Thanh Ba: Cần làm rõ việc chính quyền xã ngăn chặn không cho máy gặt... xuống đồng!

PTĐT - Trên mạng xã hội vừa qua đã chia sẻ một đoạn clip (phát trực tiếp) quay lại cảnh chính quyền xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba ngăn cản một chủ máy gặt đưa máy xuống thu hoạch cho người dân. Đoạn clip đã thu hút nhiều lượt chia sẻ, bình luận trái chiều với nhiều thông tin không đúng.

Theo nội dung đoạn clip đăng tải trên tài khoản Facebook có tên Hán Lương Thiện ngày 17/5, khi đang điều khiển máy gặt vào thu hoạch lúa thì bị một người thuộc Ban điều hành Hợp tác xã (HTX) Đỗ Sơn cùng công an viên ngăn cản, yêu cầu chủ máy gặt về trụ sở làm việc. Tuy nhiên, chủ máy gặt này đã phản đối và có những lời lẽ không chuẩn mực vì cho rằng đã có thỏa thuận với từng chủ ruộng, không có nghĩa vụ phải làm việc và ký hợp đồng với Ban điều hành HTX Đỗ Sơn.

Ông Hùng, chủ máy gặt cho biết: “Việc thu tiền này là quá vô lý. Năm trước, tôi phải đóng 5 triệu đồng/2 máy với thỏa thuận là sẽ được gặt 50 mẫu, tuy nhiên thực tế, tôi chỉ được gặt hơn 10 mẫu. Tính ra, mỗi máy tôi chỉ thu được hơn 10 triệu đồng, nhưng đã phải nộp cho xã 2,5 triệu đồng. Hơn 10 máy, số tiền mà xã thu được lên đến hàng chục triệu đồng mà không biết họ chi vào việc gì. Do đó năm nay tôi quyết định sẽ không đóng tiền cho xã”.

Trao đổi với PV, ông Phạm Công Định, Phó chủ tịch UBND xã Đỗ Sơn cho biết: “Do không có sự ràng buộc trách nhiệm trong quản lý máy gặt, nhiều vụ việc ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn đã xảy ra. Năm 2019, tại Đại hội xã viên đã thống nhất thành lập Ban điều hành sản xuất ở các thôn để quản lý máy cày, máy gặt trên địa bàn. Ngoài ra, việc thành lập Ban điều hành cũng để khống chế giá máy gặt ở mức 150.000đ/sào cho ruộng dễ gặt và tối đa không quá 170.000đ/sào cho ruộng đổ (khó gặt). Ở các vụ mùa trước do không có giá sàn chung nên các chủ đầu máy mặc nhiên ép giá người dân với giá dao động từ 170.000 đồng - 190.000 đồng/sào. Cá biệt có chủ hộ phải chịu mức giá là 210.000 đồng/sào”.

Cũng theo ông Định, năm 2019, HTX dịch vụ nay là Ban điều hành đã vận động các chủ đầu máy đóng góp một khoản kinh phí nhất định là 2.500.000 đồng/máy/vụ dành cho việc tu sửa đường sá, kênh mương cho người dân. Việc đóng góp này do Ban điều hành trực tiếp thu và có biên nhận, thỏa thuận rõ ràng với từng chủ máy. Hàng năm sẽ có báo cáo thu chi của khoản đóng góp trên và được thông báo với người dân tại đại hội xã viên.Vậy nên không có chuyện chính quyền xã và ban điều hành ngăn cấm chủ đầu máy cho máy xuống ruộng mà vẫn tiếp tục cho máy làm nốt phần ruộng đã thỏa thuận. Nhưng chủ đầu máy phải có trách nhiệm giữ gìn hệ thống kênh, mương và sẽ có lực lượng bảo vệ giám sát, nếu làm sai sẽ phải đền bù.Ông Hà Đào Quang – Trưởng Ban điều hành sản xuất thôn Đỗ Sơn cho biết: Khác với năm ngoái, năm nay Ban điều hành đã thống nhất tiền cọc với các máy gặt và làm biên bản với các nội dung cụ thể như: yêu cầu máy gặt phải thực hiện theo chỉ đạo của Ban điều hành, thu tiền theo quy định với mức giá 150 nghìn/sào lúa đứng và không quá 170 nghìn/sào lúa đổ… Trong khi thu hoạch, chủ máy gặt làm ảnh hướng đến đường, kênh mương nội đồng, hệ thống cống thì phải có trách nhiệm sửa chữa lại như cũ và đặt cọc số tiền là 1 triệu đồng/1 máy gặt. Nếu không vi phạm những nội dung trên thì Ban điều hành sẽ thanh toán lại tiền đã đặt cọc.Theo phản ánh của người dân, việc Ban điều hành vận động các đầu máy đóng góp kinh phí là có thật và nhận được sự ủng hộ cao của người dân cũng như các đầu máy. Tuy nhiên khoản đóng góp chính xác là bao nhiêu thì chưa có sự rõ ràng. Chị Tô Thị Trận (thôn Phương Nhuế, xã Đỗ Sơn) cho biết, chúng tôi đã làm hợp đồng với xã và đã có biên bản thỏa thuận với ban điều hành. Năm nay, để cả bừa và gặt khu vực này, tôi đã phải đóng số tiền là 6.500.000/1 vụ?!Trở lại sự việc đoạn video clip được đăng tải trên mạng xã hội facebook, theo tìm hiểu của phóng viên, ông Hán Lương Thiện và ông Hùng, thôn Đỗ Sơn là người làm dịch vụ máy gặt duy nhất tại Đỗ Sơn không ủng hộ chủ trương thu tiền của xã, không tham gia họp, ký cam kết và nộp tiền làm dịch vụ máy gặt. Sự việc được đẩy lên cao khi ông Thiện tự ý điều máy gặt vào địa bàn đã được xã chỉ định công khai cho người khác, khi lực lượng chức năng xuống can thiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho các chủ máy gặt khác, ông Thiện đã nhờ người khác quay và phát tán đoạn video clip trên nhằm lợi dụng dư luận mạng xã hội để thực hiện ý đồ cá nhân.Câu chuyện quanh chiếc máy gặt không mới, nhưng làm sao để quản lý hoạt động máy gặt một cách khoa học, công khai, dân chủ, nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể nhân dân chắc chắn sẽ là bài toán cần phải được hóa giải để áp dụng với không chỉ Đỗ Sơn mà còn nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Quý – Quốc Hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202005/thanh-ba-can-lam-ro-viec-chinh-quyen-xa-ngan-chan-khong-cho-may-gatxuong-dong-170863