Tháng 6 sẽ có bao nhiêu đợt nắng nóng?

Trong 10 ngày đầu của tháng 6, ít có khả năng xuất hiện nắng nóng diện rộng. Sau đó nắng nóng có khả năng gia tăng hơn hơn tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ.

Nhiệt độ tháng 6 cao hơn trung bình nhiều năm

Nhận định về các hình thái thời tiết trong tháng 6/2024, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Trần Thị Chúc cho biết, trong tháng 6, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C, riêng khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có nơi cao trên 1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Trong 10 ngày đầu tháng 6, ít có khả năng xuất hiện nắng nóng diện rộng ở các khu vực. Sau đó, nắng nóng có khả năng gia tăng hơn tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Trong tháng có khả năng xuất hiện 1- 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Dự báo nhiệt độ tháng 6 cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1 độ C.

Dự báo nhiệt độ tháng 6 cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1 độ C.

Ông Vũ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, tháng 6 có thể xuất hiện 1-2 đợt nắng nóng gay gắt. Sang tháng 7, 8/2024, nắng nóng có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, với khoảng 4 - 6 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt.

Nắng nóng đỉnh điểm có nơi lên đến 40 độ C gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, cuộc sống người dân. Theo Bộ Y tế, thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa.

Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi…

Đề cập đến tình hình mưa, bà Trần Thị Chúc cho rằng, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm, các khu vực khác phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có nhiều ngày mưa, riêng 10 ngày đầu tháng, khu vực trên có khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to diện rộng. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh dần nên mưa có khả năng gia tăng hơn cả về diện và lượng mưa.

Theo cơ quan khí tượng, tháng 5, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra nhiều trận dông, lốc và mưa đá, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh phía Bắc Bộ, Trung Bộ và một số nơi thuộc Tây Nguyên gây thiệt hại đáng kể. Trong tháng 5, ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ đã xảy ra 01 đợt nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt vào các ngày từ 26-30/5; trong đó, khu vực Thanh Hóa đến Ninh Thuận có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với mức nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C. Trên cả nước đã ghi nhận nhiều trạm khí tượng xảy ra giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử.

Mùa mưa bão năm nay có gì bất thường?

Bà Trần Thị Chúc cho biết, chiều ngày 30/5, vùng áp thấp trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, đến chiều ngày 31/5, áp thấp nhiệt đới trên đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 01 năm 2024, có tên quốc tế là MaliksiI. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62- 74km/h), giật cấp 10, di chuyển theo hướng Bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h. Đến sáng ngày 01/6, sau khi đi vào đất liền khu vực phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Theo thống kê, với việc xuất hiện cơn bão đầu tiên trên Biển Đông vào tháng 5 thì đây là lần đầu tiên sau 15 năm (từ cơn bão số 1 - bão Chan-hom năm 2009), Biển Đông mới có bão trong tháng 5. Trong 15 năm qua, các cơn bão tại Việt Nam phần lớn đều được gói gọn trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11. Điều này cũng làm cho mùa bão 2024 ở biển Đông đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

Điều đáng nói, mùa bão gần nhất có bão sớm tháng 5 như năm nay là năm 2009 với diễn biến có đến 11/22 cơn bão đổ bộ vào Biển Đông. Liệu rằng, sau năm 2023 không có cơn bão nào đổ bộ vào Việt Nam thì mùa bão năm nay sẽ rất khốc liệt? Chúng ta cần theo dõi sát các diễn biến từ cơ quan khí tượng.

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, hiện tượng El Nino (pha nóng) kéo dài đến giữa năm 2024 và đạt đỉnh, nên năm 2024 có thể là năm thứ 10 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu lên cao nhất và thiên tai sẽ bất thường hơn. Cảnh báo nguy cơ thiếu nước ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong nửa đầu năm, ở Trung Bộ trong các tháng 6, 7, 8.

Hiện tượng El Nino sẽ chuyển sang trạng thái trung tính vào giữa năm, sau đó xuất hiện hiện tượng La Nina, do đó hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng sẽ tập trung nhiều hơn vào nửa cuối năm. Đặc biệt, bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ở Biển Đông sẽ nhiều hơn, dự báo cơ cấu bão ở Biển Đông sẽ chiếm 1/3 so với toàn bộ số cơn bão.

Điều đó đồng nghĩa với việc phòng, chống bão sẽ phải thực hiện nhanh hơn, gấp hơn vì bão trên Biển Đông sẽ tác động rất nhanh đến đất liền. Cùng với đó, mưa dông và mưa lớn thời đoạn ngắn xuất hiện thường xuyên hơn, gây lở đất vùng núi, ngập lụt đô thị.

Trước các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên, chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các đài khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực; cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.

Chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân, vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh, sóng lớn... Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thang-6-se-co-bao-nhieu-dot-nang-nong-169240601171227264.htm