Thăng hạng năng lực cung ứng của doanh nghiệp Việt
Tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở lối cho doanh nghiệp Việt tiến sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và trên toàn cầu.
“Bệ phóng” cho doanh nghiệp chuyển mình
Xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng từ 77 tỷ USD năm 2019, lên 95,5 tỷ USD năm 2023, còn 3 quý đầu năm nay đạt 76,3 tỷ USD. Không chỉ dừng ở con số xuất nhập khẩu được cải thiện, mà nhờ thực thi CPTPP trong gần 6 năm qua đã gia tăng số doanh nghiệp gia nhập chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
CNCTech Thăng Long thuộc Tập đoàn CNCTech là một trong những doanh nghiệp nhanh chân tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI thuộc các nước CPTPP.
Theo Bộ Công thương, thời gian qua, việc thực thi hiệu quả các FTA đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Quy mô xuất nhập khẩu dự kiến cán mốc gần 800 tỷ USD vào cuối năm 2024.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CNCTech Thăng Long thông tin, nhờ liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản, cụ thể là Toyota và các tập đoàn đa quốc gia khác, CNCTech Thăng Long phát triển được nguồn nhân lực, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tự tin hơn trong cạnh tranh.
Khi CNCTech Thăng Long tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp FDI, Công ty buộc phải thay đổi, chuyển mình hoàn toàn từ phương thức sản xuất cũ, bước lên phương thức chuyên nghiệp, chuẩn chỉnh hơn. Đó vừa là áp lực, vừa là động lực để doanh nghiệp thay đổi, hoàn thiện.
“Nhờ đó, doanh nghiệp tăng trưởng được doanh thu nhanh chóng và ổn định, phát triển mạnh về hạ tầng cũng như về nguồn lực để có thể tìm kiếm thêm nhiều khách hàng”, ông Trung chia sẻ.
Ngoài CPTPP, Việt Nam đang thực thi 15 FTA khác, cùng 1 FTA vừa ký kết với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, đang chờ phê chuẩn. Hệ thống 17 FTA này như một “bệ phóng” giúp doanh nghiệp chuyển mình trong cuộc chơi với các đối tác lớn.
Năng lực cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam trong thập kỷ qua có sự tiến bộ thấy rõ, quy mô thương mại tăng nhanh. Các FTA giúp nâng cao giá trị xuất khẩu những mặt hàng chủ lực, thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh và cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Năm 2023 là năm thứ 8, Việt Nam xuất siêu liên tiếp, với hơn 28 tỷ USD.
Trong 10 tháng của năm 2024, xuất khẩu đạt gần 336 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp trong nước đạt 93,97 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) đánh giá, mức độ cam kết mở cửa thị trường sâu rộng của CPTPP đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt tăng cường xuất khẩu, khẳng định vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó trưởng phòng WTO và FTA (Vụ Chính sách thương mại đa biên) khẳng định: “CPTPP không chỉ mở rộng cơ hội xuất khẩu, mà còn thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam và gia tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài”.
Còn nhiều dư địa
Mặc dù đánh giá việc thực thi CPTPP đã tạo hiệu ứng tích cực cho thương mại, đầu tư, gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI tăng lên, song bà Lan Phương vẫn trăn trở, bởi bên cạnh kết quả tích cực, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa.
Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp Việt tận dụng được cơ hội xuất khẩu sang các thị trường CPTPP, từ đó tham gia được phần nào vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA đối với nhiều ngành hàng được cải thiện. Nhưng còn không ít doanh nghiệp chưa đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường FTA, nhất là khi những thị trường này dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật.
Việt Nam có nền kinh tế mở, với việc ký kết, gia nhập nhiều điều ước quốc tế trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đặc biệt là thành viên của 17 FTA, tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường, xuất khẩu năm cao điểm vượt 371 tỷ USD.
Tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào với giá thành cạnh tranh, cùng việc tham gia kết nối, liên kết với các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa khi tham gia vào chuỗi cung ứng của những tập đoàn đa quốc gia đến từ thành viên của các FTA trở thành lợi ích nổi bật cho doanh nghiệp Việt trong quá trình tận dụng cơ hội.
“Chúng ta không chỉ ban hành chính sách, mà phải hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng vào thực tế. Chính phủ cần đồng hành với doanh nghiệp để hỗ trợ vốn, đào tạo nguồn nhân lực và cung cấp thông tin thị trường một cách cụ thể”, bà Lan Phương nói.
Được biết, Bộ Công thương đang xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA. Theo kế hoạch, tháng 5/2025 sẽ trình Chính phủ. Nếu được thông qua, mô hình sẽ giúp kết nối chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, đồng thời tập trung vào hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như nông sản, dệt may và logistics.
Những hỗ trợ này góp phần rút ngắn chặng đường để kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sớm cán mốc 1.000 tỷ USD.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thang-hang-nang-luc-cung-ung-cua-doanh-nghiep-viet-d231800.html