Tháng Ba trên đỉnh Chư Tan Kra

Vào một ngày tháng Ba của 55 năm sau, theo chân đoàn công tác Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), chúng tôi đến với Chư Tan Kra.

Kỷ vật tìm được trên chiến trường Chư Tan Kra (Sa Thầy - Kon Tum) được trưng bày tại khu di tích tưởng niệm. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Kỷ vật tìm được trên chiến trường Chư Tan Kra (Sa Thầy - Kon Tum) được trưng bày tại khu di tích tưởng niệm. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Chư Tan Kra - dãy núi xanh trùng điệp vùng đệm Vườn quốc gia Chư Mom Ray, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) từng là cao điểm chiến đấu của mặt trận Kon Tum trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi ghi dấu trận chiến khốc liệt của Trung đoàn 209 - Trung đoàn “lính mũ sắt” huyền thoại của Thủ đô tại chiến trường Tây Nguyên.

Trận chiến sáng ngày 26/3/1968 mãi mãi đi vào lịch sử khi hàng trăm người trai Hà Nội tuổi vừa mười tám, đôi mươi đã vĩnh viễn nằm lại trên đỉnh Chư Tan Kra hùng vĩ sau trận chiến đấu đầu đời.

Vào một ngày tháng Ba của 55 năm sau, theo chân đoàn công tác Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), chúng tôi đến với Chư Tan Kra. Tây Nguyên đang vào mùa rực rỡ nhất trong năm của cao nguyên đại ngàn.

Đứng trên đỉnh Chư Tan Kra ngàn ngạt nắng gió, dẫu không khó để hình dung ra sự khốc liệt của chiến tranh trên những dấu tích vùng chiến địa xưa, nhưng màu xanh no ấm, trù phú của vùng đất này đang ngày càng trải rộng trên khắp các buôn làng, trong đó có phần đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn của Agribank…

Màu xanh trên vùng chiến địa

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, Chư Tan Kra, Sa Thầy hay Ngọc Hồi, vùng ngã ba biên giới Đông Dương nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung đang đổi thay từng ngày. Vườn sầu riêng của ông Bùi Văn Quyển ở làng Tum, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy đang vào mùa đơm hoa.

Bà Từ Thị Kim Thanh, thành viên Hội đồng thành viên Agribank (thứ năm từ trái sang), bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank (thứ tư từ trái sang) và các cán bộ Agribank Kon Tum thăm trang trại của ông Bùi Văn Quyển (thứ ba từ phải sang). Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Bà Từ Thị Kim Thanh, thành viên Hội đồng thành viên Agribank (thứ năm từ trái sang), bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank (thứ tư từ trái sang) và các cán bộ Agribank Kon Tum thăm trang trại của ông Bùi Văn Quyển (thứ ba từ phải sang). Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Hơn 3.000 cây sầu riêng được trồng thẳng tắp trên mảnh đất trước đây từng bom cày đạn xới, sau đó được khai hoang phục hóa để trồng cao su. Sa Thầy vốn là thủ phủ của cây cao su trên đất Kon Tum.

“Vườn cao su của tôi đã từng được coi là vườn cao su đẹp nhất huyện Sa Thầy. Nhưng thời điểm bắt đầu nhận thấy sự thoái trào của cây cao su, tôi quyết định chặt bỏ vườn để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái”, ông Quyển cho biết.

“Mỗi héc ta cao su chăm sóc tốt nhất mỗi năm cũng chỉ cho thu đến 120 triệu đồng, trong khi các nhà vườn ở Bến Tre, Tiền Giang chỉ vài nghìn mét vuông trồng sầu riêng, măng cụt cũng thu hàng tỷ đồng. Người ta làm được thì tại sao mình lại không làm được?”, người cựu quân nhân gốc Hà Nội quả quyết.

Quyết định của ông Quyển khiến vợ ông khóc lên khóc xuống, vợ chồng lục đục mấy tháng trời. Nhưng đề án chuyển đổi cây trồng của ông lại được cán bộ tín dụng Agribank huyện Sa Thầy ủng hộ.

