Tháng 7, hội ngộ và tri ân

Những cuộc hội ngộ của các cựu chiến binh dịp 27-7 luôn ấm nghĩa tình, đậm màu tri ân với tâm niệm 'sống thay người nằm xuống và sống sao cho xứng đáng'. Đó cũng là không khí mà chúng tôi ghi nhận trong chương trình tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ (xã Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) sáng 22-7.

Chương trình ý nghĩa trên do Ban Vận động Liên hiệp Cựu quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam-Lào-Campuchia phối hợp với Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 29 (Sư đoàn 307, Quân khu 5), Trung đoàn 866 (Sư đoàn 31, Quân đoàn 34) và Doanh nghiệp xã hội Word Of Life Việt Nam tổ chức. Thông qua chương trình nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người đã hiến dâng trọn đời mình cho nền độc lập, tự do và hòa bình của dân tộc.

 Quang cảnh buổi tri ân. Ảnh: Phương Duyên

Quang cảnh buổi tri ân. Ảnh: Phương Duyên

Lễ tri ân không chỉ là nghi thức tưởng niệm, mà còn là lời nhắc nhở với các thế hệ hôm nay và mai sau: Độc lập, tự do không phải là điều tự nhiên có được. Hòa bình hôm nay là kết quả của máu xương, của lòng dũng cảm và của nghĩa tình thiêng liêng mà các thế hệ cha anh đã dày công vun đắp.

Trong không khí trang nghiêm, Ban tổ chức đã tiến hành lễ vọng chuông, dâng hương, dâng hoa, cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ… đang an nghỉ tại nghĩa trang, trong đó có hơn 1.400 liệt sĩ là chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh tại Campuchia trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

 Các đại biểu thành kính dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ sáng 22-7. Ảnh: Phương Duyên

Các đại biểu thành kính dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ sáng 22-7. Ảnh: Phương Duyên

Buổi tri ân cũng khiến những người có mặt vô cùng xúc động khi chứng kiến cuộc hội ngộ của những đồng đội cũ được ôm lấy nhau sau hàng chục năm trời, nhất là những giọt nước mắt của ông Lê Xuân Trọng-Trưởng ban Vận động Liên hiệp Cựu quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam-Lào-Campuchia, Trưởng ban Tổ chức khi được gặp lại thân nhân của người đã cứu mạng mình.

Ông Trọng hồi tưởng: Tháng 3-1984, ông là Trung đoàn phó Trung đoàn 29 (Sư đoàn 307), chiến đấu tại tỉnh Preah Vihear (Vương quốc Campuchia) để bảo vệ Tổ quốc và giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot. Trong một lần bị vùi dưới hầm do đạn cối dội vào, ông được 2 chiến sĩ bới đất cứu sống, sau đó cáng về Trạm xá Trung đoàn. Qua bác sĩ Tuyết, Trạm trưởng Trạm xá, ông được biết người cứu ông là 2 chiến sĩ tên Giáp và Mỹ; nhưng chiến sĩ Giáp đã hy sinh do bị quân Pol Pot bắn tỉa khi đang cáng ông. Người còn lại quả cảm cõng ông vượt chiến địa về trạm xá.

“Huân, huy chương trên ngực áo tôi chính là máu của đồng đội tôi!”-ông Trọng nghẹn giọng khi đặt tay lên ngực. Hàm ơn những ân nhân đã cứu sống mình, mấy mươi năm qua ông ra sức kiếm tìm thân nhân của 2 người lính nọ. Cách đây 4 năm, thông qua sự kết nối với đồng đội cũ, ông Trọng đã liên lạc được với gia đình liệt sĩ Đoàn Tấn Mỹ (anh hy sinh chỉ 2 tháng sau lần cứu sống ông Trọng-P.V); riêng thân nhân liệt sĩ Giáp ông vẫn chưa tìm được.

84 tuổi, vượt chặng đường xa xôi từ Tuyên Quang vào Gia Lai để tổ chức buổi tri ân, ông Trọng rơi nước mắt khi được gặp gỡ, trò chuyện với bà Nguyễn Thị Dung, vợ liệt sĩ Đoàn Tấn Mỹ (quê xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cũ; nay là xã Tuy Phước Bắc, tỉnh Gia Lai). Ông chia sẻ niềm thỏa nguyện: “Tôi luôn mong mỏi được gặp gỡ thân nhân của những anh em đã hy sinh ở tuổi đôi mươi để cứu sống mình. Tôi muốn mình không phải hối tiếc điều gì khi nhắm mắt xuôi tay…”.

