Sa Pa là một thị xã, điểm du lịch trứ danh thuộc tỉnh Lào Cai. Theo Atlas địa lý Việt Nam, nằm ở độ cao dao động từ 1.500-1800 m so với mực nước biển, thị xã Sa Pa (trước đây là thị trấn Sa Pa) nổi tiếng với khí hậu mát mẻ quanh năm, mang vẻ đẹp như một bức tranh thủy mặc, luôn là điểm đến của du khách thập phương. Ảnh: Lê Hiếu, Mạnh Thắng.
Thị xã Sa Pa nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, cách đỉnh Fansipan khoảng 9 km về phía tây nam. Đây là đỉnh núi cao nhất Việt Nam (3.143 m so với mực nước biển), được mệnh danh là "Nóc nhà của Đông Dương". Ảnh: Lê Hiếu, Mạnh Thắng.
Du lịch Sa Pa, du khách sẽ có cơ hội chinh phục đỉnh Fansipan và đỉnh Hàm Rồng nằm ngay sát thị trấn Sapa. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, du khách sẽ được ngắm toàn cảnh Sa Pa, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, núi Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.
Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Sapa, nhà thờ Đá sapa được xây dựng từ năm 1895 dưới thời Pháp thuộc, được coi là dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại ở nước ta. Ngày nay, nhà thờ đã được tôn tạo, bảo tồn, trở thành biểu tượng không thể thiếu khi nhắc đến Sa Pa. Nhà thờ Sa Pa tọa lạc phía sau là núi Hàm Rồng, phía trước là khu đất rộng, bằng phẳng, nơi diễn ra những lễ hội đầy màu sắc của phố núi. Ảnh: Du lịch Sa Pa.
Cả 3 danh thắng trên đều thuộc tỉnh Lào Cai, trong đó Cổng Trời là địa điểm du khách có thể có một cái nhìn toàn cảnh vẻ đẹp mộc mạc, hoang sơ, hùng vĩ, giàu sức sống của Tây Bắc; Thác Bạc nằm cách thị xã Sa Pa 12 km là một thắng cảnh nổi tiếng thu hút khách du lịch; Cốc San là một hệ thống các thác nước, hang động tại huyện Bát Xát, hài hòa, khoáng đạt, du khách sẽ cảm nhận được sự huyền bí diệu kỳ toát lên từ những ngọn thác, những mô đá, hang động nơi đây. Ảnh: Du lịch Sa Pa.
Không chỉ có cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Sa Pa còn thu hút du khách bởi những món ẩm thực đặc sắc, trong đó có thắng cố. Món thắng cố được nấu từ nội tạng (ruột non, ruột già, tim, gan, phèo, phổi…) của một số loài động vật như ngựa, trâu, bò, heo… Ngon nhất là món thắng cố được nấu từ nội tạng ngựa. Ảnh: Du lịch Sa Pa.
Để thêm gia vị thơm ngon cho nồi thắng cố, người ta cho thêm ít ngô, rau, các loại hương liệu gia vị như gừng, thảo quả, vỏ quýt, hoa hồi, lá chanh, hoa hồi, quế chi, sả… Tất cả được ninh nhừ để ngấm đẫm gia vị. Khi ăn, người thưởng thức có thể thêm một chút ớt, tiêu hoặc muối. Ăn thắng cố Sa Pa, bạn có thể ăn cùng với mèn mén, bánh ngô nướng và đặc biệt, đừng bỏ qua rượu ngô Bắc Hà hoặc rượu San Lùng, thứ rượu nồng ấm, thơm phức, được kết tinh từ tinh hoa của núi rừng. Ảnh: Du lịch Sa Pa.
Theo Dũng Quang/ Zing