Niềm tin của Agribank với nguồn tín dụng lên tới trên 10 đến 12 tỷ đồng trong nhiều năm qua đã giúp gia đình ông Quyển chuyển đổi để có được vườn cây ăn trái lên đến hơn 20 ha được trồng bài bản, quy mô và khoa học, với đủ loại gồm cam, quýt, ổi, bơ, xoài, mãng cầu, nhưng nhiều nhất và chủ lực vẫn là sầu riêng và mít Thái.

Ông Quyển cho biết, trang trại của ông lựa chọn sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng hóa chất và ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt hiện đại của Israel. Phân bón cho vườn cây ăn quả được gia đình dùng phân chuồng trộn với vỏ cà phê và chế phẩm sinh học...

“Với hướng đi này, chi phí đầu tư sẽ rất tốn kém, nhưng lợi thế về nguồn tín dụng xanh với những ưu đãi của Agribank đã hỗ trợ tôi giải quyết khó khăn này. Bù lại, sản phẩm của trang trại đều hướng tới mục đích xuất khẩu ra nước ngoài. Vườn sầu riêng của tôi cũng vừa được đối tác cấp mã vùng trồng xuất khẩu bằng đường chính ngạch sang Trung Quốc. Vợ chồng tôi đang đầy hy vọng vào mùa sầu riêng năm nay…”, ông Quyển phấn khởi cho biết.

Cũng giống như gia đình ông Bùi Văn Quyển, ông Nguyễn Văn Thành ở thôn Ngọc Thư, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi không giấu được xúc động khi nói về sự gắn bó và đồng hành của Agribank với những thời điểm khó khăn, sóng gió của gia đình ông.

Các mô hình phát triển kinh tế giúp đồng bào xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, ổn định cuộc sống nơi biên cương. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Các mô hình phát triển kinh tế giúp đồng bào xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, ổn định cuộc sống nơi biên cương. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Trong ngôi nhà khang trang mới xây trị giá trên 3 tỷ đồng, lần lượt chỉ từng tấm bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương ghi nhận thành tích và đóng góp của ông Thành đối với phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh trật tự địa phương vùng biên giới, ông Thành bồi hồi nhớ lại.

Rời quê hương Cẩm Thủy (Thanh Hóa) vào lập nghiệp ở huyện Ngọc Hồi từ những năm 90, ông Thành từng thử sức với nhiều nghề kinh doanh nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả. Năm 1996, ông quyết định tìm đến thôn Ngọc Thư, xã Đăk Xú để khai hoang vùng đất còn đầy bom mìn và cỏ dại.

Khoản vay 20 triệu đồng đầu tiên vào năm 1998 từ Agribank Ngọc Hồi đã giúp ông cắm được những cây cà phê đầu tiên xuống vùng đất hoang sơ ấy. Có được nguồn thu nhập từ cà phê, ông từng bước mở rộng vườn cây, đào ao nuôi cá, nuôi ba ba…

Với tư duy nhanh nhẹn, thấy được nhu cầu về heo giống trên địa bàn rất lớn, năm 2016, ông Thành đã đi tìm hiểu ở nhiều địa phương trong cả nước và đầu tư hơn 3 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Agribank xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín nuôi heo nái sinh sản với quy mô lên tới hàng trăm con nái.

“Mỗi thời điểm tôi đều có được sự hỗ trợ về nguồn vốn kịp thời của Agribank. Nhưng đáng nhớ nhất vẫn là thời điểm dịch bệnh và giá heo xuống thấp năm 2018 - 2019 khiến tôi cầm chắc phá sản. Chính thời điểm đó, cán bộ Agribank xuống tận trang trại kiểm tra, động viên, hỗ trợ gia đình tôi chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho khoản nợ trên 7 tỷ đồng, lại còn cho vay thêm giúp chúng tôi tập trung đầu tư phát triển các cây con khác để có khoản thu bù lại thua lỗ do dịch bệnh trên đàn heo. Làm nông nghiệp vô cùng rủi ro. Lúc thuận thì đồng hành, khi khó khăn ngân hàng vẫn gắn bó, chia sẻ. Đó mới chính là những ân tình khiến hàng chục năm qua, không chỉ tôi mà bà con trong xã, trong huyện đều gắn bó và thủy chung với Agribank”, ông Thành tâm sự.

Đáp ứng vốn cho địa bàn phên dậu

Không khó để tìm những mô hình trang trại với quy mô hàng chục héc ta, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng trên mảnh đất Tây Nguyên hôm nay.

