Tháng 7 về, nhớ những anh hùng nơi Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm (Thanh Hóa) hiện đang là nơi yên nghỉ của hơn 2,1 nghìn liệt sĩ, trong đó có hơn 1 nghìn liệt sĩ vẫn chưa được 'trả lại tên'.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm (xã Thiết Ống, tỉnh Thanh Hóa) rộng chừng 3 ha, nằm gọn trong thung lũng, được bao bọc, che chở bởi những dãy núi rừng trùng điệp. Ban đầu, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm có tên gọi là Nghĩa trang Đồng Tâm, sau đó đổi thành Nghĩa trang Liệt sĩ Bá Thước và đến tháng 7/2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa chính thức đổi tên thành Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm.

Nghĩa trang này được xây dựng, hoàn thành vào năm 1976. Nơi đây hiện đang là nơi yên nghỉ của 2.194 liệt sĩ cả nước, trong đó có 16 phần mộ liệt sĩ của nước bạn Lào, 12 phần mộ tập thể.

Những năm gần đây, số lượng mộ quy tập về nghĩa trang ngày càng nhiều, đặc biệt việc thực hiện chương trình phối hợp tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn nói riêng, hai nước Việt Nam - Lào nói chung đã đưa hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào, cũng như cán bộ, bộ đội, lưu học sinh Lào hy sinh tại Việt Nam vào nghĩa trang.

Mỗi lần trở về Đồng Tâm là một lần lặng người trước hàng ngàn ngôi mộ trắng, có tên và vô danh, nằm san sát trong khuôn viên nghĩa trang.

Xuất phát từ 4 giờ sáng, gia đình anh Huy (xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên) phải mất chừng 6 tiếng mới có mặt tại Đồng Tâm. Mỗi người một việc, họ bày đồ cúng, cắm hoa để chuẩn bị thắp hương cho Liệt sĩ Phạm Đức Nhật.

Theo thân nhân Liệt sĩ Phạm Đức Nhật, ông đã tham gia kháng chiến từ năm 18 tuổi, đến năm 1971 thì hy sinh bên Lào, sau đó được chuyển về Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm. “Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp 27/7 là gia đình lại thuê xe vào thắp hương cho bác, bác hy sinh khi còn rất trẻ, khi đó còn chưa kịp lấy vợ, sinh con”, anh Huy nghẹn ngào chia sẻ.

Những ngôi mộ được sắp xếp ngay ngắn, thẳng hàng, không khí tĩnh lặng và thiêng liêng; sức nặng của lịch sử thấm vào từng tảng đá, từng bia mộ.

Từng nén nhang được thắp lên không chỉ thể hiện lòng thành kính, mà còn là sợi dây vô hình kết nối hiện tại với quá khứ, nối tấm lòng người hôm nay với sự hy sinh vĩ đại của người đi trước.

Trên mỗi phần mộ, người ta đặt những bông hoa sen và đặc biệt, không thể thiếu những nén nhang khói bay nghi ngút giữa gió rừng. Hơi ấm ấy không bao giờ tắt, như chính lòng biết ơn đời đời của nhân dân hôm nay dành cho lớp người đi trước.

Những người đến đây không thể ngăn nỗi dòng cảm xúc nghẹn ngào.

Đồng Tâm không chỉ là một nghĩa trang liệt sĩ bình thường, mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế thủy chung với quan hệ hữu nghị Việt – Lào. Những liệt sĩ nằm lại nơi đây, dù chưa từng trở về quê mẹ, nhưng đã trở thành cột mốc sống mãi trong lòng nhân dân hai nước.

Những liệt sĩ của nước bạn Lào nằm lại nơi đây, dù chưa xác định được danh tính, chưa được trở về quê mẹ nhưng đã trở thành cột mốc sống mãi trong lòng nhân dân hai nước.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm hiện còn hơn 1.000 mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Trên bia mộ chỉ vỏn vẹn dòng chữ: “Liệt sĩ chưa biết tên”. Nhưng với những người đến đây, họ không vô danh mà là biểu tượng sống động của lòng quả cảm, của tinh thần quốc tế cao cả không đòi hỏi đền đáp.

Mỗi phần mộ không tên là một câu chuyện còn dang dở, không có người thân đến thăm, nhưng chưa bao giờ cô đơn. Hôm nay, chúng tôi đến đây để gọi anh bằng hai tiếng thân thương: Liệt sĩ.