Tháng Ramadan bắt đầu với nạn đói trầm trọng và bạo lực không ngớt ở Gaza
Không có lệnh ngừng bắn nào như mong đợi và tháng Ramadan của người Hồi giáo ở Gaza đã bắt đầu trong nạn đói và nỗi sợ hãi dai dẳng.
Người Palestine đã bắt đầu nhịn ăn trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo vào ngày 11/3 khi các cuộc đàm phán ngừng bắn rơi vào bế tắc, nạn đói ngày càng gia tăng trên khắp Dải Gaza và cuộc chiến đẫm máu kéo dài 5 tháng chưa có hồi kết.
Những buổi lễ cầu nguyện được tổ chức ngoài trời, giữa đống đổ nát của những tòa nhà bị phá hủy. Những ngọn đèn và đồ trang trí được treo trong các khu lều chật kín người. Một đoạn video từ một trường học chuyển thành nơi trú ẩn do Liên hợp quốc quản lý cho thấy trẻ em nhảy múa và phun bọt để ăn mừng.
Nhưng có rất ít điều để ăn mừng sau 5 tháng chiến tranh đã giết chết hơn 30.000 người Palestine và khiến dải đất Gaza trở thành đống đổ nát. Trong tháng Ramadan, các gia đình thường kết thúc thời gian nhịn ăn từ bình minh đến hoàng hôn hàng ngày bằng bữa ăn Iftar, nhưng lúc này thực phẩm ít ỏi và giá cả quá cao đối với nhiều người.
Sabah al-Hendi, người đi mua thực phẩm hôm 10/3 ở thành phố Rafah, cực nam Gaza, cho biết: “Bạn chẳng thấy ai có niềm vui trong mắt. Gia đình nào cũng buồn. Gia đình nào cũng có người chết”.
Trước đó, Tiến sĩ Ashraf Al-Qudra, người phát ngôn Cơ quan Y tế Gaza, cho biết hôm 6/3 rằng ít nhất 20 người Palestine đã chết đói ở Gaza. Theo bác sĩ Hussam Abu Safiya, giám đốc bệnh viện Kamal Adwan, đứa trẻ nhỏ nhất chết vì đói ở khu vực này mới được một ngày tuổi. Con số thực sự có thể còn cao hơn, vì khả năng tiếp cận hạn chế tới phía Bắc Gaza đã cản trở các cơ quan viện trợ có thể đánh giá đầy đủ tình hình ở đó.
Cơ quan Y tế Gaza ngày 10/3 cũng cho biết các nhân viên y tế kiệt sức ở phía Bắc dải đất tiếp tục làm việc suốt ngày đêm nhưng phải chịu áp lực rất lớn về thể chất vì không có đủ thực phẩm. Theo đó, hơn 2.000 nhân viên y tế ở phía Bắc Gaza bắt đầu tháng Ramadan mà hầu như không có gì dự trữ cho các bữa ăn khi kết thúc thời gian nhịn ăn.
Trong khi đó, Mỹ, Qatar và Ai Cập đã hy vọng có thể làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn trước khi tháng Ramadan bắt đầu, bao gồm việc thả hàng chục con tin Israel và tù nhân Palestine, đồng thời đưa một lượng lớn viện trợ nhân đạo vào, nhưng các cuộc đàm phán đã thất bại.
Lực lượng Hamas yêu cầu đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận nào như vậy sẽ dẫn đến chấm dứt chiến tranh. Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ yêu cầu đó, thề sẽ tiếp tục cuộc tấn công cho đến khi “chiến thắng hoàn toàn” trước nhóm phiến quân và phóng thích tất cả các con tin còn lại bị giam giữ ở Gaza.
Ông Netanyahu thông báo hôm 11/3, Israel đã giết chết thủ lĩnh số 4 của “Hamas” và nói thêm rằng sẽ có thêm nhiều vụ tiêu diệt có chủ đích như vậy.
Đúng ngày 11/3, sự khởi đầu của tháng Ramadan được đánh dấu bằng các cuộc đụng độ giữa cảnh sát Israel và những người theo đạo Hồi tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, một thánh địa ở Jerusalem. Bạo lực tiếp diễn trong suốt dịp lễ linh thiêng nhất trong lịch Hồi giáo có thể có nguy cơ gây căng thẳng và làm trầm trọng thêm sự phẫn nộ trong khu vực.
