Tháng ba về, nhớ mẹ khôn nguôi

Tháng ba về, năm nào cũng vậy, quê tôi, hoa gạo đỏ ối dọc tuyến đường đê về thôn và gò đất nổi. Chút nắng vàng buông đầu mùa xen gió lạnh se se. Những chú chào mào thi nhau nhảy nhót, hót líu lô, ngó nghiêng tìm bông hoa đỏ nhất cho riêng mình.

Ngày ấy, quê tôi - vùng đất chiêm trũng nghèo lắm. Bao đời, ông truyền cha nối, chăm chỉ, lam lũ là vậy, đất ruộng không đẻ ra, cách làm vẫn cũ nên cái nghèo cứ đeo đẳng, không buông. Người ta làm đủ nghề, nào làm ruộng, cấy lúa, trồng khoai, rồi làm thêm bánh đúc, tráng bánh đa nhưng cũng chỉ đủ nuôi miệng.

Nhà tôi cũng nằm trong tình cảnh ấy. Mẹ tôi, sáng nào cũng vậy, cắt cử xong công việc cho mọi người trong gia đình, là tất tưởi quang gánh đến từng thôn, làng, len sâu trong xóm nhỏ mua từng buồng chuối xanh về dấm chín để bán ở chợ phiên, kiếm chút đỉnh. Ngày ấy chưa có điện thoại, mấy bà chỉ truyền nhau lúc họp chợ. Ấy thế mà mẹ tôi thính lắm, nhà ai trong vùng có chuối là mẹ tôi đều biết và tìm đến bằng được. Nhà tôi đông anh em, bố mất sớm do bị lao lực. Mẹ tần tảo làm ruộng, chạy chợ, nuôi 4 anh em tôi ăn học.

Chợ phiên quê tôi, chỉ được tổ chức vào ngày mồng 1 và hôm rằm. Còn muốn đi chợ ngày, phải cách nhà 10 cây số. Nếu đi chợ gần nhà, mẹ tôi thường 5 giờ mới dậy, còn đi chợ xa phải thức từ 3 rưỡi sáng. Mẹ tôi gầy nhưng khỏe, một gánh của bà nặng chừng 50-60 kg, còn chị cả chỉ gánh được hai thúng chuối lọt thỏm.

Nắng cũng như mưa, việc gom hàng và đi chợ của mẹ ngấm vào máu. Bà bảo nhà có 3 sào lúa, 5 miệng ăn, không đủ thóc nên các con yêu thương nhau, cố gắng đỡ mẹ trong công việc. Từ ngày bố tôi mất, mẹ tôi ít nói hơn. Hôm nào đài báo mưa, mẹ tôi ngồi bậu cửa thất thần nhìn vô định theo những hạt nước rơi không nơi bấu víu như cuộc đời mẹ vậy. Thương mẹ, tôi đến sát gần, mẹ ôm tôi vào lòng xoa đầu con trai út. Mẹ nựng tôi, mai này học hành chăm chỉ, kiếm việc làm, đỡ đần mẹ. Tôi chỉ biết dạ vâng.

Nhớ mỗi lần đi học về, tôi và anh trai lại chờ mẹ ở đầu ngõ. Hôm nào bán được nhiều hàng, mẹ tôi mừng ra mặt. Y như rằng hôm ấy, mấy anh chị em tôi lại được mẹ phát cho chiếc bánh đa nướng vàng cong, ròn tan.

Hôm nay, trời mưa dầm, rồi nặng hạt hơn, xám xịt. Anh em tôi ngồi bậu cửa chờ mẹ. Chị cả đi học về cùng chị hai lúi húi nấu cơm. Khói bếp thoát ra gặp trời mưa không thể tan trong không khí, hòa vào mưa thật ảm đạm. Mọi hôm, tầm 11 giờ là mẹ đã về. Chúng tôi đói, nhìn nhau, chỉ mong mẹ sớm về.

Chị cả nóng ruột. Cái hai xuống trông nồi khoai, chị đi đón mẹ. Chị tôi quàng chiếc áo mưa cộc cỡn, trắng đục, hút vào trong gió mưa. Một tiếng sau, mẹ và chị mới về. Nhìn gánh chuối nặng oằn trên vai gầy của mẹ, lúc sáng gánh đi, trưa về vẫn vậy, tôi thương mẹ lắm. Tuy có áo mưa nhưng mẹ cùng chị và hàng ướt đẫm. Mẹ tôi đặt gánh hàng, rồi buông tiếng thở dài với chị cả: “Đúng là tháng ba, ngày tám”. Chị tôi cúi đầu chỉ đáp: Vâng.

Tôi còn nhỏ nên không hiểu nghĩa tháng ba, ngày tám thế nào. Có điều, tối hôm trước chỉ nghe lõm bõm chị cả nói với mẹ: Nhà chỉ còn mấy bơ gạo thôi bu (mẹ) ạ. Tiếng mẹ tôi như chìm xuống: Để bu (mẹ) tính. Rồi mẹ ho rũ rượi như muốn bật cả lồng ngực.

Bữa cơm trưa cũng diễn ra chóng vánh. Hôm nay, khác mọi hôm, nhìn nồi cơm lọt thỏm, bốc khói nghi ngút. Chỉ có nồi khoai lang hôm trước mẹ và chị tôi dỡ ngoài ruộng để kịp cấy lúa xuân là đầy. Lúc mẹ tôi còn đang lúi húi xếp chuối ra sàn, chị cả nói nhỏ: Hôm nay, chị em mình ăn tăng khoai, ăn ít cơm, còn phần mẹ. Chị em tôi gật gật: dạ vâng.

