Tháng 7: Săn cơ hội trong nhịp chỉnh
Nhiều nhà đầu tư đang đặt câu hỏi có thể mua và nắm giữ cổ phiếu nào để hưởng lợi trong chu kỳ phục hồi của nền kinh tế sau khi giá cổ phiếu đã phản ánh trước một bước thực tế phục hồi.
Chỉnh để chờ tăng trưởng rõ hơn
Phiên giao dịch ngày 29/6, thị trường chứng khoán có diễn biến giảm đáng chú ý khiến nhiều môi giới khuyến nghị hạ tỷ trọng cổ phiếu đề phòng thị trường điều chỉnh mạnh hơn khi bước sang tháng 7.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư S-Talk cho rằng, sau khi tạo đáy trung hạn ở 1.020 điểm, VN-Index đã tăng 100 điểm, thể hiện sự kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ nền kinh tế và gỡ khó cho nhóm doanh nghiệp gặp trục trặc liên quan đến bất động sản, trái phiếu. Thanh khoản tháng 6 tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước, đạt 15.000 tỷ đồng/phiên nhưng dòng tiền vẫn chưa đủ khỏe để bao trùm.
Lý do cho phiên điều chỉnh là số liệu tăng trưởng GDP quý II chưa đủ tốt, cho thấy thị trường chứng khoán chạy nhanh hơn với thực tế của nền kinh tế. Về kỹ thuật, cuối tháng 6, có nhân tố các tổ chức phải rút tiền về để đảm bảo các chỉ số tài chính nên bán ròng, giảm margin. Các tin đồn về bắt lãnh đạo doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
“Nhưng đây chỉ là lý do ngắn hạn, tôi cho rằng, thị trường có nhịp chỉnh và sẽ kết thúc vào thứ Ba tới. Kết quả kinh doanh quý II khởi sắc hơn nhưng tháng 7, nền kinh tế vẫn chưa thẩm thấu lãi suất thấp một cách rõ ràng, mà phải chờ đợi cuối quý III, doanh nghiệp tiếp cận vốn giá rẻ rõ ràng hơn. Đồng thời, dòng tiền tiết kiệm hết kỳ hạn của người dân đi tìm kênh đầu tư mới khi lãi suất tiết kiệm giảm thấp sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán vì hiện tại, không có kênh nào đủ hấp dẫn. VN-Index sẽ có cơ hội tăng kéo dài đến hết quý III và mức điểm 1.250 - 1300 điểm có thể đạt được trong năm nay”, ông Điệp dự báo.
Yếu tố đáng quan tâm là thông điệp tiếp tục tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Theo ông Điệp, dấu hỏi lớn nhất với nhà đầu tư là những bất ổn của thị trường nước ngoài. Việc Fed tăng lãi suất thêm 2 lần nữa có thể ảnh hưởng đến việc giảm lãi suất của thị trường Việt Nam và nhiều khả năng không còn đợt giảm lãi suất điều hành nào nữa trong năm nay để ổn định tỷ giá nhưng vẫn còn dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN) nhận định, tăng trưởng GDP quý II đỡ “bĩ cực” hơn quý I nhưng thể hiện “đang rất khó khăn” khi tăng trưởng dưới 5,8% - là mức tăng trưởng trung bình 10 năm qua. Khó khăn của nền kinh tế năm nay đến từ cả xuất khẩu nên câu chuyện tăng trưởng kinh tế yếu vẫn có khả năng kéo dài.
Vì thế, theo ông Thành, tăng trưởng phải trông đợi vào chính sách tiền tệ, tài khóa và thị trường đang kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất xuống nữa.
MSVN dự báo sẽ có thêm một đợt cắt giảm lãi suất điều hành, tập trung ở lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng. Thống kê cho thấy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng (ảnh hưởng đến các lãi suất cho vay như mua nhà…) đang quay lại mức bình thường như trước đại dịch Covid-19, bình quân đang ở mức 7,3%/năm, nếu giảm thêm 0,2% nữa thì bằng đúng giai đoạn 2018 - 2019. Tuy nhiên, để hỗ trợ nền kinh tế - đang yếu hơn cả giai đoạn đại dịch, lãi suất huy động cần giảm xuống thêm 0,5 - 0,7%/năm, từ đó tạo điều kiện để lãi suất cho vay giảm. Đây chính là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán.
