Tháng chạp làm bánh phồng
Má luôn là người chủ trương quết bánh phồng nếp, năm nào má không làm coi như xóm ăn tết không có bánh phồng. Đâu có được. Tết mà không có bánh sao ra tết?
Gà mới giật mình ò ó o lần một đâu nghe tiếng phịch… phịch, phịch… phịch. Rồi đâu có tụi con nít, mắt nhắm mắt mở réo nhau ơi ới, rồi sáng mùng một lấy gì cúng ông bà, lấy gì mà kẹp với bánh tét nhưn đậu mỡ, cắn miếng nào ngập răng miếng đó…
Rồi còn biếu xén nữa chớ. Mỗi khách phải một chục có đầu coi mới đặng. Coi bộ không ổn, vừa thấy bóng thằng rể Sáu, thím Chín ong óng: “Phát ơi, tiếp coi bây!” Tội nghiệp thằng cháu bác sĩ mới ăn cái tết đầu tiên ở quê vợ, mắt nhắm mắt mở vừa bước tới lu nước để ở chái nhà, chắc tính rửa mặt. – “Dạ, má với thím để con”. Rồi ba chân bốn cẳng thằng nhỏ xăn tay áo lao tới, miệng tía lia: “Con xin lỗi! Mơi mốt cái gì nặng má kêu con”. “Xí! Nhà quê nhà mùa mà mở miệng ra là “xin lỗi”, “cám ơn”. Lịch sự như người thành phố! “Ừ! bác sĩ mờ! mà nhờ vậy, ngoài cái “có thầy dở cũng đỡ xóm làng” cái miệng này của nó đố ai hông ưa”.
Nghe như ai cầm dao tre xoáy vô tim chị Hai. Từ trước tết năm ngoái anh Hai đi Campuchia hông dìa, chỉ kịp lưu đứa con gái nhỏ hai ký bảy đỏ hỏn cho chị, rồi thôi. Thằng chồng con Sáu này, ai xui mày giống anh Hai, mày làm chị cứ kéo hoài chéo khăn trên đầu xuống mắt mày ơi. Lần đó, mùa này, cả nhà cứ ba cái đầu là chụm vô một cái đèn, giương hết nhỡn giới chăm chăm đẩy từng hột gạo ra khỏi mớ nếp trên bàn, ban đầu còn ngó ra hột nào trong là gạo hột nào đục là nếp, lát sau thế nào cũng có đứa trong đục tả pí lù. Hơn 11 giờ khuya, chị Hai miệng rầy con mực vì tiếng nó sủa… tay kéo chốt cửa thì thấy anh Hai sừng sững trước mặt chị sau cả năm dài chị mòn mỏi… và đêm đó cả nhà lựa nếp tới sáng bách.
Hình ảnh quết bánh phồng đang được phục dựng lại tại các sự kiện du lịch: Ảnh: Lý Hồng Vân.
Trời hỡi, không biết ai mê vui, mà khi lấy gạo nấu cơm sáng má la um: “Quỷ thần ơi, đứa nào lựa ác nhơn. Có môn nấu xôi ăn chớ nấu cơm gì! Nếp không hà”. Cả sáu đứa lén lén dòm anh Hai, rồi túa ra sân cười. Chị Hai cằn nhằn: “Ăn chi thứ mắc nghẹn này trời! Đêm nào cũng lựa nếp gạo để riêng, còn cái đứa ôn dịch nào làm lộn lung tung! Ác hơn mẹ con Cám”. Bánh mà lộn gạo, mặt bánh sần sùi như mặt đường rải đá. Ăn chỗ cứng chỗ mềm, dở ẹc. Bị chê liền: đàn bà làm biếng “ống chề” chắc luôn. Lần đó thôi, chớ từ ngày anh đi rồi, anh đâu nữa để có người mê nói, làm mấy đứa nhỏ bị rầy oan…
Ngộ ghê, trong xóm ai cũng kêu má bằng bà Bảy. Thím Chín là chị em bạn dâu. Chị em bạn dâu thói thường nấu đầu trâu lủng trã, mấy bà thím này thân quá, quên tôn ti trừ khi có mặt ông nội. Má hì hục lăn cái cối từ bên hông lẫm lúa ra. “Xời ơi, sao hông kêu ai phụ, hông biết mình già ha? “Cụp” một cái xóm nghỉ ăn bánh phồng luôn”. Tiếng nói còn đọng trên miệng, đã thấy hai bà ì ạch lăn cối.
