Tháng 8, tháng 9 năm 1945 – những sự kiện lịch sử không quên

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản 'Tuyên ngôn độc lập' khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

LTS: Năm 1945 là một dấu mốc lịch sử vô cùng trọng đại, có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của dân tộc ta, đất nước ta.

Những sự kiện diễn ra trong tháng 8, tháng 9 năm 1945 được xem là những phút giây lịch sử hào hùng không thể nào quên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của Đại tá Đặng Việt Thủy về những sự kiện lịch sử diễn ra trong tháng 8, tháng 9 năm 1945.

Ngày 13 – 15/8/1945:

Hội nghị toàn quốc Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Hội nghị tiến hành đúng vào lúc phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh.

Trong tình thế vô cùng khẩn trương, hội nghị ra nghị quyết nêu rõ: "Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi", "Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nhĩa giành quyền độc lập".

Hội nghị quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, do đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư trực tiếp phụ trách.

Ngày 13/8/1945:

Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra "Quân lệnh số 1", phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Bản Quân lệnh nêu rõ: "Hỡi các tướng sĩ và đội viên giải phóng quân Việt Nam. Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, các bạn hãy tập trung lực lượng, kịp đánh vào các đô thị và trọng trấn của quân địch, đánh chặn các đường rút lui của chúng, tước vũ khí của chúng. Đạp bằng muôn trùng trở lực, các bạn hãy kiên quyết tiến".

Những sự kiện chính về tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945

Ngày 16/8/1945:

Đại hội Quốc dân khai mạc ở đình Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng:

Quy định Quốc kỳ, Quốc ca, thông qua mười chính sách của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ngay trong ngày 16/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân và dân cả nước "Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa".

Ngày 18/8/1945:

Lực lượng vũ trang cùng nhân dân địa phương thực hành khởi nghĩa, giành chính quyền ở các tỉnh lỵ Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Mỹ Tho.

Ngày 19/8/1945:

Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội và các tỉnh Phú Yên, Thái Bình, Khánh Hòa (Hiện nay có nhiều sách chuyên khảo của Trung ương và địa phương viết về Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

Vì vậy, ở đây chúng tôi chỉ nêu mốc chủ yếu khởi nghĩa giành chính quyền ở ở thành phố, tỉnh lỵ, phủ huyện, châu lỵ của mỗi tỉnh trong cả nước).

Ngày 20/8/1945:

Khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh lỵ Thái Nguyên, Bắc Ninh, Sơn Tây, Ninh Bình và Thanh Hóa.

Ngày 21/8/1945:

Khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh lỵ Yên Bái, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Nam Định, Nghệ An và Ninh Thuận.

Ngày 22/8/1945:

Khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh lỵ Cao Bằng, Hưng Yên, Kiến An, Tân An.

Ngày 23/8/1945:

Tổng bộ Việt Minh gửi thư yêu cầu vua Bảo Đại trao chính quyền cho cách mạng.

Hà Nội – những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng, Hà Đông, Hòa Bình, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu.

Ngày 24/8/1945:

Khởi nghĩa giành chính quyền tại các tỉnh lỵ Hà Nam, Quảng Yên, Lâm Viên, Đắc Lắc, Phú Yên và Gò Công.

Ngày 25/8/1945:

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng từ chiến khu về Hà Nội. Hôm đó Người về ở một nhà dân tại làng Phú Gia (làng Gạ), huyện Từ Liêm.

Hôm sau, Người về ở nhà số 48, phố Hàng Ngang. Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập.

Trước đó, ngày 21/8, đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư Đảng và các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng cũng từ Tân Trào về Hà Nội.

Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Thành phố Sài Gòn và các tỉnh lỵ Chợ Lớn, Gia Định, Bình Thuận, Long Xuyên, Vĩnh Long, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Bến Tre, Tây Ninh, Sa Đéc, Kon Tum, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La.

Ngày 26/8/1945:

Khởi nghĩa giành chính quyền tại các tỉnh lỵ Châu Đốc, Biên Hòa, Hòn Gai.

Ngày 27/8/1945:

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra lời tuyên cáo và công bố Chính phủ lâm thời gồm: Chủ tịch kiêm ngoại giao là Hồ Chí Minh và 14 bộ trưởng.

Khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Rạch Giá và Quảng Ngãi.

Ngày 28/8/1945:

Khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng và Hà Tiên.

Chi đội 3 giải phóng quân sau khi tham gia giải phóng Thái Nguyên, tiến về Hà Nội. Nhân dân Hà Nội hân hoan đón các chiến sĩ Giải phóng quân từ chiến khu về để cùng đồng bào đón Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt quốc dân.

Ngày 2/9/1945:

Tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam, trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Tư liệu - TTXVN)

Ngày 3/9/1945:

Phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa. Chính phủ đã thảo luận và tán thành sáu vấn đề cấp bách nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là:

1. Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo.

2. Mở chiến dịch chống nạn mù chữ.

3. Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo hiến pháp dân chủ.

4. Mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ những thói hư tật xấu của chế độ thực dân để lại.

5. Bỏ ngay thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.

6. Ra tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo.

Ngày 4/9/1945:

Sắc lệnh Tổ chức Quỹ độc lập

Chính quyền cách mạng đang gặp muôn vàn khó khăn, nhất là về tài chính. Ta tiếp quản Ngân khố Trung ương chỉ có hơn một triệu đồng mà một nửa là tiền hào rách sắp hủy. Mọi chi tiêu của Chính phủ đều dựa vào dân.

Nhân dịp Chính phủ phát động "Tuần lễ Vàng" (từ ngày 17-24/9) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước, chỉ trong một thời gian ngắn đã quyên góp được 370kg vàng và 40 triệu đồng cho quỹ Quốc phòng và 20 triệu đồng cho quỹ Độc lập.

Ngày 7/9/1945:

Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 ở các địa phương trong cả nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân, thứ thuế dã man nhất là nhằm đánh vào mỗi người đàn ông từ 16 tuổi trở lên.

Mặc dù thứ thuế này đang chiếm 60% tổng số thuế trực thu, nhưng chính quyền cách mạng cũng cương quyết bãi bỏ.

Thành lập Bộ Tổng tham mưu - cơ quan tham mưu cao nhất của quân đội. Nhiệm vụ của Bộ Tổng tham mưu được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị:

"Tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi; tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng: bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng".

Đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tổng Tham mưu trưởng.

Ngày 8/9/1945:

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để phụ trách việc chống nạn mũ chữ trong cả nước. Chỉ sau một năm, có hơn một triệu người biết đọc, biết viết.

Thành lập cơ quan Quân lực Bộ Tổng tham mưu. Ngày 8/9 trở thành ngày truyền thống của ngành Quân lực.

Ngày 9/9/1945:

Thành lập Phòng Thông tin liên lạc quân sự thuộc Bộ Tổng tham mưu, do đồng chí Hoàng Đạo Thúy phụ trách.

Phòng Thông tin liên lạc quân sự ra đời góp phần quan trọng giúp Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo, chỉ huy quân đội tập trung, thống nhất, nhanh chóng và chính xác.

Ngày 9/9 trở thành ngày truyền thống của Bộ đội thông tin liên lạc.

Ngày 12/9/1945:

Thành lập Ban Mật mã quân sự (thuộc Phòng Thông tin liên lạc quân sự Bộ Tổng tham mưu) có nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn và sử dụng luật mật mã, bảo đảm bí mật nội dung lãnh đạo và chỉ huy các cấp trong quân đội khi chuyển qua các phương tiện thông tin.

Nhìn lại Tổng khởi nghĩa năm 1945 tại Sài Gòn – Gia Định sau 71 năm

Ngày 12/9 trở thành ngày truyền thống của ngành Mật mã (cơ yếu) của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 13/9/1945:

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh (số 13c/SL) thiết lập các tòa án quân sự.

"Điều 1 - Sẽ lập tòa án quân sự ở Bắc Bộ: tại Hà Nội; Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình; ở Trung Bộ: tại Vinh, Huế, Quảng Ngãi; ở Nam Bộ: tại Sài Gòn, Mỹ Tho.

Điều 2: Tòa án quân sự sẽ xử lý tất cả các người nào phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trừ phi phạm nhân là binh sĩ thì thuộc về nhà binh tự xử lấy theo quân luật".

