Tháng 3 Tây Nguyên, đến với Lễ hội cà phê

Cứ 2 năm một lần, vào trung tuần tháng 3, nhân Ngày giải phóng TP. Buôn Ma Thuột và các thành phố khác (Pleiku, Kontum… ), Tây Nguyên lại rộn rã tiếng cồng chiêng. Du khách cả nước nô nức đến với Lễ hội cà phê.

Hoạt động biểu diễn cồng chiêng ở nhà dài buôn Akŏ Dhông - Ảnh: VGP/Kim Ngân

Hoạt động biểu diễn cồng chiêng ở nhà dài buôn Akŏ Dhông - Ảnh: VGP/Kim Ngân

Lễ hội độc đáo và đậm nét đặc trưng Tây Nguyên này vừa là để tôn vinh sản phẩm đặc trưng của địa phương, vừa là dịp các dân tộc Tây Nguyên tụ họp, tưng bừng kỷ niệm ngày giải phóng.

Lễ hội cà phê lần thứ 8 năm 2023 có chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới" diễn ra từ ngày 10-14/3. Theo ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, lễ hội được tổ chức lần này có quy mô lớn hơn so với 7 lần tổ chức trước, có 18 hoạt động chính thức và nhiều hoạt động khác.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cà phê hiện là mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng thứ 2 của Việt Nam, sau lúa gạo về giá trị. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,68 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch khoảng 3,9 tỉ USD.

Buôn Ma Thuột - thành phố được chọn tổ chức lễ hội được mệnh danh là "Thủ phủ cà phê của Việt Nam" có diện tích, sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha. Sản lượng thu hoạch hằng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc.

Đắk Lắk có đông dân tộc sinh sống nhất với 47 dân tộc gồm người Kinh, Ê Đê, M'Nông... Trong đó, dân tộc Kinh chiếm số lượng lớn nhất, 70%. Các dân tộc thiểu số như Ê Đê, M'nông, Thái, Tày, Nùng... chiếm gần 30%.

Sự đa dạng trong cộng đồng dân cư mang đến cho Đắk Lắk những giá trị văn hóa phong phú. Nơi đây là "cái nôi" của nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào Ê Đê, M'nông, Gia Rai… (Lễ hội cồng chiêng, Lễ đâm trâu, Đua voi mùa Xuân). Các kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng; những bản trường ca Tây Nguyên... Trong đó, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà Đắk Lắk là một trong 5 địa phương có, đã được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Lên Tây Nguyên vào những ngày giữa tháng 3 này, bạn sẽ được chào đón bằng nắng, gió, với phố phường rực rỡ cờ hoa, đèn trang trí. Buôn Ma Thuột tràn ngập sắc màu. Dù đã nhiều lần lên Tây Nguyên, nhưng mỗi lần lên lại có những khám phá mới mẻ về vùng đất đại ngàn. Theo chương trình tour của Công ty Du lịch Đam San, một công ty du lịch của chính vùng Tây Nguyên bản địa, chúng tôi được thưởng ngoạn nhiều điểm đến thú vị, được ăn những món đặc sản, nhất là được thưởng thức một chương trình cồng chiêng, giao lưu uống rượu cần với những người đồng bào Ê Đê ở buôn Akŏ Dhông. Chúng tôi may mắn vì mới đây, ngày 3/3/2023, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk công nhận Akŏ Dhông là buôn du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn Đắk Lắk.

Cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 60 km về phía nam, hồ Lăk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đăk Lăk và lớn thứ hai Việt Nam (sau hồ Ba Bể), với diện tích khoảng 500 ha. Tại đây, du khách dễ dàng trải nghiệm nhiều loại hình du lịch sinh thái đặc sắc như cưỡi voi, đi thuyền độc mộc, thuê xe đạp tham quan buôn làng của người M’nông - Ảnh: VGP/Kim Ngân

Cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 60 km về phía nam, hồ Lăk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đăk Lăk và lớn thứ hai Việt Nam (sau hồ Ba Bể), với diện tích khoảng 500 ha. Tại đây, du khách dễ dàng trải nghiệm nhiều loại hình du lịch sinh thái đặc sắc như cưỡi voi, đi thuyền độc mộc, thuê xe đạp tham quan buôn làng của người M’nông - Ảnh: VGP/Kim Ngân

BuônAkŏ Dhông có diện tích 62,3 ha với 247 căn hộ, được xem là buôn làng đẹp nhất của Đắk Lắk với 32 ngôi nhà dài truyền thống. Đến với buôn Akŏ Dhông, du khách không chỉ được biết về nền văn hóa đặc sắc của người Êđê mà còn được thưởng ngoạn vẻ đẹp độc đáo, sự bình yên của buôn làng trong lòng thành phố, gặp gỡ những người đồng bào bản địa phúc hậu, tài năng và mến khách. Thật cảm phục các nghệ nhân ở tuổi 80, 90 vẫn say sưa với các loại nhạc cụ dân tộc. Những chàng trai, cô gái trẻ trung với tiếng hát "trời phú" cất cao tiếng ca về đất, rừng, con người Ê Đê. Cả các em nhỏ cũng tham gia biểu diễn mừng chúng tôi.

Được biết, để mô hình du lịch cộng đồng này phát triển, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan, đơn vị, thành phố Buôn Ma Thuột phải hỗ trợ bằng nhiều nguồn lực. Mô hình này đang được nghiên cứu nhân rộng ở nhiều địa bàn khác trong tỉnh.

Về Buôn Đôn, tuy đường khá xa, nhưng không còn được cưỡi voi. Buôn Đôn không còn là điểm du lịch đông đúc. Thiết nghĩ, Đắk Lắk nên bổ sung những hoạt động văn hóa khác đậm chất dân tộc hơn cho điểm du lịch nổi tiếng này để dù vượt một chặng đường dài từ Buôn Ma Thuột lên, du khách không cảm thấy hụt hẫng sau khi chỉ được lắc lư cầu treo.

Trong chương trình lễ hội, thay vì được cưỡi voi, tại Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn sẽ diễn ra các hoạt động: Lễ cúng bến nước, Lễ tắm, cúng sức khỏe cho voi, Hội thi trang điểm cho voi, tiệc buffet cho voi… Hy vọng những hoạt động này sẽ cuốn hút và đươc duy trì hằng ngày để phục vụ du khách.

Đắk Lắk có nhiều bào tàng độc đáo, như Bảo tàng Đắk Lắk, Bảo tàng thế giới cà Phê, Bảo tàng cà phê Trung Nguyên… nơi lưu giữ những hiện vật của các dân tộc Đắk Lắk, lịch sử trồng và sản xuất cà phê, trưng bày những sản phẩm cà phê khác lạ của vùng đất.

Kim Ngân

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/thang-3-tay-nguyen-den-voi-le-hoi-ca-phe-102230313181812645.htm