Chung tay bảo vệ hồ Sông Đầm

Hồ Sông Đầm là một hệ sinh thái ngập nước độc đáo với thảm thực vật, động vật đặc sắc nằm giữa lòng thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam). Những năm gần đây, khu vực được ví như 'lá phổi xanh' của địa phương đang được chính quyền và người dân bản địa chung tay phục hồi và bảo tồn sự đa dạng sinh học.

Với nguồn cá tôm dồi dào, hồ Sông Đầm đã nuôi sống bao thế hệ làm nghề chài lưới nơi đây. Tuy nhiên, những năm 2000, việc đánh bắt thủy sản mang tính tận diệt như xung điện, dùng hóa chất hay việc săn bắt chim, động vật hoang dã xảy ra rầm rộ. Cùng với đó, nhiều diện tích đất được người dân khai hoang để trồng trọt, khiến sự đa dạng sinh học nơi đây giảm đi đáng kể.

 Hệ sinh thái Sông Đầm nhìn từ trên cao

Hệ sinh thái Sông Đầm nhìn từ trên cao

Ông Châu Văn Cư, người dân thôn Vĩnh Bình (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ), bộc bạch: “Bản thân tôi hành nghề chài lưới ở hồ Sông Đầm hàng chục năm qua. Nguồn cá tôm ngày một ít đi do đánh bắt vô tội vạ. Nay được các cấp tuyên truyền, tôi đã chủ động tham gia ký cam kết không đánh bắt cá bằng lưới lồng, kiểu tận diệt. Đồng thời trồng hoa sen canh tác phục vụ du lịch và cũng là cách bảo vệ nguồn thủy sản nơi đây. Từ đó, tôi có thêm nguồn thu nhập từ việc chèo đò đưa khách đi tham quan, các loài cá tôm cũng dần nhiều trở lại”.

Xác định được tầm quan trọng của việc bảo tồn hệ sinh thái hồ Sông Đầm, TP Tam Kỳ cũng như tỉnh Quảng Nam đã đầu tư vào đây hơn 30 tỷ đồng. Địa phương đã vận động người dân trồng các loại cây bản địa như lộc vừng, tre đồng, sậy, dừa nước... cho đến thả hàng vạn con cá giống mỗi năm để góp phần tái tạo, làm đa dạng hơn hệ sinh thái hồ Sông Đầm.

TP Tam Kỳ cũng dành nhiều thời gian vận động nhân dân hiến đất, chung tay phục hồi hệ sinh thái hồ Sông Đầm. Tính đến nay, nhiều người dân đã hiến hơn 20ha đất canh tác khai hoang để trồng cây xanh bản địa. Nhờ vậy, không gian hồ Sông Đầm dần được trả lại hiện trạng nguyên thủy, cây xanh tăng lên, dòng nước trong lành hơn, chim chóc về trú ngụ ngày một nhiều, nguồn lợi thủy sản dần phục hồi.

Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam thông tin, thời gian tới, Tam Kỳ sẽ đầu tư phát triển nơi này thành khu bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước, hướng đến công viên thiên nhiên sinh thái gắn với hoạt động sinh thái trải nghiệm. Đồng thời, TP Tam Kỳ cũng hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ TN-MT công nhận khu vực đa dạng sinh học đất ngập nước để bảo tồn. Trên cơ sở đó, sẽ quy hoạch việc tạo sinh kế cho người dân thông qua hoạt động du lịch sinh thái, dịch vụ ven bờ, hướng đến khu vực du lịch đặc sắc và kể cả nghiên cứu khoa học.

Hồ Sông Đầm có diện tích khoảng 650ha, trong đó diện tích mặt nước chiếm khoảng 250ha. Qua khảo sát của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, hồ có 33 loài cá, 16 loài bò sát, 31 loài chim; đáng lưu ý có loài Cò Nhạn nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Đồng thời có 211 loài côn trùng, 170 loài thực vật bậc cao.

NGUYỄN CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chung-tay-bao-ve-ho-song-dam-post747465.html