Nhìn góc độ thanh khoản thị trường chứng khoán, chuyển động dòng tiền (qua số tài khoản mở mới, đóng thêm tiền vào tài khoản…) đang rất mạnh - cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường không giảm nhiều, nếu có, là những nhịp điều chỉnh cần thiết để đi lên tiếp.
Với chính sách tài khóa, ông Thành cho rằng, đầu tư công phải hoạt động hết công suất thì mới mong nhìn thấy con số GDP tăng trưởng tốt trở lại trong nửa cuối năm. Số liệu thống kê từ 2015 đến nay và xây dựng kịch bản cho quý III, quý IV năm nay, trong kịch bản cơ bản thì tăng trưởng GDP quý III tăng vọt lên 6,5%, quý IV là 7,3% thì trung bình cả năm GDP tăng trưởng 5,4%. Còn trong kịch bản không tốt lắm, GDP quý II tăng trưởng 5,7%, quý IV là 7% thì cả năm cũng chỉ tăng trưởng 5,1 - 5,2%.
Kịch bản rất tốt, tăng trưởng quý III là 6,8%, quý IV tăng vọt lên 8% thì cả năm đạt khoảng 5,7%, vẫn dưới mức trung bình 5,8%.
Ông Thành chia sẻ, trước mắt, nhà đầu tư đang hồ hởi về việc GDP nhích lên theo từng quý, cộng thêm kỳ vọng đẩy mạnh đầu tư công, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng tốt. Qua đó, dự báo khả năng thị trường vẫn có thể tăng được thêm 5 - 7% trước khi có những biến động rõ ràng hơn (phản ánh kết quả tăng trưởng GDP theo quý).
“Xu hướng chung thì chỉ số chung không giảm mạnh, với các chính sách hỗ trợ thì có thể tăng thêm tầm 7%, nhưng càng về cuối năm, thị trường sẽ chậm lại để chờ kết quả kinh doanh 2023 của các doanh nghiệp’, ông Thành nhận định.
Chiến lược săn hàng tháng 7
Đâu đó nhà đầu tư có ý niệm dòng tiền rẻ đang quay lại, khi lãi suất huy động về quanh 7%/năm. Bên cạnh đó, khi chi phí vốn vay giảm, doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn tái đầu tư cho sản xuất - kinh doanh, qua đó tăng doanh thu, cải thiện biên lợi nhuận… về trung dài hạn, mang niềm tin hơn nữa cho nhà đầu tư. Yếu tố phụ nữa là chi phí vốn vay giảm dần, các nhà đầu tư cá nhân có thể vay vốn sửa chữa nhà, mua sắm, tiêu dùng, kích thích hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Nhà đầu tư T. Hưng nêu quan điểm, “nhìn góc độ cơ bản của doanh nghiệp thì chưa có sự cải thiện nhiều, nhưng nhìn trên góc độ thị trường chứng khoán, tôi cho rằng đã ổn, tức không lo ngại những cú sập hầm quá mạnh. Nếu có, chỉ là những nhịp điều chỉnh bình thường”.
Trong tháng 7, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, dòng tiền sẽ phân hóa, đi vào những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực. Nhà đầu tư này cũng đang săn lùng những cổ phiếu như vậy.
“Nhà đầu tư bắt đầu suy nghĩ đến sự hồi phục của nền kinh tế, ngóng đợi báo cáo quý II, nên có phần thận trọng, chậm lại để chờ đợi thông tin. Song song đó, do thị trường tăng khá tốt trong hơn 1 tháng qua, nên việc chốt lời và nghe ngóng là lẽ thường. Điểm tích cực là dòng tiền ở lại thị trường, chỉ là bán chốt lời và có khuynh hướng mua vào những cổ phiếu đã giảm. Tâm lý nhà đầu tư không tiêu cực, mà chỉ thận trọng hơn”, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam chia sẻ.
