Tháng 4 về nguồn

Tháng 4, cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Đây cũng là thời điểm ý nghĩa để nối tiếp mạch nguồn tri ân, tìm về các địa chỉ đỏ. Và 'vùng đất lửa' Quảng Trị là địa điểm không thể thiếu trên hành trình tìm về với lịch sử. Về Quảng Trị để thắp nén tâm hương thành kính dâng lên hơn 60.000 người con đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Về Quảng Trị để cảm nhận những đau thương do chiến tranh, trân quý hơn lịch sử và quyết tâm gìn giữ giá trị của hòa bình, chung tay xây dựng đất nước hùng cường.

Các CCB, cựu TNXP dâng hương tưởng nhớ đồng đội. Ảnh: NGÔ XUÂN

Các CCB, cựu TNXP dâng hương tưởng nhớ đồng đội. Ảnh: NGÔ XUÂN

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) những ngày cuối tháng 4 đầy nắng. Khu đồi Bến Tắt bát ngát thông reo, từng dòng người đi trong trầm mặc, trang nghiêm, cùng kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của hơn 10.260 anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi đây.

Dưới cánh rừng Trường Sơn, đồng đội tôi nằm đó…

Như một lời hẹn đã mặc định suốt bao năm qua, cứ mỗi lần vào các ngày lễ lớn, CCB Võ Tuấn Thung (xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) lại dành thời gian đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thăm phần mộ đồng đội của mình. Cùng Hội CCB xã Nam Trạch, ông Thung hòa vào dòng người từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước bước vào nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ. Trong không gian tĩnh lặng và trang nghiêm, những vòng hoa tươi thắm cùng những nén hương thơm được dâng lên tượng đài trung tâm nghĩa trang, thể hiện sự biết ơn vô hạn trước anh linh của những người con ưu tú đã anh dũng ngã xuống để đất nước hòa bình, thống nhất.

Dâng nén tâm hương, ngồi ngắm nhìn thật lâu tấm bia mộ đồng đội, ông Thung nhớ lại những ngày tháng đầy gian khổ cùng nhau chiến đấu dưới cánh rừng Trường Sơn. Ông Thung tâm sự: Ngày đó, đường Trường Sơn là chiến trường ác liệt. Bom đạn cày xới, khói lửa triền miên. Xác định đi vào Trường Sơn là không hẹn ngày về, nhưng tôi và hàng ngàn thanh niên khi đó vẫn vác ba lô lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi và các đồng đội của mình đã sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ. Tôi may mắn trở về, còn đồng đội tôi vĩnh viễn nằm lại đây. Thương lắm! Vì vậy năm nào tôi cũng đến đây để thắp hương cho đồng đội”.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ước tính mỗi ngày, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đón khoảng 700-1.000 lượt khách tri ân, các đoàn từ trung ương đến địa phương, Nhân dân khắp cả nước. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã hợp thành dòng chảy xuyên suốt qua các thế hệ người Việt.

Đường xa và thời tiết nắng nóng không thể cản bước chân của các CCB và người dân từ mọi miền đất nước đến với Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn trong những ngày tháng 4 lịch sử này. Từ quê hương quan họ, Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh tổ chức hành trình về thăm chiến trường miền Nam. Khi đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, ngắm nhìn hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã không kiềm chế được cảm xúc, bật khóc. Mảnh đất này năm xưa là chiến trường vô cùng ác liệt. Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đảm bảo sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Giờ đây, lại chính là nơi trở về của hàng ngàn liệt sĩ, nằm kề bên nhau dưới lòng đất mẹ như cái thuở ở chiến trường.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn 10.260 anh hùng liệt sĩ. Ảnh: NGỌC THẮNG

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn 10.260 anh hùng liệt sĩ. Ảnh: NGỌC THẮNG

Ông Vũ Xuân Nhâm, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh tâm sự: “Năm nay tròn 50 năm đất nước thống nhất, tôi cùng 50 hội viên Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh tổ chức về nguồn, đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn để dâng nén hương tưởng nhớ đồng đội. Chúng tôi đã từng vào sinh ra tử trên mảnh đất này; nhiều người vĩnh viễn nằm lại nơi đây, nhiều người may mắn được sống tiếp để cảm nhận giá trị của hòa bình mà mình đã đánh đổi bằng tuổi xuân và xương máu. Năm tháng qua đi, nhưng không bao giờ chúng tôi quên đồng đội của mình và thời gian can trường ấy”.

"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng

Tháng 4, tháng của niềm tự hào, tri ân sâu sắc. Từng dòng người về nguồn, đứng trước những ngôi mộ liệt sĩ trong khói hương nghi ngút. Trong dòng người ấy có hơn 500 học sinh của Trường THPT Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Với lòng tri ân, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, từ sáng sớm, các em đã tề tựu về đây để dâng nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Anh Phan Văn Đức, Phó Bí thư Đoàn trường THPT Lệ Thủy cho biết: “Đây là cách đoàn trường giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh, đoàn viên, thanh niên. Thông qua các chuyến về nguồn như thế này, học sinh sẽ hiểu hơn về lịch sử của dân tộc, từ đó biết trân quý giá trị của hòa bình, nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội”.

Học sinh Trường THPT Cửa Tùng nghe các nhân chứng sống kể chuyện lịch sử tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: HÀ MY

Học sinh Trường THPT Cửa Tùng nghe các nhân chứng sống kể chuyện lịch sử tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: HÀ MY

Mỗi khi có thời gian, em Ngô Sơn Tùng, lớp 11A6 Trường THPT Cửa Tùng (tỉnh Quảng Trị) cùng nhóm bạn của mình lại đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn để vệ sinh, chỉnh trang, dâng hương cho các phần mộ liệt sĩ. Với Tùng và người dân Quảng Trị, thăm viếng nghĩa trang đã trở thành một phần trong đời sống tinh thần để thế hệ trước truyền cho thế hệ sau bài học về sự hy sinh, hiểu sâu sắc hơn tình yêu quê hương đất nước.

Tùng chia sẻ: “Nhiều lần đến nơi này, nhưng lần nào đứng giữa bạt ngàn mộ trắng, trong em cũng trào dâng niềm xúc động khó tả. Em và các bạn đang thực hiện video giới thiệu về Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn trong những ngày tháng 4 lịch sử, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng em mong muốn lan tỏa tinh thần yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đến các bạn trẻ, từ đó cùng hành động để chung tay xây dựng quê hương, đất nước”.

Trời Quảng Trị những ngày này nắng nóng như đổ lửa. Cả khu nghĩa trang Trường Sơn một màu trắng: màu trắng của những ngôi mộ, của nắng, của khói hương nghi ngút. Lòng yêu nước của người nằm lại đâu chỉ là sự hy sinh trong chiến tranh, mà khắc sâu, hòa vào vĩnh cửu, để Tổ quốc mãi trường tồn… Hành trình về nguồn là dịp để mỗi người nhìn lại quá khứ, để hiểu hơn về giá trị hy sinh vô giá của các thế hệ cha anh, từ đó trong tim mỗi người, niềm tự hào dân tộc càng thêm lớn lao, thổi bùng lên khát vọng sẽ sống sao cho xứng đáng với những gì thế hệ đi trước đã cống hiến.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/chinh-tri/202504/thang-4-ve-nguon-c3c654e/