Tháng ba nhớ mẹ gánh gồng

Tản văn của Lê Thành Văn

Ca dao có câu: "Thứ nhất là nắng tháng ba/Tháng tư có nắng nhưng mà nắng non". Mỗi lần đọc câu ca dao quen thuộc ấy, lòng tôi không sao quên được hình ảnh mẹ tôi – một người phụ nữ miền Trung gian nan, vất vả cả đời làm lụng nuôi con.

Tôi nhớ mẹ, vai gầy tóc rối, đôi mắt buồn buồn tần tảo cả một đời nuôi mấy anh em tôi trong cảnh cùng khó nhọc. Phải nói rằng, trong vạn nghề mua gánh bán bưng, mẹ tôi có lẽ chưa "tha" nghề gì. Cái gì cảm giác có đồng lời là mẹ lăn xả vào, bất chấp trời mưa hay nắng. Đời mẹ gắn liền với đòn gánh trên vai chợ gần, chợ xa tất bật. Thời đó, đường sá đâu phẳng lì tráng nhựa như bây giờ, cứ gồ ghề lởm chởm những đá là đá. Mẹ bươn chải suốt cả ngày, bàn chân chai sạn nhưng mẹ chưa một lần than vãn cùng chúng tôi. Đêm, thấy mẹ thắp ngọn đèn dầu, ngồi lấy dầu xoa xoa bóp bóp vào đầu gối, vào lòng bàn chân, lòng con trẻ thơ ngây chợt dâng một niềm chua xót. Cảm thấy thương mẹ là thế, nhưng tuổi chúng tôi còn quá nhỏ dại nào đã biết giúp được cho mẹ gì đâu. Anh lớn tôi chủ yếu nấu giúp nồi cơm, tôi thì giã chén nước mắm là cùng. Tháng năm lớn khôn dần, tôi mới từ từ vỡ ra điều ấy. Càng nghĩ, tôi càng thương cảm cho đời mẹ biết bao tủi buồn, cực khổ.

 Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Thương mẹ nhất là vào cử tháng ba nắng quay nắng quắt. Mỗi lần mẹ đi chợ về, hai má mẹ nóng đỏ lên, mồ hôi chảy xuống đầm đìa như tắm. Mẹ nói nóng dữ quá nhưng miệng lại cười rất tươi. Mùa tháng ba, ngồi ở trong nhà nhìn ra đã cảm giác lóa mắt. Nắng lao xao từng đốm sáng, như bắt nạt và dọa dẫm mọi người cứ thử bước ra mà xem, nó sẽ thiêu đốt ngay cho bây giờ. Những người say nắng, hầu như chỉ nấp trong nhà, không dám bước ra vì sợ té ngã. Nắng miền Trung loang loáng như đe dọa, cứ độ tám chín giờ sáng đã cảm giác chảy mồ hôi, lo đi tìm chỗ nào mát mà nấp. Vậy mà mẹ tôi, trong thời gian đó, ngày nào cũng như ngày nào phải thân cò lặn lội đường xa. Đội bao nhiêu cái nắng chang chang trên đầu, bao nhiêu giọt mồ hôi của mẹ đã rơi dọc trên đường làng, quốc lộ xe chạy bon bon mà mẹ phải gánh gồng bươn chải đi qua. Sau này, mẹ sắm được chiếc xe đạp, tự mình tập đi. Ban đầu mẹ nhát lắm vì sợ té, nhưng rồi cũng đành chịu té mấy lần để được đi xe đạp cho đỡ vất vả hơn. Đường xa gần ba mươi cây số, nếu gánh bộ, vừa đi vừa chạy lúp xúp cũng về nhà tối muộn, có chiếc xe đạp dù gì cũng đỡ hơn nhiều. Có xe đạp rồi, mẹ đi ngày hai bận. Chở cá, mắm từ vùng biển lên nguồn, sau đó chở các sản phẩm nông nghiệp từ nguồn quay về biển. Nếu thấy còn sớm thì mẹ lại tiếp tục làm bận thứ hai, về nhà vào lúc trời thường tối mịt. Mẹ tất bật như vậy đó, không có giờ nghỉ ngơi, thư giãn bao giờ.

Bây giờ chúng tôi lớn khôn, thương mẹ vô cùng thì mẹ đã không còn sức khỏe như ngày xưa nữa. Dường như những năm tháng tuổi trẻ mẹ đã quăng quật toàn bộ sức lực đời mình vào những ngày mưa nắng để làm ra hạt gạo nuôi nấng chúng tôi nên người. Thương mẹ bao nhiêu lại thấy trách mình chưa làm được gì cho mẹ, cứ trôi nổi xứ người. Miếng cơm bát nước đỡ đần cũng chưa được cận kề kính dâng lên mẹ. Mỗi mùa tháng ba lại về, cái nắng bắt đầu loang khắp núi cao, rừng thẳm, chợt bồi hồi nhớ mẹ ta xưa như câu ca dao se sắt lòng người đã ru con một thời tuổi dại: "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương".

2,107

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/thang-ba-nho-me-ganh-gong-91777.html