Áp lực đáo hạn trái phiếu trong tháng 7, tháng 8 rõ ràng hơn là lực cản với thị trường nhưng theo ghi nhận từ nhiều nhà đầu tư, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân vẫn đang tìm đến các cổ phiếu bất động sản, điển hình là ở các cổ phiếu như NVL, PDR, DIG… Dù có những nhịp chỉnh, nhưng các cổ phiếu này đang hút dòng tiền, thiết lập được mặt bằng giá mới khá tốt.
Theo ông Phương, các nút thắt của những doanh nghiệp này đang được gỡ dần dần, đặc biệt vấn đề trái phiếu cũng có được hướng xử lý; đồng thời, các nhà đầu tư cá nhân không còn quá lo sợ về “trái phiếu đến hạn” vì họ đã nhìn thấy được tín hiệu tích cực từ các giải pháp trước đó, nên sự kỳ vọng cao hơn là sự sợ hãi. Theo đó, nhân cơ hội giá cổ phiếu ở vùng thấp, nhà đầu tư sẽ có khuynh hướng muốn mua vào ở nhóm này.
“Trong thời gian tới, khả năng cổ phiếu bất động sản dân dụng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền cá nhân và giá cổ phiếu sẽ tăng dần”, ông Phương dự báo.
Dẫu vậy, ở góc độ các nhà đầu tư tổ chức, giám đốc môi giới một công ty chứng khoán có vốn ngoại cho biết, các nhà đầu tư của họ vẫn đang tìm thêm dữ liệu để có cơ sở tin tưởng rằng các doanh nghiệp bất động sản có thể hoạt động trở lại, tạo ra dòng tiền từ nay đến năm 2025 (thời hạn đáo hạn trái phiếu mới ở nhiều doanh nghiệp). Nếu không, rủi ro “đẩy quả bom nổ chậm về tương lai” sẽ rất hiện hữu.
Theo giới phân tích, cổ phiếu ngân hàng phân hóa, ngân hàng nào tốt thì vẫn âm ỉ bò lên.
Ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích Khách hàng tổ chức Công ty Chứng khoán Yuanta chia sẻ, khi thị trường chứng khoán đi lên, không thể thiếu nhóm chứng khoán, ngân hàng – những ngành nhạy nhất với xu hướng thị trường. Trong quý IV/2020, sau các đợt giảm lãi suất, tính từ đỉnh, thị trường đã tăng khoảng 70% và hiện nay có đôi phần tương tự về câu chuyện giảm dần lãi suất điều hành, nhà đầu tư không kỳ vọng chứng khoán tăng mạnh như giai đoạn Covid, nhưng tăng 20 - 30% là có.
Câu chuyện hay được nhắc đến giai đoạn qua với cổ phiếu ngân hàng là trả cổ tức tiền mặt. Kỳ vọng này đã được phản ánh, nhưng khi công bố thông tin chốt quyền và bắt đầu trả cổ tức thì thường có những đoạn tăng ngắn.
Ông Điệp chia sẻ, trong ngắn hạn, dòng ngân hàng tăng trưởng tốt, nhưng trong trung hạn, lãi suất giảm làm giảm NIM nên nhóm cổ phiếu ngân hàng khó có sóng tăng mạnh mà giữ nhịp thị trường. Nhóm ngân hàng chỉ có sóng lớn khi có thay đổi về room cho khối ngoại hay thị trường chứng khoán được nâng hạng, nhưng đến tháng 11 năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam khó lọt vào danh sách nâng hạng.
Trong khi đó, với kỳ vọng từ đầu tư công, dòng tiền đang chú ý tới nhiều cổ phiếu nhóm xây lắp và vật liệu xây dựng như LCG, FCN, VCG, VLB, KSB, HPG… Theo ông Thành, trong nhóm này, có thể lựa chọn theo một số ngành, như nhóm thép, ngoài câu chuyện đầu tư công thì còn kỳ vọng những nút thắt trên thị trường bất động sản được tháo gỡ, các công trường sẽ nhộn nhịp, sản lượng tiêu thụ gia tăng. Chưa kể, tồn kho nguyên vật liệu giá cao của các doanh nghiệp thép đang giảm dần nên kỳ vọng sẽ cải thiện được biên lợi nhuận.
