Tháng Tư trên những miền đất anh hùng

Tháng Tư mùa nắng, hoa pơ lang đẹp nhất rừng nở rộ gọi từng đàn chim ch'rao sải cánh bay về. Con đường đất đỏ lượn vòng cao nguyên đưa chúng tôi trở lại những chiến khu xưa để sống lại ký ức hào hùng cách đây nửa thế kỷ và chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu trên vùng đất Nam Tây Nguyên.

Vang mãi những chiến công

Đã lâu mới có dịp trở lại Đồng Nai Thượng, vùng đất anh hùng phía thượng nguồn sông Đồng Nai. Qua những buôn làng Bù Sa, Đạ Cọ, Bi Nao, Bê Đê, Bù Gia Rá, ở đâu chúng tôi cũng gặp những gương mặt rạng rỡ, hồng lên cùng với màu cờ đỏ tung bay khắp mọi nẻo đường. Trong những ngôi nhà mới khang trang, rộn ràng câu hát yal yau, tăm pớt hòa cùng tiếng chiêng trầm bổng. Năm nào cũng thế, cứ vào độ tháng Tư, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Đồng Nai Thượng, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đều tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chào mừng ngày giải phóng quê hương, hướng tới chào mừng Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bên bếp lửa bập bùng và ché rượu cần vơi lại đầy, các già làng lại kể khan cho lũ làng nghe nguồn cội tổ tiên, huyền thoại của vùng đất Cát Tiên và những năm tháng hào hùng đánh Mỹ.

 Sản xuất hồng treo gió mang lại giá trị kinh tế cao tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt (Lâm Đồng)

Sản xuất hồng treo gió mang lại giá trị kinh tế cao tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt (Lâm Đồng)

Bà Điểu Thị Lôi, người được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 2, đại biểu Quốc hội khóa VI, kể lại, cuối những năm 60 của thế kỷ trước, vùng này là địa bàn đứng chân và hoạt động của Khu ủy Khu VI nên giặc ráo riết tổ chức càn quét, tìm diệt. Chúng lập sân bay dã chiến ngay giữa rừng Bù Sa Lu Xiên, dùng trực thăng vận mang khí tài, chiến xa lên đây để đánh phá căn cứ, lùng bắt cán bộ và cắt đứt con đường hành lang chiến lược của ta. Ngày ấy, dù chỉ có mấy nóc nhà dài, nhưng đồng bào Mạ, S’Tiêng ở đây quyết một lòng theo Đảng, theo cách mạng, cầm súng chiến đấu bảo vệ buôn làng, bảo vệ cán bộ. “Năm 1967, địch điều lên đây hơn 40 tên lính Mỹ và lính đánh thuê đặt chốt án ngữ ngay trên tuyến hành lang chiến lược. Một đêm, nắm được tin có cán bộ ta vào buôn móc nối với đồng bào, địch cho quân vây ráp với âm mưu thảm sát cả buôn làng. Trước tình hình nguy cấp, đội du kích của buôn đã mai phục đánh chặn. Tôi và bác Điểu Đoi chỉ có 2 khẩu súng trường nhưng vẫn thay nhau nhả đạn và dụ địch sa xuống hầm chông. Trận ấy, chúng tôi diệt được 10 tên địch”, bà Điểu Thị Lôi tự hào nhớ lại.

Từ bờ sông Đồng Nai, vượt đèo Con Ó, theo đường ĐT725, chúng tôi lên với xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Đối với các thế hệ cha anh đã từng sống, chiến đấu trên vùng Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có lẽ những địa danh, căn cứ, mật khu như: Đèo B40, K1, hành lang chiến lược Bắc-Nam; phong trào Mộ Cọ, đơn vị nữ pháo binh 8-3... đã trở nên quen thuộc, là niềm tự hào về một vùng đất anh hùng. Sau nửa thế kỷ, thung lũng Lộc Bắc giữa đại ngàn chưa phai mờ những chiến công, tiêu biểu như trận đánh ngày 7-7-1970 của tổ du kích 3 người do đồng chí K’Vét chỉ huy đã bắn rơi chiếc máy bay HU1A, tiêu diệt tên Trung tướng Gióc-giơ Ki-si, Tư lệnh Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ cùng 7 sĩ quan địch. Đó là đêm 27 và ngày 28-3-1975, toàn dân Lộc Bắc ra trận, tham gia chiến đấu, mở đường, chở lương thực, vũ khí, sát cánh cùng các đơn vị bộ đội bất ngờ tấn công mãnh liệt vào các cứ điểm trọng yếu của địch, giải phóng hoàn toàn thị xã B’Lao (nay là TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).