Mẹ tôi nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, nhắc các con ăn nhanh, để chiều mẹ và chị cả còn đi cuốc ruộng. Mẹ tôi nhìn lướt, chỉ còn phần cơm của mẹ với mấy củ lạc rang mặn chát, cháy khét. Mẹ tôi thẫn người, như bà đã đoán được sự tình. Chị cả nhắc khéo, bu ăn cơm cho nóng, chiều còn làm. Mẹ bưng bát cơm trắng san cho chị em tôi, chỉ để lại cho mình một chút...

Ngày nối ngày công việc nhà nông vẫn vậy. Chị em tôi lớn dần. Chỉ cả học xong cấp ba, không thi chuyên nghiệp ở nhà làm ruộng cùng mẹ. Chị hai thi trung cấp nông nghiệp, rồi làm ở Trung tâm giống của huyện. Anh ba học xong, tình nguyện lên đường đi bộ đội. Còn tôi bước vào cấp ba. Ngoài giờ học, tôi cùng chị giúp mẹ chăm lo việc đồng áng. Rồi theo bạn bè đi kéo tép, có hôm ra con sông Châu Giang ngụp lặn bắt con trai... Và tôi cũng dần hiểu câu chuyện tháng ba, ngày tám luôn thiếu đói, đeo đuổi trong ký ức của mẹ, của chị và tôi.

Năm cuối cấp, có lẽ cũng là định mệnh với tôi. Vừa đi học về, tôi thấy quang gánh nằm chổng trơ ngoài sân. Tôi chạy sang bác hàng xóm, tìm mọi người. Bác hớt hải kể mẹ cháu bị kiệt sức, chưa biết bệnh gì, cái hai đưa đi viện cấp cứu rồi. Tôi đạp xe hộc tốc vào bệnh viện huyện. Tôi dõi nhìn mẹ qua cửa kính phòng cấp cứu, chỉ khẽ gọi mẹ ơi...

Mẹ tôi nằm bẹp trên chiếc giường sắt, đắp chiếc mền chăn mỏng dính, thoi thóp thở với sự trợ giúp của bình oxy. Chị hai mắt quầng thâm sau những đêm mất ngủ trông mẹ. Chị kể bác sĩ nói rằng mẹ bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Bản năng người đàn ông trong tôi như thức dậy. Và linh tính được điều chẳng lành sẽ xảy ra...

Hai tuần sau, mẹ tôi lặng lẽ ra đi không bao giờ trở lại. Chị em tôi bàng hoàng chưa biết lo việc hiếu ra sao. Ngày đưa mẹ tôi ra đồng nằm bên mộ bố, trời mưa giăng xám xịt đến não lòng. Mộ đào sâu đúng mạch, nước cứ phun lên, mọi người vừa múc nước vừa dậm chân vào chiếc quan tài để không chệch hướng. Các chị tôi gào thét xót thương.

Tôi học xong cấp ba, ở nhà với chị một tháng rồi đi xin việc. Tôi lên Tây Bắc với người chú họ. Vừa học, vừa làm và may mắn xin được vào cơ quan của tỉnh. Rồi tôi lập gia đình riêng. Thời gian trôi thật nhanh, đã 15 năm nay, tôi không còn có mẹ. Chỉ thương chị cả cũng qua một lần đò không đặng. Chị về căn nhà cũ, ngày ngày theo nghiệp mẹ.

Năm nay, tôi đưa cả gia đình nhỏ về quê. Đường làng mùa này trải đầy hoa gạo, hoa xoan. Con tôi nó bảo: Về quê xướng bố nhỉ. Tôi cười, rồi kể lại chuyện những tháng ngày thơ ấu. Quê tôi giờ đã đổi thay nhiều lắm; đường về thôn được bê tông hóa, nhiều nhà cao tầng mọc lên; đa phần, nhà nào cũng có bát ăn, bát để.

Nghĩ miên man về ký ức tuổi thơ, bất chợt tôi nhìn người gánh hàng xa xa, hao hao giống dáng mẹ. Giảo bước tới gần, hóa ra chị hai. Chị em tôi ôm lấy nhau, mừng rỡ. Chị mắng tôi không báo trước để bảo người đi đón. Mắt chị dưng dưng lệ, dáng người vẫn gầy đổ bóng dưới lớp hoa gạo đỏ rơi...

Ngày giỗ mẹ, mâm lễ dâng lên có thịt, có xôi, cơm trắng, canh ngọt và không thiếu đĩa khoai lang mẹ tôi vẫn ăn trong tháng ba, ngày tám ấy. Hết tuần nhang, cỗ được bày ra, các thành viên gia đình nội, ngoại quây quần bên nhau, đầm ấm.

Hết tuần cỗ, mọi người ra về, tôi đứng lặng trước di ảnh của cha mẹ, chỉ khóc thầm con nhớ lắm mẹ ơi. Chị cả vỗ nhẹ trên vai tôi, thôi mà út, thầy (bố), bu (mẹ) vẫn dõi theo, phù hộ mà. Chị em mình bảo nhau mà sống xứng đáng với tâm nguyện trước lúc mẹ ra đi. Tôi ôm chị nước mắt dưng dưng.

Minh Khánh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thang-ba-ve-nho-me-khon-nguoi-38215