Trước khi tháng chay của người Hồi giáo bắt đầu, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Israel và Hamas tôn vinh tinh thần của tháng Ramadan bằng cách “bịt tiếng súng” và thả tất cả con tin.
“Con mắt của thế giới đang theo dõi. Con mắt lịch sử đang dõi theo. Chúng ta không thể rời mắt”, ông nói. “Chúng ta phải hành động để tránh thêm nhiều cái chết… Những thường dân tuyệt vọng cần [chúng ta] hành động - hành động ngay lập tức.”
Liên hợp quốc báo cáo rằng ít nhất 1/4 người dân ở Gaza “chỉ còn một bước nữa là đến nạn đói”, trong khi theo Cơ quan Y tế Gaza, gần 60.000 phụ nữ mang thai đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng và mất nước.
Cuộc chiến ở Gaza bắt đầu khi các chiến binh do Hamas cầm đầu càn quét miền Nam Israel vào ngày 7/10, giết chết khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường và bắt khoảng 250 con tin. Hamas được cho là vẫn đang giam khoảng 100 con tin.
Chiến tranh đã khiến khoảng 80% dân số 2,3 triệu người của Gaza phải rời bỏ nhà cửa và đẩy hàng trăm nghìn người đến bờ vực nạn đói. Các quan chức y tế cho biết ít nhất 25 người, chủ yếu là trẻ em, đã chết vì suy dinh dưỡng và mất nước ở phía Bắc Gaza.
Các lực lượng Israel đã phong tỏa phần lớn miền Bắc kể từ tháng 10 năm ngoái, và các nhóm viện trợ cho biết những hạn chế của Israel, tình trạng thù địch đang diễn ra cũng như tình hình an ninh trật tự xấu đã khiến việc cung cấp thực phẩm cần thiết ở phần lớn vùng lãnh thổ gần như không thể thực hiện được.
Israel tuyên bố sẽ mở rộng cuộc tấn công tới thành phố Rafah ở phía Nam, nơi một nửa dân số Gaza đang tìm nơi ẩn náu mà không cho biết dân thường sẽ đi đâu để thoát khỏi cuộc tấn công dữ dội.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nói rằng một cuộc tấn công vào Rafah sẽ là “ranh giới đỏ” đối với ông, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Israel. Phát biểu hôm 9/3, ông Biden cho biết Israel có quyền đáp trả vụ tấn công ngày 7/10 nhưng Thủ tướng Netanyahu “phải chú ý hơn đến những sinh mạng vô tội đang chịu tổn thất”. Ông nói thêm rằng "ông không thể để thêm 30.000 người Palestine chết."
Ông Biden thừa nhận trong thông điệp Ramadan hàng năm của mình rằng tháng linh thiêng của người Hồi giáo đến “vào thời điểm đau đớn tột cùng”. “Khi người Hồi giáo trên khắp thế giới quây quần trong những ngày và tuần tới để ăn chay, nỗi đau khổ của người dân Palestine sẽ hiện lên trong tâm trí nhiều người. Đó là điều tôi nghĩ đến trước tiên”, nhà lãnh đạo Mỹ nói.
Mỹ và các nước khác đã bắt đầu thả hàng viện trợ bằng đường không, nhưng các nhóm nhân đạo cho rằng những nỗ lực như vậy là tốn kém và không đủ.
Quân đội Mỹ cũng đã bắt đầu vận chuyển thiết bị để xây dựng một cây cầu biển nhằm cung cấp viện trợ, nhưng có thể phải mất vài tuần nữa công trình mới đi vào hoạt động. Trong khi đó, một con tàu thuộc nhóm viện trợ Open Arms của Tây Ban Nha dự kiến sẽ thực hiện chuyến hành trình thí điểm đến Gaza từ đảo Síp gần đó, nhưng chưa rõ khi nào nó sẽ khởi hành.
Cơ quan Y tế Gaza ngày 11/3 cho biết ít nhất 31.112 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bắt đầu, trong đó có 67 thi thể được đưa đến bệnh viện trong 24 giờ qua. Cơ quan này không phân biệt thống kê dân thường và binh sĩ trong báo cáo người chết, nhưng nói rằng phụ nữ và trẻ em chiếm 2/3.
Về phần mình, Israel đổ lỗi cho Hamas về số dân thường thiệt mạng do phiến quân chiến đấu trong các khu dân cư đông đúc. Quân đội Israel nói rằng họ đã tiêu diệt 13.000 chiến binh Hamas.