Tháng Tư thức tỉnh giữa đại dịch COVID-19
COVID-19 như gáo nước lạnh thức tỉnh toàn cầu, những tổn thất nhân mạng, khiến cho chúng ta luôn thấy cái chết cận kề.
Đột nhiên một vòng tay ôm yêu thương, một nụ hôn khát khao, bỗng trở nên xa vời vợi. Tất cả đổi thay, chúng ta không còn được giao lưu gặp gỡ, không còn được thăm hỏi người thân, cha mẹ thường ngày, không được đưa tiễn người thân về nơi an nghỉ cuối cùng.
Những ngày tháng cách ly trở thành yêu thương dành tặng cho gia đình và cộng đồng. Rồi chúng ta đều nhận ra rằng tiền tài, địa vị, danh vọng và cả sắc đẹp đều trở nên vô nghĩa khi mà sự sống không thoát khỏi dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra. Tháng Tư về trong lo lắng bất an nhưng vẫn chứa đầy niềm hi vọng mãnh liệt của sinh tồn. Nắng như nàng tiên lén Ngọc hoàng vén bức màn trời, ngó trộm xuống dương gian, vẩy chiếc đũa thần tạo ra ánh nắng dịu hiền, trang hoàng khắp nơi màu của khát vọng, màu của sự sống mới. Một sự luân chuyển nối mùa rất đặc biệt và dị ảo trong tháng Tư.
Tháng Tư ở châu Âu ngày dài hơn, trận tuyết cuối Đông như báo hiệu một mùa Hè đến sớm. Nắng mới làm cho con người thanh thoát, khoan khoái hơn vì trút bỏ được lớp áo khoác dầy nặng trĩu đôi vai suốt cả mùa đông. Nắng mới làm cho tất cả chúng ta phấn chấn hơn sau những chuỗi ngày giam chân luẩn quẩn ở trong nhà thực hiện giãn cách xã hội. Nhưng nắng mới sẽ ẩn tàng hiểm họa nếu tất cả chúng ta chủ quan cho rằng nhiệt độ tăng sẽ giảm lây lan dịch đang hoành hành rất khốc liệt trên các châu lục.
Virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán đến nay đã hơn 4 tháng. Sự lây lan lên đến đỉnh điểm khiến số người chết tại nhiều quốc gia vượt mọi sự tưởng tượng. Sau những diễn biến về dịch bệnh, toàn bộ thế giới đều đẩy cao tinh thần phòng chống COVID-19. Các chính phủ đề cao khuyến cáo người dân hãy ở trong nhà, thậm chí còn dùng những hình phạt mạnh tay với những người ra đường không chính đáng, cùng với số lượng thực phẩm cung cấp ra thị trường đủ để dự trữ dài ngày. Tất cả các quốc gia đều có một mối lo chung, rằng ngay lúc này chúng ta không thể ngăn chặn được dịch bùng phát, thì hãy cố gắng làm cho sự lây lan thật chậm lại.
Ánh nắng ma mị làm người dân không e dè sợ sệt COVID-19 như một tháng trước đây. Ở nước Đức, thủ đô Berlin tôi đang sống, người dân từ già đến trẻ lao hết ra đường, ra công viên tụ tập, họ trải khăn nằm tắm nắng, họ chơi thể thao, dường như họ đang thách thức dịch bệnh một cách hết sức liều lĩnh. Ngay trước cửa nhà tôi, chẳng cần phải đợi đến cuối tuần, luôn có một tốp người đứng, tụ tập nói chuyện và uống bia như bình thường. Xa xa hơn chút nữa, người lớn, nhỏ, già, trẻ xếp hàng mua kem tươi, đều không khẩu trang và không tuân thủ giữ khoảng cách tối thiểu 2m như chính phủ khuyến cáo.
