Thăng chức nhưng thu nhập kém cấp dưới

Được bổ nhiệm vào vị trí trưởng phòng nhân sự song Hồng Ánh (29 tuổi, TP.HCM) không được tăng lương, thậm chí mức thu nhập thấp hơn nhân viên dưới quyền.

“Tôi làm việc gấp đôi, nhưng lương không đổi”, tân trưởng nhóm Linh Chi (27 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói với Tri thức - ZNews.

Tháng 10/2023, Linh Chi được lãnh đạo cấp cao bổ nhiệm vào vị trí trưởng nhóm digital marketing, thay thế cho người tiền nhiệm đã nghỉ việc. Trong cuộc trao đổi, sếp của Chi thẳng thắn chia sẻ rằng doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn, không thể tăng lương cho cô ngay.

Mức phúc lợi tài chính của trưởng nhóm này chỉ có thể cải thiện sau 6 tháng đảm nhiệm chức vụ mới. Ban đầu, Chi háo hức với vai trò quản lý, hào hứng vì lần đầu được thăng chức.

Tuy nhiên, sau gần nửa năm làm việc với chức vụ trưởng nhóm, cô bắt đầu nhận thấy nhiều bất cập. Khối lượng công việc của Chi tăng cao, khiến cô thường xuyên phải làm việc đến 22h.

“Tôi chờ đợt đánh giá năng lực sau 6 tháng, hy vọng mức lương tăng như kỳ vọng, bớt chán nản khi thường xuyên phải làm việc sau giờ hành chính, suốt cuối tuần”, Linh Chi nói.

 Nhiều nhân sự không được tăng lương sau khi thăng chức, đảm nhiệm chức vụ quản lý. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhiều nhân sự không được tăng lương sau khi thăng chức, đảm nhiệm chức vụ quản lý. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Tình huống mà Linh Chi gặp phải được gọi là "dry promotion" (tạm dịch: thăng chức suông, thăng chức chay) - trách nhiệm lớn hơn nhưng không tăng lương - đưa đến một tình thế tiến thoái lưỡng nan trong sự nghiệp, theo Wall Street Journal.

Các giám đốc điều hành và chuyên gia tư vấn trả lương cho biết “dry promotion” có xu hướng tăng lên trong thời điểm kinh tế bất ổn. Các công ty đã đưa ra những khoản tăng lương lớn chỉ để giữ chân nhân sự khi nguồn cung lao động đang thiếu hụt.

Áp lực gấp đôi, lương thưởng vẫn thế

Từng chia sẻ với Tri thức - Znews, chuyên gia nhân sự Nguyễn Hùng Cường cho biết mục tiêu quan trọng nhất của doanh nghiệp ở thời điểm kinh tế khó khăn hiện tại là duy trì hoạt động và nỗ lực tồn tại. Việc không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chế độ đãi ngộ của người lao động là trình trạng chung.

Nhiều doanh nghiệp ứng phó bằng cách đưa ra lợi ích phi tài chính, chú trọng xây dựng lộ trình phát triển rõ ràng, cung cấp cho nhân sự cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

Trong khi đó, lương cao, thưởng đậm là phúc lợi được người lao động mong chờ nhất trong năm nay. Xếp sau lần lượt là cơ hội thăng tiến trong công việc và thời gian - không gian làm việc linh hoạt.

 Linh Chi thường xuyên phải tăng ca, đảm nhiệm nhiều công việc hơn sau khi thăng chức.

Linh Chi thường xuyên phải tăng ca, đảm nhiệm nhiều công việc hơn sau khi thăng chức.

Theo trưởng nhóm digital marketing Linh Chi, quỹ lương của doanh nghiệp cô ngày càng eo hẹp, lãnh đạo vì thế không có ý định tuyển dụng nhân sự mới. Quản lý 27 tuổi này vừa phải đảm nhiệm công việc chuyên môn vừa phải hoàn thành công tác quản trị.

Trong giờ hành chính, Chi tập trung giải đáp thắc mắc, duyệt sản phẩm cho cấp dưới. Kết thúc giờ làm, cô ở lại văn phòng làm báo cáo, xây dựng bản kế hoạch mới trình lãnh đạo.

Hiểu rằng đây là cơ hội học hỏi, thử thách bản thân tốt, song Linh Chi không khỏi thất vọng khi tài khoản ngân hàng chỉ được cộng con số như xưa vào mỗi cuối tháng.

Trong khi thu nhập không có sự thay đổi, Chi vẫn phải chi trả thêm những khoản gắn liền với chức vụ mới như tiền chiêu đãi cấp dưới hay phí đi lại gặp gỡ khách hàng.

“Nhiều bạn bè phỏng đoán thu nhập của tôi chạm mốc 30 triệu đồng/tháng. Tôi ái ngại, không dám đính chính rằng lương của mình vẫn ở mức 18 triệu đồng/tháng”, Linh Chi chia sẻ.

Tương tự, Hồng Ánh (29 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng chung cảnh lên chức, không tăng lương. Ánh được bổ nhiệm vào vị trí trưởng phòng nhân sự tại một start-up vào đầu năm 2024.

