Tháng Giêng hoa cải...
Chiều xuân, nắng mơn man trải nhẹ. Nắng vừa đủ để cỏ mướt xanh, vừa đủ để sóng sánh gợn vàng trên mặt sông lấp lóa... Khá lâu rồi tôi mới có dịp dắt con gái đi dạo trên bờ đê mướt cỏ quanh co uốn khúc theo dòng La Giang.
Xa xa là bãi bồi đủ sắc vàng xanh mơn mởn của rau, của cỏ. Đang mơ màng nhìn sắc màu tươi mới thì con gái ríu rít níu tay mẹ chỉ vào một góc vườn xa:
- Mẹ ơi, bướm đậu trên vườn cây, cả một thảm vàng.
- Không phải đâu con ạ! Là hoa cải.
- Đẹp quá! Sao con không thấy bán ở cửa hàng hoa, cũng chưa thấy mẹ mua về cắm bao giờ!
Tiếng ríu rít của con nhắc tôi về một thời đã xa...
Ngày còn bé, có một mùa đông tôi được mẹ cho về ở với ông bà nội. Nhà ông bà nằm trên doi đất nổi ở giữa sông, đất đai màu mỡ, mùa nào thức ấy khiến tôi thích mê. Dịp tôi về là mùa cải. Cả bãi Soi xanh mượt. Cải bẹ xanh đậm, cải búp xanh pha trắng, cải mào gà lá xoắn xanh non... Những vườn cải nối tiếp nhau trải dài đầy sức sống, rực lên trong tiết trời đông.
Thường vào những buổi chiều, người dân bãi Soi sẽ tập trung ở những vườn cải để chăm tưới và thu hoạch. Nhìn những bàn tay thoăn thoắt của các chị, các bà tưới cây, tỉa cải, bó cải, tôi háo hức, thích thú. Tôi còn xin bà lội giữa những luống rau, đưa tay chạm vào cây cải để cảm nhận được sự tươi non của lá, sự mượt mà của bẹ, sự mềm mại của đất cùng mùi hương ngai ngái pha một chút hăng của đất, của lá cải lụi, cải gãy. Tất cả quyện lại thành vị của đồng quê để lại những ám gợi sâu sắc trong tâm hồn non nớt của tôi.
Nhưng hấp dẫn hơn cả là những luống cải để giống. Trên những luống cải là sự hòa sắc tuyệt vời giữa sắc xanh của lá, sắc trắng của bẹ, sắc vàng của hoa. Những bông hoa cải li ti vàng rực kết lại với nhau như một thảm hoa khổng lồ. Chao ơi, đẹp! Trong tưởng tượng của tôi lúc ấy, thảm hoa cải như một thế giới cổ tích đầy sắc màu thần tiên...
Và chỉ vài ngày sau, tôi thực hiện ước vọng cổ tích của mình bằng một vòng hoa công chúa trên đầu, một bó rõ to ôm trước ngực rồi hớn hở níu tay nội với ánh mắt mong chờ. Sau cái nhìn ngỡ ngàng vào mấy luống cải giống, nội ôm tôi vào lòng xoa đầu và khen: Công chúa của nội thật đẹp! Cô công chúa ôm cả bó hoa rực rỡ vào giấc mơ cổ tích ngọt ngào của tuổi thơ...
Nhớ có lần tôi được theo nội đi chợ bán rau. Chợ cách nhà nội khoảng một cây số. Trên con đường quanh co, trơn trượt, nội gánh một gánh cải đầy oằn vai. Tiếng đòn gánh kẽo kẹt nhịp nhàng theo bước chân của nội, theo dáng lưng như còng xuống bởi thời gian.
Trong sắc trời mờ mờ của buổi sớm đầu đông, tôi được trùm kín áo ấm, áo mưa bước lủn củn theo chân ngoại vào chợ, tròn mắt nhìn phiên chợ quê cuối năm, tiếng bán mua ríu rít. Gánh cải của nội nhiều là thế nhưng bán xong chỉ đủ để mua được vài lạng thịt cùng mấy thức hàng khô chuẩn bị cho cái tết sắp về.
Nắng chiều đã bắt đầu vãn, trên vạt cải ven sông, con gái đang ríu rít hỏi chuyện bên một người phụ nữ trung niên khắc khổ lúi húi bó những bó cải cuối mùa. Vườn cải không xanh non mà bắt đầu vàng úa. Những luống cải già đã thấp thoáng trổ bông. Gió và nắng hắt lên bóng dáng còng còng đang cúi xuống gom từng cây cải khiến tôi nôn nao nhớ về bóng nội ngày xưa.
- Sao cô không bán sớm khi cải còn non, giờ ra hoa thế này thì còn bán cho ai?
- Vì rau rẻ quá cô ạ, ba bó được hai nghìn, lại còn công bó, gánh đi chợ, một gánh cải có được bao nhiêu đâu, bỏ thì lại tiếc!
Giọng người phụ nữ chùng xuống, gương mặt khắc khổ như hằn thêm nhiều nếp nhăn... Tôi thẫn thờ. Một gánh rau nặng oằn vai chỉ vài chục nghìn. Bao công sức chăm tưới, bao giọt mồ hôi đổ xuống trong tiết trời lạnh giá của ngày đông, bao hy vọng chắt chiu, gom góp trên những luống rau cuối mùa để rồi tàn lụi theo mùa…
Nhìn sang bên kia sông, đất bãi Soi màu mỡ ngày xưa xanh mượt mà sắc cải giờ chỉ còn là những mảnh đất hoang mọc đầy cây dại. Bao người quê đã từ giã vườn tược đi khắp mọi ngả mưu sinh. Từ bao giờ đất quê màu mỡ đã không nuôi nổi người, để rồi mùa cải năm nào đến bây giờ chỉ còn là mùa trong ký ức?
Chiều muộn, trên đường về, tôi miên man nhớ và nghĩ về hoa cải...
Nguyễn Thị Tú Oanh
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoc/thang-gieng-hoa-cai/187225.htm