Mạng lưới tín dụng hoạt động sâu rộng của Agribank tạo điều kiện cho người dân Tây Nguyên tiếp cận vốn. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Mạng lưới tín dụng hoạt động sâu rộng của Agribank tạo điều kiện cho người dân Tây Nguyên tiếp cận vốn. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Với chiều dài đường biên giới lớn nhất trong các tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum là địa bàn phên dậu chiến lược của Tây Nguyên. Vùng đất biên cương phía Tây Tổ quốc hồi sinh và đang từng ngày phát triển nhờ bàn tay cần cù, tư duy nhanh nhạy, dám nghĩ dám làm của người dân và sự đồng hành của nguồn vốn ngân hàng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Ly, huyện Sa Thầy cho biết: “Đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả thì hộ nào cũng phải vay vốn chứ nguồn vốn nội lực của gia đình khó có khả năng đáp ứng, vì so với trồng cây công nghiệp, suất đầu tư trồng cây ăn quả cao gấp nhiều lần, từ chi phí công lao động đến đầu tư hệ thống tưới, cây giống, phân bón, kỹ thuật, công nghệ… Nếu không có sự đồng hành của ngân hàng, địa phương không thể thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập để từ đó hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.”

Bà Hà Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Agribank Kon Tum cho biết, Agribank Kon Tum luôn quan tâm đến việc phát triển đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Thấu hiểu tâm lý e ngại khi làm dự án, hồ sơ, thủ tục vay vốn của bà con, đội ngũ cán bộ tín dụng của Agribank Kon Tum thường xuyên bám cơ sở, tận tình giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp bà con tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế.

Có những xã cách trung tâm huyện tới 50-60 cây số, đi lại vất vả, cán bộ tín dụng vẫn không quản ngại khó khăn đến gặp gỡ và tư vấn cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng người đồng bào dân tộc cách sử dụng vốn vay, đổi mới cách làm ăn để sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Bền bỉ với mục tiêu thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, đến nay Agribank Chi nhánh tỉnh Kon Tum đã khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn với thị phần cho vay trên 40% trong hệ thống ngân hàng của tỉnh, trong đó có trên 70% cho vay thuộc đối tượng nông nghiệp, nông thôn.

Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank Việt Nam, những mô hình phát triển sản xuất trên địa bàn biên cương không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, mà quan trọng hơn đó là ý nghĩa về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi vùng phên dậu của Tổ quốc. Từ hàng chục năm nay, Tây Nguyên luôn là địa bàn thiếu vốn sản xuất. Điều đó cho thấy tiềm năng và sức sản xuất hàng hóa của Tây Nguyên còn rất dồi dào.

Không chỉ luôn kịp thời điều chuyển nguồn vốn cho địa bàn, Agribank còn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi phù hợp để hỗ trợ những rủi ro cho bà con trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời phát triển những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với điều kiện sản xuất của Tây Nguyên.

Tây Nguyên xanh bền vững

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ xác định định hướng Tây Nguyên "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững" với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến.

Cán bộ Agribank huyện Chư Prông (Gia Lai) thăm mô hình trồng sầu riêng. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Cán bộ Agribank huyện Chư Prông (Gia Lai) thăm mô hình trồng sầu riêng. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Tìm hiểu thực tế các mô hình sản xuất nông nghiệp cho thấy, nhiều nhà vườn trên đất Tây Nguyên hôm nay đã lựa chọn trồng xen cây công nghiệp và cây ăn trái lâu năm như là một cách để chống lại các rủi ro về giá khi thị trường một mặt hàng nông sản biến động bất lợi.

Diện tích chuyên canh cà phê, cao su trên cao nguyên bazan đang được chuyển đổi trồng xen cây ăn trái. Các loại cây ăn trái trên đất đại ngàn này cũng rất đa dạng, từ sầu riêng, mít, xoài, bơ đến chanh leo, cam, chuối, thanh long…

Chưa kể đến nhiều mô hình trồng dược liệu quý hiếm như sâm Ngọc Linh, hà thủ ô đỏ, thổ phục linh, bạch cập, sâm cau, đan sâm, đẳng sâm… cũng đang được nhân rộng để phục vụ các nhà máy chế biến. Đây cũng là biện pháp đa dạng hóa sản phẩm, đưa diện tích canh tác của Tây Nguyên vào thế ổn định và bền vững.

