Thằng nhỏ xa mẹ...

Năm 1995, có một thằng nhỏ độ 12 - 13 tuổi xách cái thùng gỗ đựng dụng cụ đánh giày, hay lân la trước cổng cơ quan tôi để mời khách. Sau nhiều lần được nó mời, tôi thường cho tiền nhưng không đánh giày, hôm ấy tôi bỗng chú ý đến hai chữ "XA MẸ" xăm trên cườm tay nó. Tôi hỏi: "Mầy ở đâu lên đây?". Nó đáp: "Ở mút An Giang đó chú. Tối con ngủ với mấy "thằng bụi" ở dạ cầu Chữ Y...". Tôi hỏi tiếp: "Còn cha mẹ không?". Nó đáp: "Tía bị rắn cắn chết lâu rồi. Má bán rau cải ngoài chợ nhỏ. Còn đứa em nhỏ hơn 3 tuổi tên Cu Tèo...".

Nhìn vào mặt nó, tôi gặng hỏi: "Sao bỏ lên đây?". Đôi mắt nó sụp xuống: "Má chửi mắng hoài, chịu không nổi nên học hết lớp 5 thì con bỏ lên đây... Hai năm rồi". Do nhận thức, cách dạy con của mỗi gia đình khác nhau, nhưng con cái thường không hiểu được tình thương yêu của cha mẹ trong cách cư xử đó nên dễ tự ái và hành động dại dột. Tôi tiếp: "Má mầy có liên lạc gì không?". Nó lắc đầu: "Biết đâu mà kiếm... Mà nghe nói má con về nhà ngoại ở rồi". "Ở đâu?". "Cũng trong tỉnh An Giang, Chắc Cà Đao đó chú. Nhưng con không nhớ khúc nào". Tôi quay trở vào phòng, làm việc.

Hôm sau, thằng nhỏ đó lại đến. Tôi hỏi: "Mầy nhớ mẹ không?". Nó bỗng bật khóc: "Nhớ lắm! Má con bị tật một chân, gánh rau té giữa đường hoài hà. Con đâu có tiền về. Tối qua tới giờ chưa ăn thứ gì, đói quá...". Tôi nhìn thẳng vào mắt nó: "Tao sẽ đưa mầy về. Sáng mai gom đồ đạc lại đây". Thằng nhỏ phân vân: "Chú đâu biết chỗ... Má con tên Lượm, bà ngoại là Bảy Giác...". Tôi đưa nó 50 ngàn đồng và nhắc nó cứ mang hành lý đến.

Sau một trận lũ lịch sử xảy ra ở các tỉnh hạ nguồn miền Tây Nam bộ, tôi đã tham gia tổ chức cứu trợ cho bà con gặp khó khăn ở đó và có đến Chắc Cà Đao, một vùng đất xa xôi, còn xa lạ với nhiều người dân thành phố. Qua những chuyến đi đó, tôi quen biết và giao tiếp thân mật với anh Tư Văn Nghệ (tên thường gọi của đồng chí Chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang). Thỉnh thoảng anh Tư nhờ tôi vận động tài trợ giúp căn nhà hoặc cấp học bổng cho người dân địa phương và tôi đều hoàn thành ý nguyện đó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sáng hôm sau, thằng nhỏ xách cái giỏ xách cũ mèm đến, mặt mày tươi tỉnh hơn, cười mim mỉm, chờ đợi. Một chiếc xe 16 chỗ chạy tốc hành miền Tây đỗ lại, tôi trả tiền, dặn tài xế chở thằng nhỏ đến ngay UBND tỉnh An Giang, sẽ có người đón. Tôi nhét vào túi thằng bé "xa mẹ” 200 ngàn đồng và dặn nó trao lá thư cho người ra đón. Xong, tôi lên đường đến huyện Cần Giờ, tham gia buổi lễ tổ chức trao nhà tình nghĩa.

Trong thư, tôi viết: "Anh Tư yêu mến! Mong anh giúp giùm trường hợp này. Địa chỉ không có, nhưng địa bàn nằm trong tay anh, em tin chắc anh sẽ tìm ra. Em sẽ thu xếp xuống chơi với anh, nghe lại bài vọng cổ "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà” mà người ta đánh giá anh ca hay ngang ngửa danh ca Minh Cảnh. Có kết quả báo cho em nhé! Cám ơn anh nhiều lần".

Hai hôm sau, tôi hết sức vui mừng khi nhận cú điện thoại từ UBND tỉnh An Giang: "Tư Văn Nghệ đây bạn... Nhận được thư, mình trao đổi ngay với anh Giám đốc Công an tỉnh và tỉnh lập tức yêu cầu các xã trong vùng tìm kiếm người phụ nữ bị tật ở chân, tên Lượm. Hai giờ sau, người đó được xác định là đang cấy thuê tại nhà ông Tư Quánh. Ở đó là vùng sâu, sông nước mênh mông, nên mình cho canô chở thằng nhỏ về đến tận nhà rồi. Báo cáo bạn, mình đã hoàn thành cuộc "giải cứu" do bạn giao phó. Nhớ xuống nghen...!".

Mươi ngày sau, tôi nhận được lá thư từ Chắc Cà Đao gửi qua đường bưu điện: "Kính gởi: Ông gì đó ơi... Khi con ngồi viết thư này thì hai anh em nó dắt nhau lên xã nhận lồng đèn Trung thu. Con chỉ cảm ơn thôi, chớ biết nói gì đâu... Mấy má con ôm nhau khóc suốt ba đêm, con cứ tưởng mất luôn "khúc ruột" đó rồi. Mong trời đất phù hộ cho ông, xin cúi đầu chào ông - Lượm, má thằng Mót". Tôi thấy trên tờ giấy học trò có những chữ bị nhòe, có lẽ do thấm nước mắt của người mẹ quê.

TRẦN TỬ VĂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/thang-nho-xa-me_144294.html