Tháng Ba trở lại

1. Hơn một ký ức lãng đãng mà nồng nàn bởi mùa xuân đã chớm chín với khoảng trời thoang thoảng tím hương xoan quê nhà và cây gạo nhóm lửa giữa đồng sau đêm đom đóm thắp đèn tra hạt ca dao lấm tấm. Tôi nhớ, lại nhớ một sợi thơ vương vào tuổi học trò khi không còn ngây thơ lắm nữa. 'Đom đóm bay ra hoa gạo đỏ/ Mẹ ở nhà đã cất áo bông...'. Thi sĩ Hữu Thỉnh bắc nhịp cầu thương mẹ từ vết xích xe tăng vào chiến dịch như thế. Đàn đom đóm. Nhấp nháy. Hoa gạo. Thấp thỏm. Mẹ. Chiếc áo bông chần cũ kỹ mẹ mang suốt mùa đông giá lạnh nay mới được cởi ra phơi nắng để cất vào rương.

Hoa Xoan (Nguồn internet)

Hoa Xoan (Nguồn internet)

Có lẽ, có không ít người lính thế hệ tôi đã nhớ mẹ như thế. Con đường ra trận dằng dặc những cam go và không nhiều lắm những khoảng lặng dành cho mẹ. Nên khi nhớ mẹ là cứ níu vào những hình ảnh khó quên nhất. Mẹ của tháng Ba trong năm tháng xanh xao đói nghèo, đất nước chưa bình yên, lo âu giăng ra nhiều phía ngày giáp hạt.

Trời ấm lên cho mẹ bớt lạnh, nhưng thật khó làm yên lòng người khi còn có những đứa con đang ở miền trận mạc. Biết mẹ mong, mong ngày mong đêm con được trở về. Ngày nào cũng được, mùa nào cũng được, tháng nào cũng được, những đứa con của mẹ được trở về nơi đã ra đi. Để mẹ nấu cho con bát cơm sực dậy mùi củi lửa dù cho đó là bát cơm gạo cũ cuối cùng còn sót lại trong đáy thạp om om. Mẹ mong...

Biết là vậy mà không phải đứa con nào cũng trở về với mẹ. Chiến tranh, như một nhà văn từng viết, không phải trò đùa. Nó nghiệt ngã, tàn khốc hơn mọi nghiệt ngã, tàn khốc. Mùa xuân mang trong nó những chiến dịch dữ dội, không kể xiết sự hy sinh; rất nhiều, rất nhiều người lính mang theo bóng hình mẹ về thế giới khác. Nước mắt tôi từng rơi xuống bầy đom đóm, hoa gạo, bến sông và chiếc áo bông chần của mẹ. Tháng ba ơi!

2. Tháng Ba. Nắng không còn nhu nhú nữa. Vồng ngực tháng Ba dậy thì thiếu nữ sẽ sàng bước vào giấc mơ mới lớn của tôi. Tỉnh giấc, tiếc một trống trơn đê mê mới lạ. Đến lớp, ơ kìa, làn áo tháng Ba đã dựng tháp thanh xuân thẽ thọt khiến tôi lâng lâng như đang đứng trước lâu đài cổ tích. Tôi thấy yêu tiết học văn hơn tiết toán. Ngó qua tháng ba bàn bên cạnh. Hình như má hồng hơn.

Tóc nhánh hơn. Cái gì hơn nữa nhỉ, tháng Ba ơi!

Hoa Gạo - Ảnh: Báo Tuyên Quang

Hoa Gạo - Ảnh: Báo Tuyên Quang

Có một ngày tháng Ba hay gợi nhắc về hồi niệm. Tôi vào lính khi chưa kịp tặng hoa tháng Ba của mình. Biền biệt mấy chục năm trở lại, tháng Ba như vẫn chờ tôi bằng hoa gạo, hoa xoan. Tím và đỏ. Màu nào mới thực của tháng ba. Sao tôi muốn ôm vào lòng cả hai. Cả hai sắc hoa cho một tháng ba miên man thương nhớ.

Tôi đã mang ra trận hai sắc hoa tháng ba ấy. Như một dặn dò linh thiêng và cũng để khắc vào mình một khát vọng hòa bình bền bỉ nhất. Một niềm tin về yêu dấu tốt lành để chống lại sự thoái lui, gục ngã. Người ta rất dễ bị đốn ngã khi không còn hy vọng. Vâng, tôi đã hy vọng hoa xoan, hoa gạo sẽ nở bình yên trên đất nước, quê hương tôi vào một ngày nào đó. May mắn thay, điều đó đã thành hiện thực dẫu nó đã phải trả giá rất đắt.

3. Mẹ và em. Thương đến bao nhiêu vẫn thấy không đủ... Tháng Ba ơi!

Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/thang-ba-tro-lai/184445.htm