Thăng hoa và sâu lắng

Khi hay tin phở Hà Nội, phở Nam Định và mì Quảng được công nhận là di sản quốc gia, nhiều người Việt hẳn sẽ hào hứng bởi cả trăm năm qua chúng ta đã được tận hưởng giá trị văn hóa tinh tế, thú vị đó. Miếng ngon vượt ra ngoài phạm trù của miếng ăn, của bổn phận làm no để trở thành đại sứ trong xu thế hội nhập quốc tế.

Chỉ cần đến Việt Nam, thưởng thức phở, gỏi cuốn, bánh xèo, hủ tiếu, mì Quảng, bún bò Huế, bánh cuốn, cốm làng Vòng, bánh tôm hồ Tây..., du khách sẽ hiểu được sự tinh tế, sâu đằm của văn hóa Việt. Một dân tộc biết tạo ra những món ăn đặc sắc bao giờ cũng là một dân tộc thân thiện, yêu chuộng hòa bình và hiếu khách.

Bản thân nguồn gốc các món ngon của người Việt Nam đã hấp dẫn như một truyện cổ tích. Ẩm thực Việt đồng hành với con người trong kháng chiến, được giữ gìn qua những năm tháng cam go nhất để trở lại mạnh mẽ hơn khi cuộc sống tốt hơn. Đó còn là hành trình từ gian khó giữ gìn hạt giống quý giá đầu tiên như người giữ lửa và thăng hoa ở sự sáng tạo.

Văn hóa chỉ có thể thăng hoa khi chúng ta bảo tồn và phát huy đúng hướng.

Văn hóa chỉ có thể thăng hoa khi chúng ta bảo tồn và phát huy đúng hướng.

Khi nhớ đến những bài hát như: "Đường cày đảm đang", "Hát về cây lúa hôm nay", "Ngày mùa"... người viết nghĩ rằng nếu có một cuốn lịch sử ghi chép lại hành trình từ hạt mầm lương thực cho đến các món ăn tinh tế ấy thì sẽ chẳng kém gì một huyền thoại, một áng sử thi thấm đẫm mồ hôi nước mắt và xương máu cha ông ta giữ đất, giữ nước, giữ mùa màng bình yên no ấm.

Từ 13.000 năm trước, nền văn minh lúa nước đã mở ra một cơ đồ cho dân tộc Việt Nam. Những thửa ruộng gắn kết lại tạo nên cánh đồng rộng lớn, tổ chức, xóm, làng cũng từ đó tạo ra sức mạnh đoàn kết cho đất nước. Các loại bánh chưng, bánh giầy, bánh tét, bánh cooc mò (dân tộc Tày), bánh đót, bánh ống (dân tộc Cor); bánh cuốt (Cơ Tu)... đã trở thành hồn vía, là thứ "keo" kết dính bền chặt để phản bác lại mọi thứ văn hóa lai căng, mọi ý đồ chia rẽ, hạ thấp văn hóa Việt. Ẩm thực Việt Nam không chỉ hấp dẫn mà còn thiêng liêng như thế.

Tiến sĩ Alan D. Wolfelt từng có một câu nói rất hay: "Đồ ăn chính là biểu tượng của tình yêu khi ta không thể tìm ra từ ngữ nào để diễn tả". Đúng thế, đó là thứ tình yêu của khát vọng về một cuộc sống no ấm, hạnh phúc chứ không chỉ đơn thuần lôi cuốn thực khách. Nhìn rộng ra, chỉ tính riêng hơn 143 món từ gạo của Việt Nam đã giúp du khách cảm nhận sự thăng hoa từ hạt lúa. Nhưng, ở một góc nhìn khác, dư luận cũng từng lên tiếng về những "kỉ lục" của ẩm thực Việt: chiếc bánh chưng 7 tấn, nồi nước dùng phở khổng lồ 300 lít, bánh Trung thu nặng 2.496,4 kg, bánh xèo khổng lồ với đường kính 2 m... Một kích cỡ vượt ra ngoài quy ước truyền thống, xác lập kỉ lục và khiến không ít người lo lắng sẽ làm thay đổi quan niệm thẩm mỹ, văn hóa Việt.

Có điều, nếu nhìn ra thế giới bạn cũng sẽ thấy người dân Hy Lạp và du khách từng được chứng kiến chiếc bánh Vasilopita nặng 2,5 tấn, dài 70 mét, rộng 3m; chiếc bánh mì baguette độ dài 140,53 m ở thành phố Dijon (Pháp); chiếc bánh quy xốp truyền thống dài 5 m và chiều rộng 2,4 m của vùng Andalucia (Tây Ban Nha)... những kỉ lục này mang tính biểu tượng, như một logo thương hiệu bằng chất liệu thực xuất hiện trong thời điểm đặc biệt.

Theo người viết, từ cây lúa nước của hơn 13.000 năm trước đến di sản quốc gia hôm nay, phở, mì Quảng và có thể là những món ăn khác nữa đã đạt tới sự sâu lắng, tạo ra giá trị của riêng mình. Giá trị bình dị, nhỏ bé ấy đã được khẳng định để góp phần tạo ra các giá trị lớn hơn.