Cô chấp nhận 4 tháng thử sức ở chức vụ mới, không được tăng lương trong giai đoạn này. Trước khi ngồi vào vị trí trưởng phòng, Ánh vẫn nhận thêm một số dự án ngoài (side job), gia tăng thu nhập hàng tháng.

Tuy nhiên, kể từ lúc đảm nhiệm chức vụ này, cô không thể kham thêm công việc khác. Những đầu việc của một trưởng phòng nhân sự ngốn hết thời gian trong ngày của Ánh.

“Nhiều nhân viên dưới quyền còn có thu nhập cao hơn tôi. Các bạn có dư thời gian để nhận thêm dự án bên ngoài”, Hồng Ánh chia sẻ.

Trách nhiệm, áp lực gia tăng khiến Ánh phải bổ sung thực phẩm chức năng giảm triệu chứng mất ngủ, rụng tóc. Tuy lương, thưởng không tăng, cô vẫn phải chi thêm tiền cho các sản phẩm, dịch vụ cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần.

Tiến thoái lưỡng nan

Dù lãnh đạo hứa hẹn sẽ tăng lương sau 4 tháng, Hồng Ánh vẫn lo ngại về lời hứa này vì tình trạng kinh doanh của công ty không khả quan. Cô rơi vào thế khó khi chưa đủ kinh nghiệm ở vai trò quản lý để nhảy việc, khó tiếp tục đảm nhiệm vị trí tương tự tại doanh nghiệp khác.

Cô cũng không thể trở lại làm nhân viên để thoải mái nhận thêm công việc bên ngoài, cải thiện thu nhập. Phương án trước mắt của Ánh là tiếp tục làm việc với mức lương này hết thời hạn 4 tháng, sau đó đàm phán lại với cấp trên.

Nếu công ty không thể tăng 50% lương như đã hứa, cô chấp nhận tỷ lệ gia tăng thu nhập thấp hơn, được đồng nào hay đồng đấy.

“Tôi vẫn thấp thỏm lo tiền nhà, tiền điện hàng tháng, khó tập trung vào công tác quản lý.Thẳng thắn trình bày khó khăn tài chính với cấp trên để hưởng đãi ngộ tốt hơn là giải pháp duy nhất của tôi ở thời điểm hiện tại”, trưởng phòng nhân sự 29 tuổi nói.

 Các quản lý không được tăng lương loay hoay tìm cách đàm phán với lãnh đạo. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Các quản lý không được tăng lương loay hoay tìm cách đàm phán với lãnh đạo. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Trung Bùi (31 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cất nhắc lên vị trí phó phòng chăm sóc khách hàng của một ngân hàng từ giữa năm 2023. Sau gần một năm lên chức, anh chưa nhận được phúc lợi tài chính xứng đáng.

Mức lương không đổi là lý do chính khiến Trung liên tục ngó nghiêng các thông tin tuyển dụng từ đầu năm nay. Anh dự định sẽ nghỉ việc sau một năm làm quản lý nếu không đàm phán được thu nhập cao hơn.

“Cấp trên liên tục lần lữa, chưa ký quyết định tăng lương. Tôi chỉ có thể chờ đợi trong một khoảng thời gian nhất định”, phó phòng chăm sóc khách hàng nói với Tri thức - ZNews.

Theo Trung Bùi, thời gian một năm đủ để anh học thêm kỹ năng mới, có kinh nghiệm trong công tác quản trị. Đến giữa năm nay, anh có thể tự tin ứng tuyển vào vị trí quản lý ở các đơn vị khác.

Tình trạng "thăng chức nhưng không tăng lương" thực chất khá phổ biến. Tại Mỹ, theo khảo sát được công ty tư vấn phúc lợi Mercer, thực hiện vào năm nay, 900 doanh nghiệp dành ít ngân quỹ cho việc tăng lương gắn liền với thăng chức hơn so với năm 2023.

Báo cáo này cũng cho biết số lượng công ty cung cấp chức vụ cao hơn cho nhân viên thay vì tăng phúc lợi tài chính tăng từ 5% vào năm 2018 lên 13% trong năm 2024.

Chia sẻ trên ABC, Helen Holan, một huấn luyện viên nghề nghiệp và lãnh đạo có trụ sở tại Perth (Australia), cho biết người lao động có thể chấp nhận thăng chức không tăng lương trong một khoảng thời gian ngắn. Đây là cơ hội học hỏi, trau dồi kinh nghiệm đáng thử.

Cùng với đó, việc chấp nhận chưa được tăng lương ngay có thể tạo cơ sở để thúc đẩy các đặc quyền khác, chẳng hạn như sắp xếp công việc linh hoạt hơn, có thêm thời gian nghỉ hoặc tiếp cận một chương trình đào tạo, các chuyên gia cố vấn nghề nghiệp đánh giá.

Tuy nhiên, nếu khoảng thời gian này kéo dài quá mức, nhân sự đảm nhiệm chức vụ quản lý cần đàm phán với ban lãnh đạo để tìm ra hướng giải quyết phù hợp, đảm bảo công bằng lao động cho bản thân.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thang-chuc-nhung-thu-nhap-kem-cap-duoi-post1467920.html