Tháng 7 sắp lập kỷ lục là tháng nóng nhất từng được ghi nhận

Tháng 7 năm nay đang trên đà trở thành tháng nóng nhất từng được con người ghi nhận, theo các nhà khoa học xác nhận hôm thứ Năm (27/7). Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng vừa cảnh báo Trái đất đã chuyển sang 'kỷ nguyên sôi sục'.

"Kỷ nguyên sôi sục toàn cầu đã đến"

Nhiệt độ tăng cao do sự nóng lên toàn cầu đã ảnh hưởng đến hàng chục triệu người ở các vùng của châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ trong tháng này, kết hợp với những trận cháy rừng dữ dội đã thiêu rụi khắp Canada và một số quốc gia ở Nam Âu.

 Nhiệt độ được ghi nhận lên tới 54 độ C ở Thung lũng Chết, California, Mỹ vào ngày 16 tháng 7. Ảnh: AFP

Nhiệt độ được ghi nhận lên tới 54 độ C ở Thung lũng Chết, California, Mỹ vào ngày 16 tháng 7. Ảnh: AFP

"Biến đổi khí hậu đang ở đây. Thật đáng sợ. Và nó mới chỉ là khởi đầu", ông Guterres nói, đồng thời kêu gọi hành động ngay lập tức và mạnh mẽ hơn để cắt giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh. "Kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã kết thúc; kỷ nguyên sôi sục toàn cầu đã đến", ông tuyên bố.

Với việc 3 tuần đầu tiên của tháng 7 đã ghi nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn bất kỳ khoảng thời gian nào từng được ghi chép trước đây, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của châu Âu (C3S) cho biết "rất có thể" tháng 7 năm 2023 sẽ là tháng nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay.

Carlo Buontempo, Giám đốc C3S, cho biết nhiệt độ trong giai đoạn này là "đáng chú ý", với sự bất thường lớn đến mức các nhà khoa học tin rằng kỷ lục đã bị phá vỡ ngay cả trước khi tháng kết thúc.

Ngoài những ghi chép chính thức, ông cho biết rất có thể mức nhiệt độ này còn là "chưa từng có trong lịch sử của chúng ta trong vài nghìn năm qua", thậm chí có thể còn cao nhất trong "100.000 năm qua".

Nhiệt độ toàn cầu đã tăng trung bình 1,2 độ C kể từ cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu vào cuối những năm 1800, do nhân loại không ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch. Nó đã làm cho các đợt nắng nóng trở nên gay gắt hơn, kéo dài hơn và thường xuyên hơn, cũng như làm gia tăng các điều kiện thời tiết cực đoan khác như bão và lũ lụt.

"Mối đe dọa hiện hữu"

Nắng nóng gay gắt và những trận cháy rừng kinh hoàng xảy ra vào tháng 7 trên khắp các khu vực ở Bắc Bán cầu đã gây ra báo động về tác động đối với sức khỏe, hệ sinh thái và nền kinh tế.

Với những vùng rộng lớn của nước Mỹ đang phải đối mặt với đợt nắng nóng kỷ lục, Tổng thống Joe Biden gọi nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu là "mối đe dọa hiện hữu".

 Biểu đồ nhiệt độ trung bình toàn cầu từ năm 1940 đến nay, với năm 2023 đang trền đà lập kỷ lục mới. Ảnh đồ họa: CNN

Biểu đồ nhiệt độ trung bình toàn cầu từ năm 1940 đến nay, với năm 2023 đang trền đà lập kỷ lục mới. Ảnh đồ họa: CNN

Tại Bắc Kinh, nơi chứng kiến kỷ lục 4 tuần có nhiệt độ cao trên 35 độ C, chính quyền đã phải kêu gọi người già ở trong nhà và trẻ em rút ngắn thời gian vui chơi ngoài trời.

Cháy rừng đang hoành hành ở một số quốc gia trên khắp khu vực Địa Trung Hải. Hàng trăm lính cứu hỏa đã phải vật lộn để ngăn chặn những đám cháy chết người trên khắp Hy Lạp trong hai tuần qua.

Copernicus và WMO cho biết nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu, cao hơn nhiều so với nhiệt độ trung bình trước đây suốt kể từ tháng 5, đã góp phần khiến tháng 7 ấm lên bất thường.

WMO cho biết 8 năm tính đến năm 2022 là quãng thời gian nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử, bất chấp tác động làm mát của mô hình thời tiết La Nina. Và giờ khi thời tiết đã chuyển sang hiện tượng đối nghịch El Nino, khí hậu toàn cầu được khẳng định sẽ càng khắc nghiệt hơn. Nó đã khiến tháng 6 vừa rồi lập kỷ lục về nhiệt độ.

Tuần này, các nhà khoa học thuộc tổ chức World Weather Attribution (WWA) đã phát hiện ra rằng các đợt nắng nóng ở các vùng của châu Âu và Bắc Mỹ gần như không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu.

Bùi Huy (theo LHQ, CNN, AFP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thang-7-sap-lap-ky-luc-la-thang-nong-nhat-tung-duoc-ghi-nhan-post258129.html