Tôi lại thấy mối hiểm họa ẩn tàng trong ánh nắng đẹp đẽ kia. Con người chúng ta thật mâu thuẫn và càng ngày càng mẫn cảm, không thể phân biệt được mối hiểm họa một cách rõ ràng? Không ai biết được điều gì chắc chắn sẽ xảy ra tiếp theo. Sẽ còn bao nhiêu người bị nhiễm và chết bởi COVID-19? Chúng ta ngủ thiếp đi trong một quỹ đạo tuần hoàn của con người và thức dậy ở một thế giới hoàn toàn khác. Cấu trúc toàn cầu đang bị đảo lộn mà chúng ta chưa chịu hiểu.
COVID-19 ập đến. Một Disney như mất hết ma thuật, một nước Pháp không còn lãng mạn bay bổng như vốn có. Một nước Mỹ hùng mạnh dường như đã mất đi sự ngạo mạn. Một Italy thống trị ý trí tuyệt đối vào tâm linh bị thất thủ trong hoảng loạn tang thương. Một nước Anh đã không còn bất khuất như lúc quyết định tách rời khỏi khối Liên minh châu Âu. Một nước Đức gan lì như cỗ xe tăng cũng bị đứt xích. Một Mecca lãnh địa bí ẩn của lục địa già khiến cho Tây Ban Nha hoang tàn đến tiêu điều. Một Vạn Lý Trường Thành đã không còn kiên cố, hùng vĩ như vốn có của nó. Tất cả bỗng đổi thay, một nụ hôn khát khao bỗng thành xa xỉ…
Đến lúc thiên nhiên muốn cảnh báo cho loài người một thông điệp. Chúng ta vẫn cho rằng, con người là chúa tể muôn loài? Vậy mà chúng ta đang bị con virus Corona siêu nhỏ bé giam cầm, bức hại. Đất, nước, gió, không khí và bầu trời vẫn luôn tồn tại và vận hành luân chuyển, con người chỉ như những vị khách của mặt đất mang lòng tham và ích kỷ khai thác thiên nhiên kiệt quệ. Thông điệp cảnh báo cho mỗi cá nhân trên hành tinh này cần phải tái tạo cấu trúc cả về tư duy.
Bài học về COVID-19 cho chúng ta biết sâu hơn về tinh thần ý thức cộng đồng và cả sự tự giác của mỗi cá nhân. Bài học về COVID-19 khiến chúng ta phải suy ngẫm đa chiều về tập thể và tính độc lập của mỗi quốc gia. Tôi tin rằng bài học về COVID-19 sẽ là điềm trăn trở cho các chính phủ tìm ra chính sách an sinh tốt hơn cho đất nước mình.
COVID-19 như gáo nước lạnh thức tỉnh toàn cầu, những tổn thất nhân mạng, khiến cho chúng ta luôn thấy cái chết cận kề. Những tổn thất về kinh tế, kể cả những doanh nghiệp có hệ thống vững chắc nhất cũng khó tránh khỏi lao đao và xáo trộn. Bài học thấm đẫm nhân sinh và quyền lợi con người, lay động tâm can không riêng một cá nhân, một gia đình mà cả một xã hội đẩy cao ý thức trải nghiệm của người và vật chất.
Điều tôi an tâm lúc này là ở trong nhà và yên lặng cầu nguyện, tôi tin rằng mỗi chúng ta đều có những tần số giao cảm để chạm vào sự rung cảm, khi chúng ta đều hướng về bầu khí quyển đang bị chính chúng ta làm thương tổn. Hãy lặng yên cùng nhau cầu nguyện cho một thế giới phẳng, một thế giới bình yên gắn kết bằng tình người. Chỉ có sức mạnh tập thể, chỉ có những cái chung lớn lao mới tồn tại trong cấu trúc mới. Chỉ có sự đồng lòng mới làm nên một xã hội văn minh để tái tạo an sinh tốt nhất cho tất cả chúng ta trên địa cầu này.
Chưa bao giờ con người trên toàn thế giới lại cùng ý niệm lo lắng, kỳ vọng diễn biến từng ngày, từng giờ đặc biệt như trong tháng Tư mùa dịch bệnh năm nay. Tôi gọi là mùa cầu nguyện, mùa thức tỉnh, mùa tái tạo sự sống của tất cả chúng ta.