Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản giảm xuống thấp nhất 8 năm

Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong năm 2022 đã giảm gần 50% so với năm 2021, xuống còn 1.440 tỷ yen (87 tỷ USD) - mức thấp nhất trong 8 năm trở lại đây.

Đồng yên của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đồng yên của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 8/2 thông báo thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong năm 2022 đã giảm gần 50% so với năm 2021, xuống còn 1.440 tỷ yen (87 tỷ USD) - mức thấp nhất trong 8 năm trở lại đây.

Cụ thể, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản trong năm 2022 đã giảm 10.150 tỷ yen, bất chấp thặng dư thu nhập sơ cấp cao kỷ lục, với 35.310 tỷ yen, gấp 4 lần so với năm 2021. Điều này phản ánh lợi nhuận mà các doanh nghiệp Nhật Bản thu được từ việc đầu tư ra nước ngoài, đồng thời cho thấy tác động nghiêm trọng đối với Nhật Bản - vốn khan hiếm tài nguyên, do tăng nhập khẩu năng lượng và các mặt hàng khác có giá cao hơn.

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản trong năm 2022 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ mốc 3.920 tỷ yen năm 2014. Riêng tháng 12/2022, thặng dư tài khoản vãng lai đạt 33,4 tỷ yen, giảm 90,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là tháng 12 ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai ở mức thấp nhất từ trước tới nay.

Trái lại, thâm hụt thương mại của quốc gia Đông Bắc Á này ở mức 15.780 tỷ yen, sau khi nhập khẩu tăng 42% lên 114.470 tỷ yen, vượt xa so với xuất khẩu, chỉ tăng khoảng 19,9% lên 98.690 tỷ yen.

Theo số liệu sơ bộ của Bộ Tài chính Nhật Bản, cả kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu đều ở mức cao nhất kể từ khi bắt đầu có dữ liệu so sánh vào năm 1996.

Trong năm 2022, đồng yen đã giảm gần 20% giá trị so với đồng USD, khiến giá trị hàng nhập khẩu tăng, gây bất lợi cho Nhật Bản, song lại thúc đẩy nguồn thu của các nhà xuất khẩu nước này tại thị trường nước ngoài.

Nhà kinh tế trưởng Yuichi Kodama thuộc Viện nghiên cứu Meiji Yasuda nhấn mạnh thâm hụt thương mại của nước này lớn là do hoạt động nhập khẩu năng lượng và đồng yen yếu dẫn tới lạm phát chi phí nhập khẩu. Tuy nhiên, theo ông, thâm hụt thương mại có thể giảm hơn trong năm nay khi giá năng lượng ổn định. Ông Kodama còn cho rằng thu nhập sơ cấp tăng cao chỉ là tạm thời. Trong dài hạn, thặng dư tài khoản vãng lai được dự báo sẽ giảm.

Đồng yen lao dốc đã làm giảm giá trị tài sản quốc gia của Nhật Bản trong năm 2022, khi cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá dầu mỏ và các hàng hóa khác tăng vọt. Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, đồng yen yếu hơn khiến du khách nước ngoài được hưởng lợi khi đi du lịch giá rẻ tại Nhật Bản trong bối cảnh nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt và mở cửa đón khách quốc tế trở lại./.

Minh Tâm (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thang-du-tai-khoan-vang-lai-cua-nhat-ban-giam-xuong-thap-nhat-8-nam/844933.vnp