“Phân công chưa bà Bảy?” – “Rồi!”- “Tối 17, tui một ổ, thím hai ổ là vừa, tối 18 thím Út, chị Năm, tối 19 Út Vọng, Bảy Lâm hai ổ. Ừ! Còn giùm cô Năm Chẩm hai ổ, tội nghiệp từ ngày dượng chết tới giờ, ba thằng con trai còn nhỏ quá. Kệ! Xóm mình ráng một chút… rồi chị Năm Ích, chị Tư Đèo… Quên, chị Chín Sở nữa chớ. Năm nay ảnh già quá, chắc quết mướn hết nổi! Chị dễ chịu nhứt xóm hén mà sao nghèo hoài. Thôi tui với bà làm thêm một ổ ngày cuối cho mấy đứa nhỏ” – “Ừ. Một ổ chừng 200 bánh, hiếm hiệm. Ai giàu ba họ ai khó ba đời” – “Canh ngày 23 đưa ông Táo dìa trời là nghỉ hén” – “Ừ. Phải nghỉ chớ, ngày đó ổng bả đi, nắng đâu mà nắng, nằm chiếu chết luôn”.
Kẻ thù số một của bánh phồng nếp là không có nắng, không nắng bánh không khô, xế trưa lấy gì gỡ bánh rồi bước vô công đoạn quyết định “vô nước đường” để chiều 30 tết nướng bánh rước ông bà. Mấy bà tranh bánh ai chuồi (nở lớn) ai phồng, ai ngọt hơn ai. Thường bánh nhà má là dở nhứt hạng, bởi ba với đám con học trường tỉnh của má có đứa nào chịu ăn bánh chuồi bánh nở đâu. Nghe má kể hồi bà ngoại Tám còn mạnh giỏi, bà làm bánh khi nướng nó chuồi lớn y như trái bưởi nặng cả ký rưỡi, khi ăn lấy dao xắn từ trên xuống nghe cái “xèo”? Tham ăn, cắn một miếng bự, “bụp” bột bánh đầy mặt. Ngu, uống nước liền, trợn trắng con mắt, rồi bốn năm đứa vuốt lia vuốt lịa cần cổ, nước mắt nước mũi tè le như thằng cốt đột. Từ ngày ngoại Tám không còn, bài bánh vàng son một thuở ấy giờ chỉ còn là vang bóng.
Chị Hai mê làm nên khéo nhứt nhà nghe chuyện bà ngoại Tám cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ – “Sao hồi đó má hông học?”. Má liếc như muốn nói “mày ngu”. – “Ngậm trầm mà hỏi á con? Dì Hai, dì Ba còn hông biết, ở đó tới má”.
Chiếu đã trải sẵn, chuẩn bị cán bánh. Bà nội Út vừa bỏ một vòng tóc cuối trên đầu tóc tạo thành “cánh tiên”, vừa ngồi xuống hét ngay đầu chiếu để bắt bánh, khâu này khó hơn, hai tay nắm hai đầu bột kéo lên rồi cuộn vào nhau vài vòng rồi cân đều bánh bằng cách đẩy vô búng của hai ngón cái, và trỏ. Cục bột tròn cỡ trái quít ánh vàng vàng bởi đường thốt nốt, thơm lừng. Cái cục bột giờ đã thành cái bánh tròn quay như mặt trăng. Bà Út chặc lưỡi: “Bánh tốt như rồng, hông được làm hư đa”. Mấy đứa con gái mới tập cán bánh, lấm lét ngó nhau, lưỡi thè cả thước tây.
Trong nhà ì xèo ơi ới. Cối bánh thứ hai ngoài sân cũng đã xong. Và cứ vậy… tới rạng sáng, chưa thấy rõ con kiến bò thì phải xong, bởi trễ sẽ không kịp nắng. “Khiêng ra giàn đi mấy ông đàn ông ơi”, má nói. Hai người đội hai đầu chiếc chiếu rinh bánh đặt ngay ngắn trên giàn phơi làm dã chiến bằng tre. “Hú… Rồi chưa? Đi chợ bà Bảy ơi!”. Tiếng má hú… hú… trả lời kéo dài trong sương sớm. Đâu đó, từ cuối xóm vẫn còn phịch… phịch… Má não nề: “Trễ quá rồi! Ngọn gió cuối năm thản nhiên cắt rướm biết bao máu của những đứa con xa má cứ sắt se… sắt se… bây giờ, đã mang tiếng bánh phồng đi đâu? về đâu?