Tháng 7 nghĩa tình trên quê hương Cẩm Thủy

Những ngày tháng 7, tại khắp các địa phương ở huyện Cẩm Thủy luôn sôi nổi các hoạt động viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng... Đây là những hoạt động thể hiện đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', và tri ân những người đã dâng hiến máu xương, tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Người dân chăm sóc các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cẩm Thủy.

Người dân chăm sóc các phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cẩm Thủy.

Những ngày tháng 7, tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cẩm Thủy lúc nào cũng tấp nập dòng người từ mọi miền đất nước về thăm viếng, thắp hương lên phần mộ các Anh hùng liệt sĩ. Trong những dòng người đến đây, không chỉ có thân nhân các liệt sĩ, những người đồng đội đi tìm nhau, những người mẹ, người em, người con mà còn có rất nhiều người tìm về nơi đây với lòng biết ơn vô hạn, lắng đọng nghĩa tình... Hình ảnh đoàn người đi tới từng ngôi mộ thắp nén hương thơm, châm lên ngọn nến lung linh khiến ai đến đây cũng cảm thấy ấm áp, thiêng liêng.

Ngồi bên phần mộ của chú mình là liệt sĩ Nguyễn Xuân Mai, ông Nguyễn Xuân Hưng, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) xúc động cho biết: "Hàng năm, không chỉ vào dịp tháng 7 mà vào các dịp lễ, tết tôi cùng người thân đều đến đây để thắp hương cho chú của mình đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Mỗi lần đến đây tôi đều cảm thấy rất xúc động, nghẹn ngào và cảm nhận rõ hơn sự hy sinh của chú mình cũng như các Anh hùng liệt sĩ để bảo vệ độc lập cho dân tộc. Những năm qua, Nghĩa trang liệt sĩ huyện ngày càng được các cấp, ngành quan tâm xây dựng khang trang, các phần mộ cũng có người chăm sóc, hương khói đầy đủ, ấm cúng nên tôi cảm thấy rất ấm lòng".

Ông Phạm Văn Tới, người trông coi Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cẩm Thủy, cho biết: "Nghĩa trang liệt sĩ huyện là nơi yên nghỉ của 155 liệt sĩ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có 62 liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Vào dịp tháng 7 hàng năm, nghĩa trang dường như trở thành chốn đi về của nhiều thân nhân các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh, các cháu học sinh, sinh viên. Cao điểm nhất, có những ngày chúng tôi đón, hướng dẫn cho cả chục đoàn thăm, viếng phần mộ các liệt sĩ, trong đó có không ít đoàn đến từ các địa phương xa xôi trong cả nước. Từ cuối năm 2022, Nghĩa trang liệt sĩ huyện mới bắt đầu được chuyển sang địa điểm mới tại tổ dân phố Hoàng Giang (thị trấn Phong Sơn). Tại đây, nghĩa trang được xây dựng trên khu đất rộng rãi, phía sau được bao bọc bởi các ngọn núi cao, thoáng mát, có nhiều cây xanh... Những phần mộ của các liệt sĩ đều được lát đá khang trang, có hoa và hương khói quanh năm. Hàng ngày, tôi thường làm nhiệm vụ hướng dẫn thân nhân liệt sĩ và các đoàn khách đến thăm viếng. Đồng thời, thường xuyên lau dọn, chăm sóc mộ các liệt sĩ và cắt tỉa, chăm sóc cây xanh xung quanh".

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều người con của huyện Cẩm Thủy đã lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có người may mắn được lành lặn trở về sau chiến tranh, có người phải bỏ lại một phần thân thể trên chiến trường, có người mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ. Vì vậy, trong suốt những năm qua, huyện luôn làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, và xem đó là trách nhiệm, sự tri ân đối với các thế hệ cha anh đã cống hiến xương máu cho nền hòa bình, độc lập hôm nay.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Sơn, cho biết: Thị trấn hiện có 337 đối tượng người có công với cách mạng. Không chỉ trong tháng 7, mà công tác “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được địa phương và Nhân dân thị trấn quan tâm, thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức như: thăm, tặng quà người có công với cách mạng dịp lễ, tết, khi ốm đau; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; cấp phát thẻ BHXH đầy đủ... Theo thống kê, hàng tháng thị trấn chi trả chế độ cho 255 đối tượng là thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, với tổng số tiền trên 429 triệu đồng. Dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ năm nay, thị trấn đã phối hợp với nhóm “Trí tuệ tình người” trao 352 suất quà cho các đối tượng là thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, mỗi suất quà trị giá 600 nghìn đồng. Ngoài ra, thị trấn cũng trích nguồn ngân sách để tổ chức các hoạt động tặng quà cho người có công, gia đình chính sách trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Thủy, cho biết: Toàn huyện có 1.503 người có công với cách mạng, trong đó đối tượng thương binh là 52 người, bệnh binh là 209 người, người nhiễm chất độc hóa học 206 người, Mẹ Việt Nam Anh hùng có 136 người (hiện có 2 người còn sống), liệt sĩ 1.669 người, còn lại là thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Thời gian qua, huyện luôn coi hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” là nhiệm vụ quan trọng, nhằm phát huy sâu sắc hơn nữa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Theo đó, hoạt động này đã được huyện quan tâm triển khai bằng nhiều việc làm thiết thực như xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ xây dựng nhà ở, thăm hỏi dịp lễ, tết cho các đối tượng người có công... Tính từ năm 2023 tới tháng 6/2024, huyện đã chi trả trợ cấp cho trên 1.500 đối tượng người có công, với tổng kinh phí trên 74,7 tỷ đồng. Hàng năm, tổ chức điều dưỡng, điều trị cho trên 400 người có công và thân nhân người có công, với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Riêng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tính trong năm 2023, toàn huyện đã vận động được hơn 900 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, huyện sử dụng vào việc thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm cho người có công, thân nhân người có công, cải tạo nâng cấp nhà bia ghi tên liệt sĩ... Ngoài ra, hàng năm vào các dịp lễ, tết, huyện cũng đều trích từ nguồn ngân sách huyện để thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng người có công. Dịp 27/7 năm nay, huyện đã trích 30 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện để tặng quà cho 30 đối tượng là người có công trên địa bàn.

Việc làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ góp phần sẻ chia những hy sinh, mất mát mà còn là nguồn động viên người có công, thân nhân người có công, gia đình chính sách trên địa bàn huyện vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, cũng là để thế hệ trẻ hôm nay phát huy tinh thần cách mạng của thế hệ cha ông đi trước, cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thang-7-nghia-tinh-tren-que-huong-cam-thuy-220540.htm