Một ngành nữa liên quan đến hạ tầng, theo nghĩa rộng là chuẩn bị nền tảng cho phát triển, là dầu khí, năng lượng, nhờ chuyển sang trạng thái đón nhận chính sách, chu kỳ mới của ngành đang tốt lên, chẳng hạn phải đảm bảo năng lượng, nguồn điện phục vụ các doanh nghiệp FDI đang mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, các dự án khai thác dầu khí đang bung trở lại, nên cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động khai thác dầu khí như PVD, hay PVS được các nhà đầu tư ưa thích.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, giai đoạn qua có sự nhích lên khá tốt về thị giá. Theo ông Phương, nhà đầu tư hay nhắm đến thông tin hiện hữu, hoặc các tiềm năng phát triển trong tương lai, nên thông tin đoàn Hàn Quốc sang thăm Việt Nam có tác động tâm lý rất tích cực, nên nhà đầu tư đang rất ưa thích cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, thể hiện qua dòng tiền vẫn đang bị hút vào đây.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp từng có thị giá 4 – 5x nay đang vùng giá thấp hơn nhiều, nên nhà đầu tư kỳ vọng quay về đỉnh cũ. Qua đó, họ mạnh dạn mua vào mỗi khi có giá điều chỉnh ở những cổ phiếu như KBC, SZC…
Một số tín hiệu tích lũy dòng tiền ở nhóm may mặc cũng có thể chú ý, với kỳ vọng đơn hàng cuối năm cải thiện hơn… và các cổ phiếu có tính thị trường cao như TNG, TCM đang hấp thụ tốt.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC
Số liệu GDP có thể là điểm nhấn để nhà đầu tư xác định lại kỳ vọng với thị trường và nền kinh tế. Sẽ không bất ngờ nếu mùa kết quả kinh doanh quý II sẽ tương đối ảm đạm, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất.
Nếu xuất hiện giai đoạn “xanh vỏ, đỏ lòng”, kéo chỉ số mà đa phần cổ phiếu suy yếu, hình thành xu hướng giảm, đó là đặc điểm tạo đỉnh điển hình trong thị trường mùa hè. Nhà đầu tư cần quan sát dấu hiệu đó để xem dòng tiền có bị ngầm rút ra hay không.
Thực tế, đầu tư trong suy thoái là một thử thách về cảm xúc. Hiện tại, thị trường đang có dấu hiệu hưng phấn nhất định, đặc biệt ở các nhà đầu tư cá nhân. Đà tăng tốt trong tháng 4, 5, 6... khiến dòng tiền FOMO và không thể đứng ngoài. Tuy nhiên, việc đu theo thị trường sẽ rất nguy hiểm nếu triển vọng kinh tế không rõ.
Sau nhịp tăng vừa qua, nhiều mã cổ phiếu ngành chứng khoán, thép đã tăng gấp đôi từ đáy, ngân hàng đã tăng 50 - 70%, bất động sản cũng tăng bằng lần. Điều đó khiến định giá các nhóm ngành chủ chốt không quá hấp dẫn và cần sự tỉnh táo của nhà đầu tư trong việc lựa chọn.
Ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF)
Lãi suất liên tục giảm trong giai đoạn gần đây, cộng với việc các khoản tiền gửi 6 tháng của nhà đầu tư đáo hạn mang đến dòng tiền mới cho thị trường chứng khoán, thể hiện qua các phiên giao dịch với thanh khoản tương đối cao trong thời gian gần đây.
Những nhóm ngành có thể được hưởng lợi: nhóm chứng khoán (từ thanh khoản thị trường tăng, nhiều cổ phiếu phục hồi tương đối tốt từ đáy), nhóm ngân hàng (lãi suất đầu vào giảm nhưng lãi suất đầu ra chưa giảm tương ứng, chưa phải trích lập ngay những khoản nợ tái cơ cấu của các doanh nghiệp khó khăn trong giai đoạn hiện nay), nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chuỗi giá trị đầu tư năng lượng tái tạo, nhóm cổ phiếu đầu tư công.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Một số ngành vẫn kỳ vọng có sự bứt phá trong tháng 7, chẳng hạn du lịch - hàng không, hoặc một số cổ phiếu được hưởng lợi từ dự án sân bay Long Thành.
