Tháng 6: Xuất khẩu 'vua trái cây' đạt 600 triệu USD sang Trung Quốc
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, cho biết sầu riêng Việt Nam vẫn là mặt hàng xuất khẩu mạnh mẽ vào Trung Quốc. Ước tính trong tháng 6, lượng sầu riêng xuất khẩu đạt 600 triệu USD, nâng tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 1,5 tỷ USD.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng Việt Nam có lợi thế dồi dào, thu hoạch được ở nhiều thời điểm trong năm nên có thế cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Thái Lan khi cùng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Một đặc điểm nữa đó là thời gian vận chuyển sầu riêng sang Trung Quốc nhanh giúp giá thành nông sản này ở nước “tỷ dân” hợp lý.
Sâu riêng đang dẫn đầu kim ngạch trong nhóm rau quả xuất khẩu. Hiện kim ngạch sầu riêng gấp 3,5 lần so với thanh long, loại quả từng giữ vị trí hàng đầu trong nhóm rau quả xuất khẩu.
Đặc biệt hiện nay, sầu riêng Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc theo hình thức đông lạnh nên hạn chế sự cồng kềnh trong vận chuyển. Việc kiểm soát chất lượng cũng tốt hơn và từng bước thể hiện sự chuyên nghiệp trong nâng cao giá trị sản phẩm.
Nhu cầu nhập khẩu lớn từ Trung Quốc thời gian qua đã giúp thị phần sầu riêng Việt Nam ở nước này tăng lên nhanh chóng, nhưng đây cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều nông dân chạy theo số lượng và bỏ qua chất lượng.
Gần đây, một số lô hàng sầu riêng xuất khẩu vẫn bị cảnh báo do nhiễm chất cấm. Cụ thể là Trung Quốc phát cảnh báo hơn 30 lô sầu riêng nhiễm cadimi. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã lập đoàn công tác kiểm tra, lấy các mẫu (gồm đất, nước, phân bón…) tại nhà máy, vùng trồng có trong danh sách cảnh báo. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra này Cục vẫn chưa tìm được nguyên nhân.
Hiện, Cục tiếp tục lập tổ công tác kiểm tra lần thứ hai và trao đổi với các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, vùng trồng trong đó tập trung vào tỉnh Tiền Giang. Dự kiến trong tháng 7 sẽ có kết quả. Khi đó, Cục sẽ công bố thông tin và làm việc với phía Trung Quốc để tìm cách xử lý vấn đề này.
Trước tình trạng này, cơ quan quản lý lưu ý các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra chất cấm ngay tại vườn, cơ sở đóng gói để bảo đảm chất lượng cũng như thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
Việt Nam lần đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc năm 2021 và trở thành đối tác cung cấp sầu riêng lớn thứ 2 của nước này, chỉ sau Thái Lan.
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng. Trong đó, thị phần tính theo USD của Thái Lan giảm từ gần 100% năm 2021 xuống còn khoảng 68%.
5 tháng đầu năm nay, Thái Lan xuất khẩu 2,2 tỷ USD sầu riêng vào Trung Quốc, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào Trung Quốc tăng 61% lên 661,48 triệu USD.
Sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam được cho là nguyên nhân đẩy giá mặt hàng này tại Trung Quốc giảm xuống. Tại Trung Quốc, sầu riêng được xem là loại trái cây đặc biệt, “vua trái cây” được dùng làm quá tặng trong các dịp đặc biệt như lễ cưới à nhu cầu sủ dụng cảu người dân Trung Quốc cũng rất cao.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc là thị trường lớn và có nhiều quy định chặt chẽ trong xuất khẩu. Đối với mặt hàng quả sầu riêng xuất khẩu phải đảm bảo mã số vùng trồng không nằm trong diện bị phía Trung Quốc đưa vào danh sách hạn chế do hàng hóa vi phạm.... Điều này tránh tình trạng, doanh nghiệp, HTX đưa hàng lên tới cửa khẩu nhưng không thể xuất, giao hàng cho đối tác.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đã đề xuất tách sầu riêng thành ngành hàng độc lập để có cơ chế quản lý riêng nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu cũng như cạnh tranh lành mạnh với sầu riêng Thái Lan.