Tháng năm, hoa lựu…
…Hoa lựu cháy từng ngọn nến
Sinh nhật mùa lung linh…
(Hành trình tháng năm)
Tôi đi tìm lại mảnh ký ức tháng năm đỏ màu hoa lựu. Lựu giờ ít ai trồng nữa. Đó là màu hoa của ngày xưa, ngày tôi còn là một cậu bé con. Trước nhà, sát bờ sân, mẹ đem trồng một hàng cây lựu. Cây ăn quả thân mộc nhưng lựu đặc biệt nhanh lớn, nhanh ra hoa, đậu trái. Mới trồng giáp năm cây thấp tè, chỉ cao hơn đầu đứa bé; ấy vậy mà hè về đã lác đác đơm hoa. Ra hoa chiến (lứa hoa đầu tiên) có cây trổ được vài ba hoa; có cây chỉ trổ nổi duy nhất một hoa. Hoa lựu chưa nở nhìn bề ngoài tròn vo, nhẵn thín; không biết rất dễ nhầm là… trái của cây. Những búp hoa nhỏ tròn đầu dài thuôn đỏ rực một màu, lung linh ẩn hiện giữa tàn lá xanh vô cùng quyến rũ. Tôi mê cái màu đỏ nhìn từ xa lô nhô giữa nắng hè chói chang, nổi bật trên phông nền lá xanh y như màu lửa cháy. Lần đầu nhìn lựu ra hoa thằng bé con tôi cứ nuốt nước bọt, lòng vòng qua lại lại qua giữa những thân cây lựu mảnh mai, rón rén giơ tay muốn… ngắt. Mẹ quát: không được hái! Để cho lựu đậu trái! Rụt tay như điện giật, thằng bé nuối tiếc nhìn búp hoa lựu bóng nhẫy rung rinh như đang gật gù cảm ơn tiếng quát của mẹ; xong lại hiếng mắt nhìn sang nó như muốn trêu ngươi! Biết tỏng là không ăn thua nhưng vẫn buột mồm một câu vớt vát: Mẹ ơi, vậy có cái hoa lựu nào… không đậu trái được không? Mẹ bật cười, nhìn bộ mặt thằng con tiu nghỉu - hỏi cho có hỏi; bởi chưa nghe trả lời đã biết “đáp án” rồi - không đâu con, hoa lựu cái nào cũng đậu trái. Con đừng hái phá cây lựu nó buồn, năm sau không ra hoa nữa… Giọng mẹ dịu đi, vỗ về - như muốn “chuộc lỗi” cho thanh âm nghiêm khắc lúc nãy. Không sao, tôi thừa biết mẹ cưng tôi nhất. Quát cũng đáng tội thôi, bởi mẹ đâu hay tôi đã kịp ngắt một búp hoa đỏ chót, giấu túi áo lâu rồi…
Những búp hoa lựu hình quả bầu dài hơi eo thắt đoạn giữa hun dưới nắng hè gay gắt rốt cuộc cũng từ từ tách nở. Nở nửa búp, nhẹ nhàng bung những cánh mỏng manh như các “lưỡi lửa” liếm ra xa cũng rừng rực đỏ. Vỏ búp biến thành cái đài răng cưa ôm quanh “ngọn lửa”, không lè dài, bung lớn; những “lưỡi lửa” kia cứ chum chúm in hình ngọn đuốc. Một, mười hoặc vài mươi “cây đuốc” nhỏ cháy rực giữa trời tháng năm thăm thẳm cao xanh. Lọt thỏm trong vòng ôm của “lửa” là đám nhị/nhụy hoa với nhụy cái to nằm giữa và li ti một rừng nhị đực dính phấn bao quanh. Ong bướm như cũng bị hút hồn bởi cái màu đỏ liêu trai, lảo đảo dạo quanh, mê man rúc đầu vào “lửa” sục tìm mật ngọt; vô tình làm luôn công việc thụ phấn cho hoa. Vài ngày sau, bầu noãn (nửa hoa bên dưới) nhanh chóng phình to. Màu đỏ nhạt đi, dần chuyển sang sắc vàng xanh, tiệp cùng màu cây màu lá. Trái lựu đã nên hình, ngày một lớn lủng lẳng đu đưa trên những chiếc cành mảnh khảnh. Sắp đến lúc được thưởng thức vị lựu chín ngon lành; nhưng, lạ, cây lựu với tôi giờ chỉ còn như những cây ăn trái bình thường khác, không ấn tượng gì nhiều…
Tôi lớn hơn, bước vào trung học. Thời niên thiếu êm đềm vẫn trôi đi trong nỗi ám ảnh về một màu hoa lựu tháng năm rực đỏ. Giờ học ngữ pháp tiếng Việt, thầy dạy phân tích hai câu thơ trích trong truyện Kiều của Nguyễn Du: Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông. Tôi trả lời đúng câu hỏi và được thầy khen, cho 9 điểm. Tự hào, nhưng cái chính là càng thêm yêu màu hoa lựu tháng năm qua “tay nghề” mô tả xuất chúng của “người thơ”. Lần đầu tiên tôi hiểu được cái diệu kỳ của văn chương khi nó có khả năng làm hiện lên trên giấy trắng mực đen những cảm xúc vô ngôn, khó diễn! Công bình cũng phải nói: Trừ cái ám ảnh của màu hoa, ngày nhỏ tôi “mang ơn” cây lựu cũng nhiều. Tuổi thơ tôi hay quặt quẹo ốm đau nên mẹ rất “thuộc bài” những cây/vị thuốc trong vườn nhà để chữa trị cho thằng con èo uột. Vỏ trái lựu đem sắc nước uống trị tiêu chảy. Vỏ thân, vỏ rễ mẹ dạt phơi khô sao vàng dành trị giun. Đặc biệt món hạt lựu chín đem chưng đường phèn trị ho rất tuyệt: đường phèn ngọt thanh chưng thấm vào từng hạt lựu, quyện vị ngọt chua cùng mùi thơm của trái bốc lên hấp dẫn vô cùng. Tôi yêu lắm món thuốc ho hạt lựu chưng đường phèn, nhưng tới mức ám ảnh thì vẫn chỉ riêng một màu hoa lựu mỗi độ tháng năm…
Giờ bước sang buổi xế của cuộc đời, quê lên phố, đất đai không còn nhiều để người quê đem trồng loại cây không sinh lợi nhiều như lựu. Riêng tôi vẫn cố chấp, nhất định chừa một góc sân nhà trồng riêng cho mình cây lựu. Lẩm cẩm rồi, ba ơi, giờ lựu Trung Quốc bán đầy, trái vừa to vừa ngọt; lựu mình ăn sao vô, trồng chi cho phí đất? Lũ con mỗi bận về chơi lại kêu lên như vậy. Chúng đâu biết ba chúng trồng lựu không ăn mà chỉ để… ngắm. Ngắm cái màu lửa lựu lập lòe, ngun ngút cháy trên cành mỗi độ tháng năm sang…
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/240768/thang-nam-hoa-luu%E2%80%A6.html