Tháng 'ba' mùa con ong cho mật...

Vào một ngày tháng 3 (âm lịch) đẹp trời, theo những chủ ong ở các huyện Tam Dương, Tam Đảo… đi lấy mật, chúng tôi cảm nhận được nhiều điều thú vị của nghề nuôi ong. Tuyệt vời hơn cả là hành trình chắt chiu những tinh túy từ trời đất, thiên nhiên của các chú ong thợ cần cù để ban tặng cho con người những giọt mật vàng sánh, ngọt ngào.

Theo kinh nghiệm của các chủ ong, thời gian thu hoạch mật kéo dài quanh năm, song tháng 3 (âm lịch) vẫn là thời điểm thu hoạch nhiều và ngon nhất. Sau Tết Nguyên đán, tiết trời ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở giúp việc lấy mật của những chú ong thợ cũng thuận lợi hơn.

Những chú ong thợ cần mẫn tìm hoa hút mật. Mật hoa sau khi vào dạ dày ong sẽ chuyển hóa sang mật ong. Theo các nhà nghiên cứu, thông thường, mỗi bông hoa, ong chỉ hút được 1 giọt, thậm chí nửa giọt. Muốn chế ra được 100gr mật ong, chú ong thợ phải “thăm viếng” khoảng 1 triệu bông hoa; tốn 12.000-15.000 chuyến vận chuyển mật hoa về tổ.

Khi về đến tổ sẽ có một chú ong thợ khác tiếp nhận mật hoa rồi nhả giọt mật đó vào trong lỗ tổ còn để trống. Những lỗ nhỏ sau khi chứa đầy mật ong phải trải qua quá trình "quạt gió" để cô đặc lại. Khi những lỗ mật này đạt tiêu chuẩn, ong thợ sẽ tiết sáp để vít kín nắp…

Tam Đảo đang vụ hoa sưa, nên thời điểm này, các chủ ong đi khai thác mật sưa. Do phải trải qua nhiều công đoạn, từ thu hoạch cầu ong, cắt sáp đến quay mật… nên các chủ ong phải tập trung hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Hôm nay đi lấy mật cho hộ này, mai làm cho hộ khác, mỗi người một việc, rất ăn ý, nhịp nhàng.

Nuôi ong lâu năm nên chủ ong nào cũng có vốn kiến thức nhất định về đặc tính sinh trưởng của loài ong; hiểu được quy luật phát triển của từng loài hoa để thu hoạch được sản lượng mật ong nhiều và chất lượng nhất.

Trước khi bắt tay vào khai thác mật ong, các chủ ong phải đi thăm dò, kiểm tra những thùng nuôi ong được đặt nhờ tại các hộ gia đình trồng nhiều cây trái. Hễ thấy những lỗ tròn trên các cầu ong được vít kín lại có nghĩa lượng mật đượm và nhiều.

Theo các chủ ong, bán kính hoạt động của đàn ong nằm trong phạm vi 5 km nên việc tìm vị trí đặt thùng ong rất quan trọng, giúp những con ong thợ có điều kiện tìm hoa, hút mật thuận lợi. Ngoài hoa sưa, các loài hoa dại ở địa phương cũng có một lượng mật nhất định giúp duy trì sự phát triển của đàn ong. Do đó, người nuôi ong phải thường xuyên quan sát, nếu thấy ong thợ hằng ngày bay ra/vào với nhiều càng phấn hoa có nghĩa nguồn mật hoa trong khu vực dồi dào.

Trong quá trình khai thác mật ong, để tránh bị ong đốt, ngoài mặc quần áo, mũ bảo hộ kín, các chủ ong còn chuẩn bị những bình xông khói để bơm trên mặt thùng nuôi ong

Mục đích để làm cay mắt đàn ong rồi nhẹ nhàng giũ từng cầu ong và lấy chúng ra khỏi thùng

Mỗi thùng ong có 7-10 cầu ong. Những cầu ong vàng rộm, đượm mật được chủ ong khéo léo cắt bỏ hết lớp sáp thừa bên trên rồi xếp vào thùng quay lấy mật

Tưởng đơn giản, nhưng việc quay mật ong cũng cần có kỹ thuật, để tránh vỡ cầu ong và mật có thể chiết suất tối đa

Sau đó, mật ong được lọc và đựng trong những can to

Món ăn khoái khẩu của người đi quay mật là được thưởng thức miếng sáp có những con ong non béo ngậy còn ở trong tổ ngay tại chỗ.

Vào vụ hoa, nếu thời tiết thuận lợi, cứ sau 7-10 ngày, chủ ong có thể quay mật 1 lần. Đầu vụ, mật ong thường có màu vàng tươi, nhưng cuối vụ sẽ chuyển màu sậm hơn. Mật ong đầu mùa ngon nên rất đắt khách, khai thác đến đâu hết đến đấy. Hết vụ hoa sưa, các chủ ong lại đưa ong đi lấy mật hoa rừng cho đến mùa mưa (tháng 7, 8) lại đưa ong về.

Trung bình, mỗi năm, chủ ong có thể khai thác mật từ 10-15 đợt. Trong đó, riêng mùa hoa vải, nhãn có thể quay từ 5-6 đợt; hoa sưa 2-3 đợt, còn lại là hoa rừng. Mỗi thùng ong có thể thu hoạch tối đa được 20 lít mật/năm với giá 200.000 đồng/lít nên chủ ong nào cũng nỗ lực duy trì từ vài chục đến hơn 100 đàn ong để khai thác mật.

Có lẽ do thường xuyên uống mật ong thiên nhiên nên những người đàn ông đi khai thác mật ai cũng rắn rỏi, nhanh nhẹn, khỏe mạnh dù người nào cũng xấp xỉ 60 tuổi, thậm chí ngót 80 tuổi. Chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Quẵng, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo - một chủ ong năm nay khoảng 50 tuổi nhưng da dẻ vẫn trắng hồng, trông trẻ hơn tuổi nhờ ngày nào cũng uống mật ong.

Cả năm nuôi ong, các chủ ong chỉ trông chờ vào những ngày quay mật. Được mùa hay thất thu đều phụ thuộc vào vụ hoa và thời tiết ủng hộ hay không. Làm nghề tuy vất vả, thường xuyên phải di chuyển khắp nơi trong và ngoài tỉnh, song với những người nuôi ong đó lại là niềm vui. Bởi, không chỉ được khai thác, sử dụng nguồn lợi từ thiên nhiên, nuôi ong còn giúp nhiều hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ nghề "tay trái".

Bài, ảnh: Hà Trần

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/76770/thang-ba-mua-con-ong-cho-mat.html