Tháng 3, CPI cả nước giảm 0,72% so với tháng trước
Chiều 27-3, phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2020, tại Hà Nội, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết: Ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc chiến giá dầu giành thị phần thế giới giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga làm cho giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, nguồn cung gia cầm dồi dào là các nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2020 giảm 0,72% so với tháng trước.
Quang cảnh buổi họp báo.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 7 nhóm hàng có chỉ số giá giảm: Giao thông giảm 4,87%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,4%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,43%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,25%; may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,15%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,11%; bưu chính viễn thông giảm 0,06%. Có 4 nhóm tăng: Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,04%.
Trong tháng 3, giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới. Bình quân đến ngày 24-3-2020, giá vàng thế giới ở mức 1.580,37 USD/ounce - giảm 1,13% so với tháng trước, trong khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, có thời điểm lên đến 6 triệu đồng/lượng. Bình quân tháng 3-2020, giá vàng trong nước tăng 3,87% so với tháng trước, dao động quanh mức 4,605 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng do nhu cầu nắm giữ tiền mặt của các nhà đầu tư tăng trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới đều có dấu hiệu suy giảm. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào, đáp ứng được nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, nên tỷ giá giữa VND và USD tháng 3 chỉ tăng 0,17%, giá USD bình quân ở thị trường tự do tháng 3 ở quanh mức 23.310 VND/USD.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 3-2020 giảm 0,06% so với tháng trước, tăng 2,95% so với cùng kỳ năm trước; 3 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,05%.
Bình quân 3 tháng đầu năm 2020, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như: Giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá một số dịch vụ tăng.