Tháng 3 có nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú về Mặt Trăng

Tháng 3, người yêu thiên văn sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hiện tượng thiên nhiên kỳ thú liên quan đến Mặt Trăng như nguyệt thực nửa tối, Trăng Giun hay Mặt Trăng sẽ nằm ở cùng phía của Trái Đất với Mặt Trời.

Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), tháng 3 là khởi đầu mùa xuân ở Bắc bán cầu, đây là thời gian cây cối bắt đầu những mầm non mới, để chuẩn bị cho một mùa hạ chói chang. Dù không có trận mưa sao băng nào trong tháng, song liên tiếp các hiện tượng thiên văn liên quan đến sự kỳ thú của Mặt Trăng cũng là điểm thu hút mạnh người yêu thiên văn để chờ đợi quan sát. Sau đây là những hiện tượng thiên văn sẽ có trong tháng 3:

Ngày 10 tháng 3 – Trăng mới

Mặt trăng sẽ nằm ở cùng phía của Trái đất với Mặt trời và sẽ không nhìn thấy được trên bầu trời đêm. Giai đoạn này xảy ra lúc 16:02 (giờ việt Nam). Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà, cụm sao vì không có ánh trăng cản trở.

Ngày 20 tháng 3 – Xuân Phân

Xuân Phân sẽ xảy ra vào lúc 10:01 (giờ Việt Nam). Mặt Trời lúc này sẽ chiếu thẳng vào xích đạo khiến thời gian ngày và đêm gần như bằng nhau trên khắp thế giới. Đây cũng là ngày đầu tiên của mùa xuân (Xuân Phân) ở Bắc bán cầu và ngày đầu tiên của mùa thu (Thu Phân) ở Nam bán cầu.

Vào ngày Xuân Phân hoặc Thu Phân, Mặt Trời mọc hướng chính Đông, lặn hướng chính Tây.

Vào ngày Xuân Phân hoặc Thu Phân, Mặt Trời mọc hướng chính Đông, lặn hướng chính Tây.

Xuân phân là ngày chính giữa mùa xuân theo âm lịch và ngày đầu tiên chính thức của mùa xuân tại Mỹ và nhiều quốc gia Âu Mỹ. Ngày Xuân phân là ngày mà thời gian ban ngày và thời gian ban đêm dài bằng nhau ở xích đạo (thời điểm mặt trời ở gần xích đạo nhất trong năm).

Theo quy ước, tiết Xuân phân (vernal equinox) là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 20 hay 21/3 và kết thúc vào khoảng ngày 4 hay 5/4 trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết Thanh minh bắt đầu. Ở Nam bán cầu thì thời điểm đó lại là điểm thu phân (autumnal equinox). Tại một số quốc gia, như Hoa Kỳ và châu Âu (Ở Bắc bán cầu), xem ngày này là bắt đầu Mùa Xuân theo thiên văn.

Equinox có nghĩa là "equal night" (đêm bằng, hay là, đêm bằng ngày), bởi vì mặt trời nằm ở vị trí thẳng đứng trên xích đạo. Thời điểm này đặc biệt bởi vì trục xoay của quả đất đứng nghiêng 23°4. Vì độ nghiêng này, chúng ta nhận ánh sáng nhiều nhất từ mặt trời trong mùa hè (ngày dài đêm ngắn) và ít nhất trong mùa đông (ngày ngắn đêm dài). Vào thời điểm Xuân phân (Thu phân), mặt trời đứng thẳng góc ngay trên xích đạo nên ngày và đêm bằng nhau.

Ngày 24 tháng 3 – Sao Thủy đạt vị trí ly giác cực đại phía Đông

Sao Thủy đạt vị trí ly giác cực đại phía Đông, cách Mặt Trời lên tới 18,7 độ. Đây là thời điểm tốt nhất để thấy được sao Thủy vì nó sẽ ở điểm cao nhất phía trên đường chân trời trong bầu trời buổi tối. Hãy quan sát hành tinh này ở vị trí thấp trên bầu trời phía Tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.

Ngày 25 tháng 3 – Trăng Tròn

Mặt Trăng sẽ xuất hiện tại vị trí đối diện với Mặt Trời khi quan sát từ Trái Đất và bề mặt của nó sẽ được chiếu sáng hoàn toàn. Giai đoạn này xảy ra lúc 14:02 (giờ Việt Nam). Lần Trăng Tròn này được các bộ lạc người Mỹ bản địa đầu tiên gọi là Trăng Giun vì đây là thời điểm trong năm khi mặt đất bắt đầu mềm đi và giun đất sẽ xuất hiện trở lại. Trăng này còn được gọi là Trăng Quạ, Trăng Vỏ, Trăng Nhựa và Trăng Mùa Chay.

Ngày 25 tháng 3 – Nguyệt Thực nửa tối

Điều này xảy ra khi Mặt trăng đi qua vùng bóng một phần của Trái đất, hay còn gọi là vùng nửa tối. Trong kiểu Nguyệt Thực này, Mặt trăng sẽ tối đi một chút nhưng không tối hoàn toàn. Có thể quan sát trên khắp Bắc Mỹ, Mexico, Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Phân tích hiện tượng Nguyệt thực nửa tối, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) nhấn mạnh, nguyệt thực nói chung và Nguyệt thực nửa tối nói riêng, xảy ra khá nhiều, gần như năm nào cũng có để quan sát. Với lần này, việc quan sát sẽ khá thuận lợi vì hiện tượng Nguyệt thực nửa tối diễn vào gần nửa đêm, là khi Mặt Trăng lên rất cao trên bầu trời.

Nguyệt thực nửa tối là hiện tượng Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất. Tương tự như nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, thời điểm diễn ra hiện tượng này là lân cận ngày Trăng tròn, khi Mặt Trăng vào phía bên kia của Trái Đất so với Mặt Trời và 3 thiên thể gần như thẳng hàng.

Nguyệt thực nửa tối.

Nguyệt thực nửa tối.

Tuy nhiên, khác với Nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, với Nguyệt thực nửa tối, Mặt Trăng chỉ đi vào vùng nửa tối của Trái Đất. Do đó, nó vẫn nhận được một lượng lớn ánh sáng Mặt Trời. Phần Mặt Trăng được bao phủ bởi bóng nửa tối có sự tối đi một chút và chuyển sang sắc đỏ nhạt.

Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn lưu ý, người quan sát nên chú ý thời tiết, cần một bầu trời trong gần như không có mây để có thể nhìn thấy Mặt Trăng. Ngoài ra, nên chọn vị trí quan sát là nơi ít ô nhiễm ánh sáng để việc quan sát hiệu quả hơn. Một chiếc kính thiên văn, ống nhòm hoặc máy ảnh có zoom quang học tương đối cao sẽ giúp việc quan sát thú vị hơn.

Tuy nhiên, ngay cả bằng mắt thường, người dân vẫn có thể quan sát dễ dàng và an toàn hiện tượng này. Khác với nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, Nguyệt thực nửa tối không chuyển sang màu đỏ thẫm và tối, nó chỉ có sắc đỏ nhạt và tối hơn Trăng tròn thông thường đôi chút.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thang-3-co-nhieu-hien-tuong-thien-van-ky-thu-ve-mat-trang-169240301121202774.htm