Thăng trầm 'vị cay' của tiêu

Với hơn 800 ha, hồ tiêu vẫn được xem là một trong những cây trồng chủ lực của nông dân huyện Ðức Linh. Thế nhưng, những năm qua giá tiêu xuống thấp cộng với tình trạng bệnh 'chết nhanh, chết chậm' ở cây tiêu đã khiến nhiều nông hộ trồng tiêu điêu đứng. Ðâu là giải pháp để vượt qua những khó khăn nhưng vẫn giữ được 'hương vị cay' của tiêu không chỉ là trăn trở của người trồng tiêu mà của cả ngành chức năng.

Thăng trầm

Xa rồi “vàng đen”

5 năm trở về trước, khi nhắc đến các xã Đức Hạnh, Đức Tín, Đông Hà, Trà Tân… của huyện Đức Linh người ta thường nhớ ngay đến vùng trồng tiêu nổi tiếng của tỉnh. Thời điểm này, nhờ cây tiêu mà cuộc sống của người dân nơi đây trở nên sung túc, cây tiêu vì thế mà cũng trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Những lão nông trên vùng đất này kể lại, cây tiêu có mặt ở Đức Linh trên 30 năm, do phù hợp với thổ nhưỡng của đất núi, nên tiêu Đức Linh có vị thơm và cay nồng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Đỗ Xanh ở thôn 4, xã Đức Hạnh, bắt đầu trồng tiêu từ năm 1995, ban đầu ông chỉ trồng hơn 2 sào, nay vườn tiêu của gia đình ông lên đến 1 ha. Ông Xanh bồi hồi nhớ lại: “Nhiều năm gắn bó với cây tiêu, gia đình ông từng trải qua những giai đoạn thăng trầm của nó. Từ năm 2016 trở về trước, giá tiêu rất cao, có khi lên đến 220.000 đồng/kg. Năng suất thời điểm đó cũng ổn định, bình quân 4 tấn/ha. Khi ấy chúng tôi gọi cây tiêu là “vàng đen”, nhờ nó mà cuộc sống của gia đình tôi ổn định, 3 người con được học đại học. Các con vừa ra trường thì tiêu cũng rớt giá, rồi xuất hiện bệnh “chết nhanh chết chậm”, giờ làm tiêu điêu đứng lắm”. Có dịp trở lại vùng trồng tiêu của Đức Linh vào cuối vụ thu hoạch, điều dễ nhận thấy là những vườn tiêu xanh tốt một thời nay đã không còn, lác đác chỉ còn vài vườn do người nông dân vẫn bám trụ. “Hơn 90% diện tích của bà con trồng tiêu ở xã Đức Hạnh bị chết do bệnh “chết nhanh chết chậm”. Ai còn yêu nghề, thì sẽ trồng lại và chăm sóc nhưng đa phần bà con bỏ mặc hoặc đầu tư cầm chừng. Ngoài ra thì có không ít hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng”, ông Nguyễn Trọng Linh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hạnh chia sẻ.

Ông Trương Quang Đến – Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đức Linh cho biết: Tiêu là một trong những loại cây trồng khó tính, rất dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là bệnh “chết nhanh, chết chậm”. Những năm trước, huyện có gần 2.000 ha tiêu, thế nhưng đến nay chỉ còn khoảng 800 ha. Ngoài yếu tố do biến đổi khí hậu, mưa, nắng trái mùa, dị thường tác động đến năng suất cây tiêu, còn có yếu tố con người. Giá tiêu giảm sâu, trong khi giá vật tư nông nghiệp, thuê nhân công thu hái, chăm sóc không giảm. Chính điều này đã khiến nông dân thiếu đầu tư chăm sóc và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến năng suất cũng như diện tích của vườn tiêu giảm mạnh.

Vẫn nặng lòng với cây tiêu

Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng tiêu, hiện gia đình ông Đỗ Dương ở xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh, đang có 2 ha tiêu. 3 năm trở lại đây, hộ ông đã chuyển sang trồng tiêu hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới phun tự động nên các vườn tiêu xanh tốt và cho năng suất trung bình từ 3, 5 – 4 tấn/ha. Ông Dương cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, muốn bền vững thì phải sản xuất theo xu thế thị trường. Thị trường thế giới hiện nay luôn có nhu cầu sử dụng tiêu sạch; làm được điều này thì mình không lo đầu ra cho sản phẩm và giá thị trường”.

Cũng là người gắn bó lâu năm với cây tiêu, gia đình ông Nguyễn Nam Sơn ở xã Đông Hà vẫn tiếp tục kiên trì với cây tiêu. Ông Sơn cho biết, sau nhiều năm thay vườn tiêu đã già cỗi thành vườn tiêu mới, vườn tiêu 1,5 ha của gia đình ông đang vào giai đoạn thu hoạch. Mặt khác, để lấy ngắn nuôi dài, ông trồng xen kẽ các loại cây ăn trái như thơm, chuối, mãng cầu, bưởi… mỗi tháng cũng mang về cho gia đình khoảng trên dưới 10 triệu đồng.

“Dù cây tiêu không còn được giá như trước nhưng chúng tôi cũng không muốn chuyển đổi sang cây khác vì đã gắn bó với cây tiêu từ nhiều năm nay, đã hiểu và biết cách chăm sóc” - ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đức Linh: Những nông hộ đang giữ cây tiêu là những người đã có nhiều năm gắn bó cũng như kinh nghiệm trong việc chăm sóc, trồng tiêu. Do đó họ luôn hy vọng giá thành cây tiêu sẽ quay trở lại, hiện nay giá tiêu đang nằm ở mức 70.000 đồng/kg, so với những loại cây trồng khác, hiệu quả cây tiêu mang lại vẫn cao. Trên cơ sở định hướng của ngành nông nghiệp, thời gian gần đây, nhiều nông hộ ở Đức Linh đã chuyển sang tái canh vườn tiêu theo hướng an toàn sinh học. Cây hồ tiêu được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, nhờ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh nên vườn tiêu luôn xanh tốt, cho năng suất ổn định…

Thanh Nhàn

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/thang-tram-vi-cay-cua-tieu-135784.html