Tháng tư về, tìm lá trung quân

Điều gây ấn tượng với tôi nhất khi đến với vùng núi rừng Đông Giang của huyện Hàm Thuận Bắc, có lẽ là lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy, cầm trên tay chiếc lá trung quân. Bởi đây là một loại lá rừng đã phục vụ lâu dài cho bộ đội, chiến trường trong suốt chặng đường dài kháng chiến.

Hướng về nguồn cội, lịch sử quê nhà, kể từ khi khánh thành từ tháng 2/2023 đến nay, Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận đã đón tiếp hàng trăm đoàn khách về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, sinh hoạt chính trị. Có mặt trong chuyến về nguồn cùng cơ quan về khu căn cứ, tôi đã thật sự xúc động khi nghe các anh chị hướng dẫn viên kể về những trận chiến, nhân vật lịch sử. Anh Võ Cáp – Trưởng Ban quản lý Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận, dẫn chúng tôi chinh phục hàng trăm bậc tam cấp, nghe giới thiệu về từng lán trại là nơi làm việc của các đồng chí cán bộ thời kỳ chống Mỹ.

Lá trung quân hiện có tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận.

Lá trung quân hiện có tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận.

Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy nằm trên vùng đất Đông Giang vẫn còn đó những mảng rừng nguyên sinh, trái cây rừng lấp ló sau tán lá từ trên cao. Quả thực, với thế hệ được sinh ra sau hòa bình như chúng tôi, cái tên “lá trung quân” không còn xa lạ, mà đã được nghe qua từng câu hát cách mạng, là chủ đề, tên gọi của những đợt sinh hoạt của đoàn, đội, mang ý nghĩa giáo dục cách mạng sâu sắc. Nhưng lẽ hiển nhiên, đến nay tôi và nhiều người cùng trang lứa khác mới có dịp biết đến những chiếc lá trung quân ngoài đời thực, ngay tại khu căn cứ ở mảnh đất anh hùng Hàm Thuận Bắc.

Lá trung quân.

Lá trung quân.

Hôm ấy, đoàn tham quan, về nguồn của chúng tôi gặp gỡ các cô chú là cựu chiến binh của huyện nhà. Khi nhắc đến lá trung quân, ông Lương Minh Thâm, xã Hàm Liêm đã cho chúng tôi nghe về tác dụng của lá trung quân trong kháng chiến. Ông Thâm kể, ông đi bộ đội từ năm 1971 ở Huyện đội Hàm Thuận. Đa số lán trại thời đó đều sử dụng lá trung quân vì đặc điểm nổi bật là không cháy, không khói.

Ông Thâm cho biết, để lợp được 1 căn chòi bằng lá trung quân, cần khoảng 3 người làm trong khoảng 3 ngày là xong. Còn với ông Võ Thành Dinh, thôn 4, xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc (Hội Cựu tù chính trị huyện Hàm Thuận Bắc) chia sẻ: Lá trung quân là một loại cây rừng, có nhiều ở Trung ương cục miền Nam. Riêng Bình Thuận, loại lá này trước đây có nhiều ở vùng rừng sâu xã Đông Giang, Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc). Những năm kháng chiến, lá trung quân được bộ đội chọn lợp lán trại, 3 đến 4 năm mới hư mục. Người cựu binh Võ Thành Dinh chia sẻ thêm: Ngày nay, dù lá trung quân hầu như không còn được tận dụng lợp nhà, lán trại nữa, nhưng tên gọi này có ý nghĩa to lớn để giáo dục thế hệ trẻ không quên về một thời kỳ kháng chiến anh dũng của các thế hệ đi trước. Bởi loại cây rừng này đã từng gắn bó, chở che cho bộ đội suốt những tháng ngày gian khổ. Vì vậy ông Dinh mong muốn rằng, ở Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, các lều lán, khu làm việc của cán bộ sẽ được phục dựng, lợp bằng lá trung quân. Qua đó, sẽ càng tô đậm thêm giá trị lịch sử và ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ mỗi khi đến thăm nơi này…

Tháng tư lịch sử, câu chuyện về chiếc lá trung quân, từ trong sách vở đến đời thực, vẫn khiến tôi xúc động, tự hào!

Ở một số nơi của Việt Nam, lá cây trung quân được đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng lớp mái chống mưa nắng. Lá trung quân dài chừng 40 - 45 cm, rộng 5 - 6 cm, hình dáng và kích thước gần giống lá cây ngọc lan. Lá được hái về chằm thành tấm tranh dài hơn 2m, ép các tấm tranh qua một, hai đêm cho phẳng rồi lợp. Sau khoảng nửa tháng, lá trung quân khô chuyển màu nâu sáng, giống như màu ngói mới lợp.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thang-tu-ve-tim-la-trung-quan-108556.html