Lãi suất hạ nhiệt và cầu tín dụng phục hồi dần là động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguy cơ nợ xấu tăng, tôi vẫn ưu tiên những cổ phiếu ngân hàng có bộ đệm dự phòng tốt và có chất lượng cho vay chặt chẽ.
Ngoài ra, tôi cho rằng, một số ngành có khả năng phục hồi theo chu kỳ như thủy sản, dệt may, thép. Đây là những ngành đang có định giá thấp khi các khó khăn của ngành đã phản ánh hết vào giá, nhưng kết quả kinh doanh tốt hơn trong nửa cuối năm trên nền thấp của năm ngoái, cũng như từ việc phục hồi nhẹ của tiêu dùng toàn cầu.
Ông Võ Thế Vinh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Goutai Junan Việt Nam
Chúng ta đặt kỳ vọng Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng thực tế lãi suất Mỹ vẫn đang ở mức cao, do vậy, Việt Nam có thể phải chịu áp lực tỷ giá trong ngắn hạn. Tuy vậy, sẽ không quá lo ngại về việc dòng vốn sẽ chảy từ Việt Nam ra bên ngoài như giai đoạn tháng 10/2022.
Bên cạnh đó, tháng 7, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn khá lớn nên thị trường cũng đặt mối quan tâm đến việc xử lý lượng trái phiếu đến hạn từ các doanh nghiệp. Trên góc nhìn chung như vậy, thị trường chứng khoán tháng 7 có thể xuất hiện những pha điều chỉnh, nhưng đây sẽ là cơ hội để tích lũy cổ phiếu.
Đối với việc “săn hàng”, nhóm ngành liên quan đến câu chuyện đầu tư công vẫn có nhiều triển vọng. Các ngành năng lượng - xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp, với tỷ trọng lớn trong cơ cấu phân bổ đầu tư công. Trong đó, nhóm năng lượng với Quy hoạch điện VIII và nhóm xây dựng với các kế hoạch phân bổ cho nhóm giao thông - vận tải, bao gồm các dự án cao tốc trọng điểm và sân bay Long Thành.
Nhóm cổ phiếu hạ tầng, xây dựng nằm trong danh mục quan sát như VCG, HHV, C4G, LCG, CII… Đơn cử, VCG là doanh nghiệp trúng thầu lớn nhất, hiện sở hữu lượng công việc chưa thực hiện (backlog) lớn khoảng 20.000 tỷ đồng nhờ trúng thầu các dự án như Bãi Vọt - Hàm Nghi, Quy Nhơn - Chí Thanh, Vân Phong - Nha Trang, sân bay Long Thành, sân bay Phú Bài, cầu Vĩnh Tuy 2… HHV có khối lượng backlog lớn, tuy nhiên gặp áp lực vốn trong ngắn hạn khi tham gia vào các dự án đầu tư có quy mô lớn
Song hành cùng các dự án đầu tư công (hạ tầng giao thông), nhóm vật liệu xây dựng hưởng lợi gián tiếp với nhu cầu lớn về thép, đá, xi măng. Các doanh nghiệp lớn nhất ngành và/hoặc có vị trí gần các dự án trọng điểm (đá, xi măng) sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi như HPG, HSG, NKG (thép), KSB, DHA, VLB (đá) hay BCC (xi măng)…
Xoay quanh chủ điểm đầu tư công với nhiều lĩnh vực khác nhau, cơ hội đầu tư cũng xuất hiện ở một vài nhóm ngành nhỏ hơn như hạ tầng viễn thông với kế hoạch triển khai hạ tầng 5G. Trong đó, CTR là cổ phiếu tiêu biểu trong ngành.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thang-7-san-co-hoi-trong-nhip-chinh-post325006.html