Từ trung tâm TP Đà Lạt xuôi theo Quốc lộ 20, chúng tôi về với xã Xuân Trường (Đà Lạt), một trong những “địa chỉ đỏ” của phong trào cách mạng trên cao nguyên Lang Biang. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Xuân Trường là vùng đất anh hùng và đau thương. Ngày ấy, cả xã chỉ có 3.000 nhân khẩu, nhưng gần một nửa đã thoát ly đi kháng chiến, số ở lại thì tham gia đấu tranh chống sự kìm kẹp của kẻ thù, nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Cho đến ngày 1-4-1975, khi những tên địch cuối cùng bỏ chạy khỏi Xuân Trường thì đã có 156 người con của xã mãi mãi không trở về. Điển hình là gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhứt ở thôn Xuân Sơn, có 6 người con đi kháng chiến thì 5 người hy sinh.

Sáng đẹp những miền quê cách mạng

Ngày trước, ai vượt Đồi Mây lên cổng trời Bù Sa Lu Xiên đều trở thành thượng khách của buôn làng. Từ một “ốc đảo” hoang vu giữa đại ngàn do địa hình hiểm trở, chia cắt, đường sá đi lại khó khăn, những năm gần đây, xã Đồng Nai Thượng đã “lột xác” trở thành miền quê tươi sáng, phát triển năng động. Nhờ tuyến đường từ thị trấn Cát Tiên lên trung tâm xã dài hơn 38km được trải nhựa, đường giao thông liên thôn được bê tông hóa đã góp phần phá thế cô lập, phục vụ đi lại, lưu thông hàng hóa. Từ năm 2020 đến đầu năm 2023, xã đã thực hiện chuyển đổi hơn 100ha vườn điều già cỗi, phát triển vùng trồng sầu riêng gắn với mã vùng cho thu nhập cao, bình quân toàn xã đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm.

Tháng Tư cao nguyên đất trời lộng gió, những con đường mới mở khiến buôn làng xa xôi như gần lại. Trong ngôi nhà dài truyền thống của người Mạ ở thôn 4, xã Lộc Bắc, già làng K’Diệp cho biết, cái đói mùa giáp hạt đã lùi xa trong ký ức. Người dân trên vùng chiến khu xưa giờ không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà còn biết vươn lên làm giàu. Hai năm vừa qua, cà phê và nhiều loại nông sản được mùa, được giá nên nhiều hộ gia đình trong xã xây được biệt thự, sắm ô tô. “Đảng, Nhà nước không chỉ mang cái điện, mở con đường, mang cái chữ mà còn giữ tiếng chiêng, điệu múa, câu hát, phục dựng nhà dài và lễ hội truyền thống để con cháu luôn nhớ và tự hào về nguồn cội”, già làng K’Diệp kể.

Từ miền quê nghèo khó, chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, sau 50 năm kể từ ngày giải phóng, xã Xuân Trường đã vươn mình trở thành miền quê giàu đẹp, một vùng nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Lâm Đồng. Xuân Trường là một trong những xã đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2014 và hiện nay đã cơ bản về đích xã nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo, 80% lao động trong độ tuổi có việc làm; tỷ lệ nhà ở xây dựng đạt chuẩn quy định 100%; 90% đường làng, ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 96% người dân tham gia bảo hiểm y tế... Xuân Trường hôm nay đẹp như một bức tranh, là điểm du lịch nổi tiếng, nhiều hộ thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm nhờ làm nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với kinh doanh du lịch. Truyền thống cách mạng kiên cường và tinh thần đoàn kết, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân chính là động lực để Xuân Trường không ngừng phát triển.

Tháng Tư trên những miền đất gian lao mà anh dũng một thời đang căng tràn nhựa sống. Hội mùa chiến thắng đã bắt đầu. Đi trong thanh âm rộn ràng của “Tình ca Tây Nguyên”, càng thấm thía, tự hào chiến thắng vĩ đại cùng sự đổi thay, phát triển trên vùng đất Nam Tây Nguyên.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thang-tu-tren-nhung-mien-dat-anh-hung-822791