Ngày 13/9 trở thành ngày truyền thống của ngành Tòa án quân sự.

Ngày 15/9/1945:

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập phòng Quân giới thuộc Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí.

Ngay sau khi ra đời, Phòng Quân giới tổ chức thu thập, mua sắm vũ khí ở một số tỉnh miền Bắc và xây dựng được một số cơ sở chế tạo vũ khí quanh Hà Nội.

Ngày 15/9 trở thành ngày truyền thống của Bộ đội quân giới Việt Nam.

Giữa tháng 9/1945:

Nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho học sinh, thư Bác có đoạn:

"Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng Giải phóng quân Việt Nam và đổi tên thành Vệ quốc đoàn - quân đội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chuyện "tiền nong" năm 1945 được Chính phủ khi đó giải quyết như thế nào?

Người căn dặn Vệ quốc đoàn, các lực lượng vũ trang và nhân dân thực hiện sách lược mềm dẻo đối với quân đội Tưởng Giới Thạch (dưới danh nghĩa quân Đồng Minh, kéo theo bọn phản động tay sai vào miền Bắc, giải giáp quân đội Nhật).

Thực hiện chỉ thị mở rộng lực lượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ một số chi đội, đại đội (khoảng 5.000 người), trong những ngày Tổng khởi nghĩa, đến cuối năm 1945, Vệ quốc đoàn đã phát triển lên 50.000 người gồm 40 chi đội (mỗi chi đội từ 1.000 đến 2.000 người).

Ngày 19/9/1945:

Chi đội Thiện Thuật (sau đổi tên thành Trung đoàn Thiện Thuật - Trung đoàn 95) chi đội Giải phóng quân đầu tiên của Quảng Trị được thành lập tại thị xã Quảng Trị. Quân số chi đội gồm 1.500 người.

Tháng 9/1945:

Thành lập Ủy ban Binh lương (sau đổi thành Phòng Quân lương) có nhiệm vụ giúp Trung ương Đảng và Chính phủ về bảo đảm ăn, mặc cho quân đội.

Ủy ban Binh lương do đồng chí Vũ Anh - Ủy viên quân sự toàn quốc phụ trách.

Ngày 23/9/1945:

Đồng bào Nam Bộ bắt đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cũng trong ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí với quyết tâm của xứ ủy và nhân dân Nam Bộ, kêu gọi nhân dân cả nước chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ kháng chiến.

Ngày 26/9/1945:

Qua đài phát thanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào Nam Bộ anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Chi đội 3 giải phóng quân hành quân bằng tàu hỏa từ ga Thanh Hóa vào Nam. Đây là chi đội Nam Tiến đầu tiên.

Bài học về đại đoàn kết toàn dân trong Cách mạng tháng Tám

Dọc đường, chi đội được bổ sung 2 trung đội của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vào chiến đấu tại cầu Bình Lợi, Xuân Lộc (Đông Nam Bộ).

Tiếp đó, từ tháng 10/1945 đến tháng 3/1946, có 12 chi đội (mỗi chi đội tương đương trung đoàn hoặc tiểu đoàn) và 6 đại đội Vệ quốc đoàn Nam tiến cùng quân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ kháng chiến.

Ngày 28/9/1945:

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cứu đói. Thư viết: "Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng.

Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo".

Cuối tháng 9/1945:

Hội nghị quân sự Nam Trung Bộ quyết định thành lập Bộ chỉ huy mặt trận Nam Trung Bộ, gồm các đồng chí: Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Trương Quang Giao.

Nhiệm vụ: Bảo đảm hành lang và bàn đạp vận chuyển vũ khí, lương thực của Trung ương và các tỉnh phía Bắc vào Nam Bộ; đưa lực lượng vào chi viện Nam Bộ kháng chiến; sẵn sàng đối phó với cuộc tiến công của Pháp và Nhật ra Nam Trung Bộ.

Tài liệu tham khảo:

- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

- Việt Nam - 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975) (Biên niên sự kiện), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/thang-8-thang-9-nam-1945--nhung-su-kien-lich-su-khong-quen-post189326.gd