Riêng về tiềm năng phát triển cây ăn trái, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực Tây Nguyên với 5 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 2,4 triệu ha, gần tương đương với diện tích đất nông nghiệp của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đất bazan màu mỡ, cộng với khí hậu ở độ cao từ 600 - 1.500m so với mực nước biển với biên độ nhiệt lớn giữa ngày và đêm được xem là lý tưởng để phát triển cây ăn trái.

Các sản phẩm trái cây trồng trên vùng đất Tây Nguyên có năng suất và chất lượng cao, không thua kém các vùng trồng cây ăn quả truyền thống ở vùng miền Tây và Đông Nam bộ. Lợi thế tự nhiên còn cho phép nông dân Tây Nguyên sản xuất trái cây với chi phí thấp hơn so với các vùng khác.

Ngoài ra, những loại trái cây như sầu riêng trồng tại Tây Nguyên do đặc điểm khí hậu, thời tiết nên có thời vụ thu hoạch “lệch pha” so với vùng miền Tây và Đông Nam bộ, đây cũng là lợi thế về giá và thị trường.

Thực tế đã chứng minh nhiều mô hình trồng cây ăn trái trên đất Tây Nguyên đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, như bơ có thể thu được 1 tỷ đồng/ha/năm, sầu riêng từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Đó là một trong những lý do khiến những năm gần đây, nhiều địa phương ở Tây Nguyên đang phát triển mạnh cây ăn quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có những chương trình hỗ trợ phát triển cây ăn quả ở Tây Nguyên thông qua việc đầu tư nghiên cứu tuyển chọn giống, hoàn thiện các quy trình thâm canh cây ăn quả chủ lực ở Tây Nguyên và các chương trình khuyến nông thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Đề án phát triển cây ăn quả cho vùng Tây Nguyên được xây dựng với trọng tâm là phát triển giống, quy trình canh tác chuẩn quốc tế và kêu gọi doanh nghiệp chế biến làm đầu tàu dẫn dắt, trong đó kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản được xem là vấn đề cốt lõi.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã và đang đặt nền tảng chế biến, chế biến sâu tạo nên sự bền vững cho nông nghiệp Tây Nguyên. Những mô hình liên kết trồng - chế biến cây ăn trái của doanh nghiệp và nhà nông Tây Nguyên đang được nhân rộng ngày càng nhiều. Trong mối liên kết đó, nguồn tín dụng đóng vai trò quan trọng với cả nông dân và doanh nghiệp, làm nền tảng để phát triển mô hình đúng hướng.

Hiện trên địa bàn Tây Nguyên, Agribank là một trong những tổ chức tín dụng hoạt động sâu rộng nhất. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank Việt Nam cho biết, hiện tổng dư nợ của Agribank trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên lên tới gần 120.000 tỷ đồng. Hệ thống 142 chi nhánh và phòng giao dịch của Agribank khu vực Tây Nguyên đã giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngày càng thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, các chi nhánh Agribank đồng thời triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa như ở Kbang, Sa Thầy (Kon Tum), Đắc Glong (Đăk Nông), Krong Pa (Gia Lai), Lắk, Ea Hleo, Ea Súp (Đăk Lăk), Đơn Dương, Di Linh (Lâm Đồng)… Sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, trong đó có ngân hàng đang hướng tới mục tiêu phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững, “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Trở lại chiến địa Chư Tan Kra, Sa Thầy, Ngọc Hồi hôm nay, niềm xúc động dâng trào trong mỗi chúng tôi khi đứng trước dấu tích chiến tranh khốc liệt còn lưu lại trong những di tích lịch sử hay rưng rưng nén nhang bên hàng nghìn ngôi mộ ngay hàng, mà phần nhiều là những ngôi mộ chưa có tên.

Trải qua bao biến động, Chư Tan Kra hôm nay hiền hòa mây trắng bay trên những vườn cà phê, cao su và cây ăn trái trù phú. Tây Nguyên bát ngát một màu xanh, tràn đầy sức sống vươn lên của mảnh đất lịch sử oai hùng./.

Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thang-ba-tren-dinh-chu-tan-kra/284204.html