Thành - bại khi K-ICM lại đổi người
K-ICM lại vừa giới thiệu cộng sự Wren Evans với MV 'Fever'. Ca khúc mang màu sắc lạ ở Vpop nhưng lại na ná nhiều thành phẩm quốc tế.
K-ICM là một trong những producer hoạt động sung sức nhất trên thị trường nhạc Việt thời gian qua. Liên tiếp có sản phẩm mới tham gia đường đua Vpop, bất chấp những ồn ào và bỏ qua cả việc lượt xem/nghe hạn chế.
Sau những sản phẩm liên tiếp với Quang Đông nhưng “dậm chân tại chỗ” và chưa tỏ ra thực sự ăn ý, K-ICM bất ngờ giới thiệu một gương mặt mới vào tối 28/5, thông qua MV Fever. Sau 2 ngày đăng tải, MV có hơn 300.000 lượt xem, được đánh giá là ở mức thấp.
K-ICM thay đổi màu sắc âm nhạc
Điểm ấn tượng nhất ở Fever là khá lâu nhạc Việt mới xuất hiện một ca khúc mang hơi hướm của funky. Với giới quan sát, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy những gương mặt trẻ không bị gò bó hoặc chạy theo sự thịnh hành của pop-ballad.
Ngoài funky, ca khúc cũng mang chất liệu của trap, thuộc một dòng EDM thời thượng. Song, riêng với trap, nhạc Việt thời gian gần đây cũng đã có một số ca sĩ khai thác, mới nhất là Tóc Tiên trong Ngày tận thế cũng để lại nhiều ấn tượng.
Nhạc điện tử thực tế không phải thể loại xa lạ trong chặng đường của K-ICM nhưng với giai điệu của funky, Fever có lẽ là ca khúc đầu tiên do anh làm producer theo đuổi màu sắc âm nhạc này.
Fever khá bắt tai và dễ nghe. K-ICM, tất nhiên vẫn có một lối làm nhạc chỉn chu với những cấu trúc âm thanh rõ ràng, nền giai điệu chắc chắn và sử dụng tốt nhạc cụ. Sự lành nghề này làm nên những đặc trưng của thể loại âm nhạc mà ca khúc hướng tới.
Về mặt phong cách, Fever cho thấy một K-ICM không ngừng vận động, không ngừng chuyển hướng âm nhạc. Từ những bản pop với sự biến báo của nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu… trong cú bắt tay với Jack, K-ICM chuyển sang piano, guitar với Quang Đông và bây giờ tiếp tục là một màu sắc âm nhạc hoàn toàn khác khi hợp tác với Wren Evans.
Nhưng về cá tính âm nhạc, K-ICM không còn là “Khánh rất Việt Nam” như quả quyết của Đạt G trong một cuộc trò chuyện với Zing. K-ICM đang Tây hơn, thời thượng hơn, với chính anh. Nhưng hiệu quả hay không lại là câu chuyện khác.
Như trường hợp của Fever, nếu đặt những chất liệu của trap sang một bên, kiểu funky trong Fever khá cũ. Ca khúc thậm chí na ná nhiều bản nhạc quốc tế từng ra mắt, ở cả giai điệu, cách hòa âm - phối khí của K-ICM lẫn kiểu hát của Wren Evans.
Câu hỏi được đặt ra là khán giả Việt có nhất thiết phải nghe một ca khúc tiếng Anh của nghệ sĩ Việt, với kiểu funky truyền thống, không quá sáng tạo khi mà thị trường US, UK không thiếu những bài hát như vậy, thậm chí “chất” hơn nhiều?
Cộng sự mới có tiềm năng
Khác với cộng sự cũ Quang Đông của K-ICM, Wren Evans là một giọng ca chỉ mới 19 tuổi, có nền tảng kiến thức âm nhạc cổ điển và có thể tự sáng tác những ca khúc cho mình.
Fever là ca khúc do Wren Evans sáng tác và thể hiện. Toàn bộ phần lời của ca khúc là tiếng Anh, không có bản tiếng Việt. Wren Evans chứng tỏ khả năng phát âm Anh ngữ tốt và lối xử lý khá Âu Mỹ.
Nội dung ca từ không tệ với những ẩn dụ về một chàng trai mê đắm một cô gái xinh đẹp: "Red bottoms on you trippin on my system pretty weird / Call my call my number / Kiss your speaker being queer / Do me do me favor, it’s okay if you got more to say / What it do baby you know you got that sauce baby oh" (tạm dịch: Ẩn hiện trong anh, là hình bóng thân yêu của em / Gọi cho anh đi em với nụ hôn đầy những đam mê / Hãy nhấc điện thoại lên, chỉ cần em một lời nói thân yêu / Rót mật vào tai anh, như em từng nói khi xưa).
Nội dung Fever được cho là kể về quá trình của chàng trai do Wren Evans đóng từ khi rơi vào lưới tình với một cô gái, bị mê hoặc đến ám ảnh và cuối cùng phải đầu hàng.
So với những MV vốn rất dễ hiểu của K-ICM trước đây, Fever được cho là gửi gắm nhiều ẩn dụ về hình ảnh. K-ICM thoạt xem chỉ là một bồi bàn. Nhưng thực chất, ê-kíp giải thích đó lại là hiện thân cho lý trí của Wren Evans và kết nối với nam chính bằng hình ảnh trái táo.
Theo đó, khoảnh khắc K-ICM đập vỡ trái táo cũng là lúc Wren Evans bắt đầu không làm chủ được chính mình và để cho nỗi ám ảnh tình yêu chi phối.
Trọng tâm của MV là đấu tranh nội tâm của nhân vật chính và ranh giới mờ ảo giữa hiện thực và tâm trí. Trong cảnh cuối cùng, Wren Evans nằm với nàng thơ của mình giữa những trái táo, tâm trí của anh lúc này, tức K-ICM, đã hoàn toàn ngủ vùi.
Kiểu làm hình ảnh ẩn dụ với những đấu tranh nội tâm như Fever thực chất cũng là sự học hỏi thấy rõ từ các MV Âu - Mỹ. Nhưng, quan trọng, những diễn giải bằng hình ảnh của Fever khá phù hợp và ăn ý với nội dung ca khúc.
Bên cạnh đó, MV cũng có nhiều thú vị trong cách sắp đặt đạo cụ, thiết kế màu sắc, cuốn hút một bộ phận người xem dù chắc chắn chưa đến mức “chếnh choáng như lên cơn sốt, chìm vào cảm xúc điên cuồng và say mê, không phân biệt giữa thực và ảo” như K-ICM chia sẻ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thanh-bai-khi-k-icm-lai-doi-nguoi-post1090291.html