vấn dữ liệu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế rà soát, chuẩn hóa thông tin mã số thuế cá nhân.

Tính đến hết tháng 12/2024, khoảng 95% số lượng mã số thuế cá nhân thuộc đối tượng phải rà soát và có thể rà soát đã được chuẩn hóa thông tin khớp đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, hiện còn 5% là nhiều đối tượng khó tìm kiếm, dữ liệu chưa được đồng bộ nên còn tiếp tục rà soát.

Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính phát biểu

Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính phát biểu

Các trường hợp có nhiều mã số thuế hầu hết do trong quá khứ phát sinh giao dịch dân sự từ các giấy tờ nhân thân khác nhau (chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân)… Cơ bản đến nay, các trường hợp này cũng đã được đồng bộ vào một mã số do người nộp thuế lựa chọn và sau này sử dụng thống nhất.

Về hoàn thuế thu nhập cá nhân (TNCN), lãnh đạo cơ quan thuế cho hay, hiện nay, quy trình hoàn thuế TNCN đã được tự động hóa từ tiếp nhận hồ sơ đến chi trả. Tuy nhiên, quy trình đang tiếp tục được rà soát và cải tiến để đảm bảo xác minh chính xác nguồn thu nhập đã khấu trừ trước khi hoàn thuế.

Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng livestream bán hàng, có ý kiến cho rằng điều này gây lo ngại thất thu thuế. Về vấn đề này, ông Mai Sơn cho biết, cơ quan thuế khẳng định các công dân hoạt động kinh doanh thương mại tại Việt Nam dù nổi tiếng hay không cũng thuộc đối tượng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế như mọi công dân khác khi phát sinh thu nhập.

Vừa qua, các cơ quan thuế đã tập trung kiểm tra những cá nhân nổi tiếng tham gia thương mại điện tử, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.

Tính đến nay, cả nước có 76.428 cá nhân hoạt động thương mại điện tử, trong đó hơn 30.000 trường hợp đã bị xử lý do sai phạm về thuế.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thang-10-toi-co-the-se-tang-muc-giam-tru-gia-canh-post361375.html