Trong kháng chiến, văn hóa ẩm thực đã được gìn giữ, bảo tồn, thích nghi và thể hiện sức sống bền bỉ. Hẳn chúng ta từng nghe nhắc đến những phở kháng chiến, phở "Nam tiến", phở tản cư... và từng có cả một cuốn sách viết về món ăn này có tên "The Pho Cookbook" của tác giả Andrea Nguyễn. Cùng với những trí thức, tiểu tư sản, tư sản yêu nước giác ngộ cách mạng, tiêu thổ kháng chiến, văn hóa ẩm thực cũng hòa đồng với dòng chảy tinh thần chung. Bởi lẽ đó, hành trình của bát phở cũng đầy gian nan khi vượt qua những thách thức mất còn để trường tồn, để nói lên một tình yêu bền bỉ của người Việt với các giá trị văn hóa dân tộc.

Nếu để ý kĩ, bạn sẽ thấy từ bát phở gánh của Hà Thành, thành Nam đến bát phở "không người lái" thời bao cấp và khi kinh tế thị trường mở ra, những phở Thìn, phở Xưa Nam Định, phở Lý Quốc Sư, phở Bát Đàn... góp phần tạo nên sự đa dạng về sản phẩm ẩm thực. Phở, mì Quảng, bún bò Huế và hàng trăm món ăn khác đã trở thành sản phẩm du lịch bằng sự sâu lắng từ hương vị đến hành trình lịch sử chứ không phải trào lưu độc, dị xốc nổi nhất thời.

Nói đến đây, chúng ta nhận ra đây đâu chỉ có chuyện của phở, mì hay một món nào đó mà đã thành vấn đề chung của văn hóa. Làm sao để thăng hoa bằng chính nền văn hóa của mình, thăng hoa bằng sự sâu lắng, chân thật, bền bỉ, tinh xảo chứ không phải chiêu trò nhất thời mới là điều đang nói.

Gác lại chuyện về những tô phở, tô mì, người viết xin được kể một câu chuyện khác. Nếu có dịp lên miền núi, bạn sẽ bắt gặp các nữ du khách xúng xính trong những chiếc váy của các dân tộc Mông, Dao, Thái... tuy nhiên, nếu để ý kĩ bạn sẽ thấy đa phần các trang phục này được may theo kiểu dịch vụ với hoa văn "cách điệu", tựa như cà phê hòa tan hay mì ăn liền. Thật may, giữa sự xô bồ ấy đâu đó vẫn có những người ý thức được việc tạo ra sản phẩm văn hóa có giá trị mới thúc đẩy du lịch một cách thực sự.

Phở là món ăn độc đáo đã có lịch sử lâu đời.

Phở là món ăn độc đáo đã có lịch sử lâu đời.

Nhà báo Hoàng Hồng trong bài viết "Sáng tạo nghệ thuật bằng văn hóa bản địa" trên Báo Dân trí miêu tả về trang phục phụ nữ Dao ở Sín Chải (Sa Pa, Lào Cai): "Trên nền vải lanh nhuộm đen, người phụ nữ Dao dùng các sợi chỉ thêu màu đỏ, vàng, xanh, lam, hồng nhạt để tạo nên những hoa văn trang trí vô cùng phức tạp nhưng hết sức trang nhã mà không có bất kỳ một mẫu thêu nào để sao chép. Các đường đi của họa tiết được lên ý tưởng từ trước nhưng cũng có thể được quyết định ngẫu hứng trong mỗi lần mở vải ra thêu".

Cũng trong bài báo này, tác giả đã chỉ ra: "Văn hóa bản địa là mảnh đất màu mỡ cho sáng tạo nghệ thuật. Nhưng, nguyên tắc cao nhất của sáng tạo nghệ thuật từ văn hóa bản địa là sự hiểu biết và tôn trọng nền văn hóa đó. Muốn vậy, phải dành thời gian để thực hành văn hóa cùng với cộng đồng ấy, để hiểu cách họ ăn họ mặc, cách họ nói, họ nghĩ". Yêu cầu về "thực hành văn hóa" mà nhà báo nhắc đến không chỉ là phục dựng, tái hiện cho đúng, cho giống mà bạn phải thật sự cần có, muốn có các tiêu chí ấy khi sáng tạo, khi tiếp biến trong đời sống hôm nay. Có điều, sáng tạo như thế nào, tiếp cận ra sao hay lại làm ảnh hưởng đến di sản là điều phải phân tích kĩ lưỡng.

Còn nhớ, trước đây trên báo chí từng nêu ý kiến tranh cãi về Triển lãm nghệ thuật cảnh quan Mây pha lê - La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Gần đây, lại xuất hiện quán cà phê nằm giữa ruộng bậc thang thuộc thôn bản Pho, xã Mường Hoa thuộc thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai, liệu đây là sáng tạo độc đáo hay không? Thời gian sẽ luôn là "người phán xử" sự sàng lọc tự nhiên và công bằng nhất, chỉ cần chúng ta luôn thực tâm, cầu thị, yêu văn hóa và đủ sâu lắng, biết thăng hoa sẽ giúp cho các giá trị văn hóa được phát huy. Một đất nước phát triển không chỉ dựa trên những chỉ số tăng trưởng về kinh tế mà còn ở sự phát triển trong nhận thức của mỗi công dân để cùng xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng, văn minh hơn...

Kiến Văn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/thang-hoa-va-sau-lang-i741193/