Tháng 2 lịch sử đấu tranh trên quê hương tỉnh Bình Phước (tt)

Quê hương Bình Phước có nhiều sự kiện lịch sử vô cùng ý nghĩa. Tháng 2 lịch sử đấu tranh trên quê hương tỉnh Bình Phước (1930-1973) là sự kiện được đăng tải trên Báo Bình Phước tháng 2-1997.

THÁNG 2 LỊCH SỬ ĐẤU TRANH TRÊN QUÊ HƯƠNG TỈNH BÌNH PHƯỚC (1930-1973)
(Đăng Báo Bình Phước, 19-2-1997)

NGUYỄN MINH ĐỨC

Tiếp theo kỳ trước và hết

Tháng 2-1955, công nhân Lộc Ninh với các đồn điền khác: Bình Thạnh, Xa Cam, Xa Cát, MiMốt, Chúp, Xa Trạch, Xa Lưu, Quản Lợi, Ta Pao, Mai Long, Ngọc Bích, mở một cuộc đấu tranh có 50.000 người tham gia. Họ đưa yêu sách đòi giải quyết: làm việc đúng 8 giờ, tăng lương vì giá cả đắt đỏ; không ăn gạo mục, cá thối, chỉ ăn gạo trắng, cá ngon; hồi hương cho những người quá hạn giao kèo 20-30 năm.

Cuộc đấu tranh này bị đàn áp đẫm máu tại Lộc Ninh: 14 người chết, 13 người bị thương, 2 đại diện công nhân bị bắt. Tội ác đó do tên chỉ huy Đo-la-lăng và một đại đội việt gian thực hiện. Mối căm thù ghi sâu trong lòng công nhân. Họ sẽ trả thù bằng hành động cứu nước.

- Ngày 26-2-1960, quân dân huyện Phú Giáo đồng khởi với các huyện Tân Uyên… Họ đã bao vây địch, tiến công các trụ sở ngụy quyền xã An Ninh, An Long, Phước Sang, Phước Vĩnh, Đồng Xoài gây nhiều thiệt hại cho địch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân nổi dậy

- Tháng 2-1965, Tỉnh ủy Bình Long thành lập. Bí thư Tỉnh ủy là đồng chí Trần Quang San (Ba Phước). Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Đảng bộ, quân dân tỉnh nhà bước vào thời kỳ đấu tranh mới, làm cho địch không bung được lực lượng mạnh ra xa đồn lũy như trước.

- Tháng 2-1968, quân dân huyện Lộc Ninh đã giải phóng được các làng Lộc Tấn, Ninh Thuận, Lộc An, Lộc Hòa…

Thành tích trong tháng 2 (Mậu Thân): ta đã diệt 200 tên địch, bắt sống 2 sĩ quan Mỹ, phá tan trận càn vào căn cứ Làng 2. Đặc biệt hơn là sau đó thành lập một đơn vị tập trung của Lộc Ninh (đại đội 31) để bảo vệ căn cứ.

- Tháng 2-1970, Tỉnh ủy Bình Long mở hội nghị chuyên đề về công tác vùng xung yếu.

- Ngày 9-2 và 26-2-1971, bộ đội địa phương Phước Long cùng du kích Sơn Giang, Sơn Hà chống địch càn quét ở khu vực Phước Bình, gây nhiều thiệt hại cho chúng và bảo vệ tài sản, tính mạng cho dân.

- Ngày 1-2-1973, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Lộc Ninh dự cuộc mít tinh trọng thể tiễn đưa đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ CMLTMNVN lên máy bay đi Sài Gòn làm nhiệm vụ mới.

- Thượng tuần tháng 2-1973, quân dân ta vô cùng phấn khởi ra sân bay Lộc Ninh đón tiếp nồng hậu những người thân - cán bộ, chiến sĩ từ ngục tù đế quốc được trả tự do.

- Ngày 8-2-1973, các đơn vị công binh của biệt động Tư lệnh miền sau thời gian khẩn trương và tích cực mở đường mới, nay đã hoàn tất mấy con đường cho xe đi an toàn đến Tà Thiết - căn cứ Quân ủy và Bộ Chỉ huy miền trong chiến tranh chống Mỹ.

Cùng ngày, tại xã Sơn Hà, quân ta ở Phước Long đánh địch từ đồn bốt nống ra chiếm đất, gom dân, đóng chốt mới. Chúng bị thiệt hại nặng, không thực hiện được kế hoạch lấn chiếm. Đây là một trong hàng trăm vụ địch vi phạm Hiệp định Paris bị ta kiên quyết trừng trị, không chịu bỏ qua.

- Chiều ngày 12-2-1973, cũng tại sân bay Lộc Ninh, đã có đến 8 chuyến bay vận tải cỡ lớn của Mỹ ngụy từ Sài Gòn đáp xuống đây để nhận tù binh do ta trao trả.

Chứng kiến buổi phóng thích này, có đủ đại diện Ban liên hợp quân sự bốn bên và đại diện của Quốc tế giám sát: Ba Lan, Hungary, Canada và đông đảo nhân dân tham dự.

N.M.Đ

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/168215/thang-2-lich-su-dau-tranh-tren-que-huong-tinh-binh-phuoc-tt