Tháng Tư hướng đến tương lai
Những ngày tháng Tư lịch sử, trên khắp nẻo đường của mảnh đất Quảng Trị, từ làng quê đến phố phường, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng vàng rực rỡ. Nhiều du khách đến với Quảng Trị đều có chung cảm nhận một Quảng Trị đoàn kết, khát vọng vươn lên thu được nhiều thành tựu quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để hướng đến tương lai tốt đẹp.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải là biểu tượng của khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước - Ảnh: KHÁNH HƯNG
Hòa trong sắc cờ đỏ thắm là màu xanh quân phục của những cựu chiến binh khắp cả nước về thăm lại chiến trường xưa, nơi họ dành trọn cả tuổi xuân chiến đấu vì độc lập của dân tộc để non sông thu về một mối; thăm nơi nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại, máu xương hòa vào đất đai, núi sông Quảng Trị.
Chúng tôi được gặp đoàn 20 cựu chiến binh của tỉnh Hải Dương về thăm Quảng Trị. Các chú, các bác là những người lính từng tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Tuổi đã ngoài 70 nhưng chất lính can trường dường như vẫn nguyên vẹn trong mỗi cựu chiến binh. Khi đứng bên nhau tại nơi họ từng chung chiến hào, chung lý tưởng, các cựu chiến binh như sống lại một thời hào hùng, oanh liệt của mình.
“Tôi nguyên là lính Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 325 của Quân đoàn 2, tham gia trực tiếp giữ Thành Cổ Quảng Trị. Khi vào Quảng Trị chiến đấu tôi mới 17 tuổi, đang học cấp 3. Đơn vị tôi có rất nhiều đồng chí là sinh viên đại học đang học năm thứ nhất, thứ hai, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xếp bút nghiên lên đường vào Nam chiến đấu. Dẫu biết chiến trường bom đạn ác liệt, nhưng chúng tôi không thể ngồi yên khi đất nước còn bóng quân thù”, ông Trần Văn Quảng, một cựu chiến binh trong đoàn kể.
Không ít người trong đoàn cựu chiến binh này đã nhiều lần trở về thăm lại chiến trường xưa, nhưng vẫn bùi ngùi xúc động: “Chiến tranh quá ác liệt, Thành Cổ Quảng Trị bị bom đạn tàn phá, san phẳng, nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi mảnh đất này. Chúng tôi may mắn được sống sót, trở về với quê hương, gia đình. Đứng trên mảnh đất Quảng Trị hôm nay, nhìn thị xã đang vươn mình hồi sinh sau đổ nát của chiến tranh, trong lòng những người lính già trào dâng niềm tự hào khôn xiết.
Chúng tôi trở về đây không chỉ cho riêng mình mà còn mang theo cả niềm mong mỏi của những đồng đội đã hy sinh để giành lấy hòa bình cho đất nước. Chứng kiến sự đổi mới, phát triển của Quảng Trị sau 50 năm đất nước thống nhất, chúng tôi rất tự hào”, cựu chiến binh Vũ Kỳ chia sẻ. Sau khi dâng hương ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đoàn tham gia giao lưu với các nữ du kích địa phương, những người đã từng kề vai, sát cánh với các chú, các bác trong chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Buổi giao lưu tràn đầy cảm xúc, những câu chuyện về chiến tranh cứ nối tiếp nhau xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc và bùi ngùi.
Đa số người dân Quảng Trị, dù ở nơi đâu đều chung sức, đồng lòng phụng sự Tổ quốc. Trong đó có không ít người con của những người lính chế độ miền Nam cũ được Đảng, Nhà nước trọng dụng, giữ các vị trí quan trọng ở các cơ quan, đơn vị, họ luôn tự hào được cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình để góp sức xây dựng quê hương.
Ông Lê Thanh Ngạnh, năm nay 73 tuổi, ở thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng nhớ lại những ngày đau thương của quê hương, đất nước, mẹ ông đau như đứt từng khúc ruột khi ông bị chính quyền Sài Gòn bắt lính vào năm 1972. Trong lúc đó cả gia đình ông đều theo cách mạng. Bố ông là liệt sĩ, mẹ là thương binh, anh trai bị chính quyền Sài Gòn bắt giam tù ở Côn Đảo, em trai đi bộ đội.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhờ sự yêu thương, chia sẻ và thấu hiểu của quê hương đã giúp ông Ngạnh sớm thành người tiến bộ, được kết nạp vào Đảng. Các con của ông hôm nay đã trưởng thành. Người con trai lớn đang là giám đốc một đơn vị của nhà nước, người con gái tốt nghiệp đại học, đang kinh doanh, các người con của ông đều có cuộc sống hạnh phúc.
50 năm đất nước thống nhất, hòa bình, trong sâu thẳm tâm hồn của những người con đất Việt, họ đều chung dòng máu Lạc Hồng, mang trong lòng tình yêu quê hương và cùng chung khát vọng hòa bình.
Đó là những động lực to lớn tạo nên sức mạnh đoàn kết, góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị, đất nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng. Đó cũng là ước nguyện chung không chỉ riêng của Quảng Trị mà còn của cả đất nước hôm nay.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thang-tu-huong-den-tuong-lai-193308.htm