 Ông Lê Xuân Trọng nghẹn ngào khi được gặp thân nhân người đã cứu mạng mình trên chiến trường hơn 40 năm trước. Ảnh: Phương Duyên

Ông Lê Xuân Trọng nghẹn ngào khi được gặp thân nhân người đã cứu mạng mình trên chiến trường hơn 40 năm trước. Ảnh: Phương Duyên

Trước sự xúc động quá lớn, bà Dung cũng nhiều lần nghẹn lời khi kể về người chồng liệt sĩ. Bà cho hay, ông Mỹ đi nghĩa vụ tháng 2-1981, khi con gái đầu lòng mới 4 tháng tuổi. Tháng 5-1984, ông báo tin về cho vợ con rằng bản thân chuẩn bị ra quân.

Ngỡ gia đình sắp được đoàn tụ, ngờ đâu ông hy sinh do đạn giặc vào ngày 25-5-1984 và được đưa về nằm lại ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ. Năm 1987, gia đình nhận được giấy báo tử; năm 1989, hài cốt ông được đưa về nghĩa trang ở quê nhà. Mang trong lòng tình yêu duy nhất và nỗi đau không gì có thể nguôi ngoai, bà Dung ở vậy thờ chồng, nuôi con.

“Tôi có nghe đồng đội của chồng kể lại chuyện anh cứu ông Trọng trong một trận đánh. Anh ấy hy sinh chỉ 2 tháng sau đó. Hôm nay tôi hân hạnh được về đây tham dự cuộc gặp gỡ với ông Trọng trong một không khí đầy niềm tri ân, tự hào. Trong lòng tôi cũng như trút được một gánh nặng”-bà Dung lau nước mắt nói.

Trong số các cựu chiến binh đang thắp hương tưởng niệm và rì rầm những lời nhắn nhủ đến đồng đội nằm lại ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ hôm ấy có một người khá đặc biệt: Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Xáng-cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

 Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Xáng (bìa trái) thắp hương tưởng niệm đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ. Ảnh: Phương Duyên

Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Xáng (bìa trái) thắp hương tưởng niệm đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ. Ảnh: Phương Duyên

Bác sĩ Xáng trò chuyện: Ông nhập ngũ tháng 9-1978, khi đang cùng Sư đoàn 2 đánh từ Tây Ninh lên Phnom Penh thì bị thương nặng. “Nằm dưỡng thương trong khi xung quanh là tiếng bom đạn, đồng đội còn đang cầm súng tiến lên phía trước và ngã xuống, trong lòng tôi dâng lên sự tiếc nuối ghê gớm”-ông kể.

Tháng 10-1980, ông ra quân chỉ sau hơn 2 năm vào chiến trường. Trả lời câu hỏi “sống tiếp như thế nào cho xứng đáng, để trả ơn cho tất cả?”, ông quyết tâm thi vào Đại học Y (Huế) để làm bác sĩ, góp sức xoa dịu nỗi đau bệnh tật của con người.

Từ tư chất sẵn có và nỗ lực lớn, ông lao vào học tập để trở thành người thầy thuốc đúng nghĩa, được đồng nghiệp và bệnh nhân tin yêu. Dù bận rộn song lúc nào ông cũng hết lòng với anh em đồng đội, sự kiện nào cũng nhiệt tình tham gia, trong đó có những chuyến về thăm chiến trường xưa, thăm nơi đồng đội yên nghỉ…

 Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Xáng gửi nén tâm hương đến các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ảnh: Phương Duyên

Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Văn Xáng gửi nén tâm hương đến các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ảnh: Phương Duyên

Cũng như bao người được trở về sau cuộc chiến, được sống trong hòa bình, những người lính như ông tâm niệm: Không được quên những Anh hùng đã nằm lại nơi chiến trường. Càng không được quên những người mẹ, người cha, người vợ, người con của họ đã sống tiếp phần đời trong lặng lẽ, nhớ thương.

Người cựu chiến binh trầm giọng: “Trong khoảnh khắc nặng lòng hôm nay, trong làn khói hương, tôi thầm nguyện cầu cho hương hồn các Anh hùng liệt sĩ được siêu thoát, an yên nơi miền tịnh cảnh. Nỗi nhớ về các anh không chỉ là niềm đau mà còn là lòng biết ơn sâu sắc lắng đọng trong đáy lòng. Mãi mãi chúng tôi không quên nghĩa tình đồng đội trong lửa đạn. Chúng tôi nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả ấy…”.

PHƯƠNG DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thang-7-hoi-ngo-va-tri-an-post561373.html