Thành cổ lòng đất chưa nguôi

Tôi vẫn hằng tin những cột mốc thời gian trên đất nước này luôn được mặc định theo một địa danh, và không nhiều địa danh được gắn cùng một cột mốc lịch sử như thế. Ví như lịch sử hiện đại nhắc đến cột mốc 1945, hình ảnh đồng hiện cùng mốc thời gian đó sẽ là Quảng trường Ba Đình lịch sử trong ngày lễ Quốc khánh, nhắc đến 1954 sẽ hiện lên địa danh Điện Biên Phủ và dòng sông Bến Hải, và nhắc đến cột mốc 1972, chắc chắn địa danh đồng hiện sẽ phải là Thành Cổ Quảng Trị.

 Sông Thạch Hãn-miền tưởng niệm - Ảnh: L.Đ.D

Sông Thạch Hãn-miền tưởng niệm - Ảnh: L.Đ.D

Đất vẫn thầm thì lời nhắc…

Mùa hè 1972 đến mùa hè 2022, khoảng cách giữa hai cột mốc ấy là nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ để thị xã Quảng Trị làm một cuộc tái sinh, thị xã mở rộng gấp ngày trước cả chục lần, thêm nhiều những đường phố, những công trình, sự phát triển ấy, có thể thấy ở nhiều nơi, nhiều đô thị , không riêng gì thị xã Quảng Trị. Duy chỉ có một điều mà không nơi đâu có được, đó là cùng với thời gian, sự khốc liệt của cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị ngày càng rõ nét hơn, chi tiết hơn.

Không ở đâu mà chiến tranh càng lùi xa thì ký ức cuộc chiến vẫn cứ ẩn tàng trong lòng đất rồi lặng lẽ hiện ra qua những hài cốt và di vật người lính còn đến hôm nay, sau đúng 50 năm tròn. Và chắc chắn sẽ còn tiếp tục hiện ra như thế thêm nhiều năm sau nữa. Cũng phải thôi, bởi trên dải đất hình chữ S này không có nơi đâu đất được giữ bằng một cái giá đắt như ở đây, trong cái thị xã với diện tích thuở khởi thủy chi vài cây số vuông này.

Trước năm 1972, cả nước Việt Nam chỉ còn lại 2 trấn thành nguyên vẹn chỉn chu nhất là thành Bắc Ninh và thành Quảng Trị lưu dấu tích của một thời quân chủ phong kiến. Thành Cổ Quảng Trị bấy giờ nằm trong thị xã Quảng Trị, một thị xã dịu dàng nép mình bên dòng sông Thạch Hãn hiền thương, những con phố nhỏ rợp màu phượng đỏ, một ngôi trường trung học Nguyễn Hoàng nổi tiếng với bao trò giỏi thành danh... Không ai có thể hình dung cái thị xã hiền hòa và thơ mộng như một bài thơ Đường, có thành cổ rêu phong đượm màu hoài niệm ấy lại là nơi lịch sử chọn làm cuộc đối đầu.

Báo chí phương Tây những ngày mùa hạ 1972 ấy đã bình luận: “Số bom Mỹ ném xuống Thành Cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm chiến sự tương đương với sức nổ của 7 quả bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima hồi Thế chiến thứ hai”. Cả thị xã chỉ còn lại ngôi trường Bồ Đề loang lổ những vết đạn, sập mái, trơ những dầm sắt, nửa thế kỷ qua rồi vẫn sừng sững bên đường Trần Hưng Đạo như một chứng nhân của sự tàn phá thảm khốc.

Đấy là những điều con người có thể nhìn thấy được nhưng không ai có thể thấy được dưới lòng đất này, dưới nền đường này, dưới lối đi quen thuộc này có rất nhiều hài cốt của các liệt sĩ. Nhiều đến mức, ngày giải phóng, những người dân trở về phố cũ, đào lỗ chân cột dựng nhà, bới đất đắp nền nhà, đào giếng... đều gặp phải hài cốt các anh, nhiều đến mức không có nhà nào trong Thành Cổ Quảng Trị này lại không lập một cái trang thờ các anh trong vườn nhà mình. Và cứ mỗi lần đào móng nhà, khấn vái những anh linh sống khôn thác thiêng có ở đâu dưới nền thì cho gặp để đưa rước về nghĩa trang.

Và như một thông lệ, hầu như chủ nhà nào cũng chuẩn bị vài cổ tiểu sành phòng xa trong nhà. Gần mười năm làm cư dân thị xã, tôi đã chứng kiến hàng chục lần cảnh bà con đào móng, đào giếng gặp các anh, khẩu AK vẫn nằm bên mình chung thủy, đôi giày vải nguyên cặp đế cao su, bi đông nhôm và chiếc bật lửa làm bằng vỏ đạn, cả chiếc lược làm bằng nhôm máy bay và chiếc xâu dép cao su trong túi áo ngực...

Tưởng niệm của đá

Bây giờ vào khuôn viên khu di tích Thành Cổ tôi vẫn ấn tượng với bức tượng “Mẹ” của Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng sáng tác khi Trại điêu khắc Thành Cổ được mở dạo hè năm 2016.

Hơn năm mươi năm trước, từ Thành Cổ Quảng Trị này, nhặt nhạnh gom góp xương xóc thịt da của nạn nhân chiến cuộc, chàng trai 28 tuổi Phạm Văn Hạng đã làm nên tác phẩm “Chứng tích” từ những xương người và thịt người nát tan giữa bom đạn chiến tranh làm một cú “địa chấn” tại triển lãm giữa Sài Gòn vào năm 1970. Báo chí miền Nam bấy giờ đã viết về tác phẩm của Phạm Văn Hạng như là một tiếng nói tố cáo sự ghê rợn và phi nghĩa của chiến tranh. Tác phẩm bị cấm nhưng sự vang động của nó đã bay ra thế giới.

Dài theo con đường lao động nghệ thuật mà ông theo đuổi với tất cả niềm đam mê và sự hành xác, Phạm Văn Hạng đã nhiều lần về lại Quảng Trị, để lại dấu ấn nghệ thuật của mình trên đất này như cụm tượng đài ở di tích Nhà đày Lao Bảo, tượng đài những trái tim người lính trung đội Mai Quốc Ca với hình tượng những giọt máu - trái tim treo trên vai thép phía đầu cầu bờ Bắc sông Thạch Hãn…Nhưng lần này, ở trại điêu khắc “Thành Cổ Quảng Trị- hồi sinh và bất tử”, tác phẩm mà Phạm Văn Hạng gửi gắm mọc lên giữa cỏ non Thành Cổ là bức tượng có tên “Mẹ”.

Ông bảo tên ban đầu là “Mẹ xin”, nhưng rồi cuối cùng chỉ giữ lại một từ: “Mẹ”. Một bà mẹ Việt ôm chéo khăn trên đôi tay gầy đang đi giữa ngổn ngang gạch đá thành xưa để xin nhúm xương cốt con cái mình còn sót lại sau ngót nửa thế kỷ bầu trời im tiếng súng.

Người mẹ Việt nào đi qua chiến tranh lại không khắc khoải mong ngóng đứa con mình về, dù chỉ về trong nhúm tro xương lẫn cùng cát bụi. Tôi nhìn bức tượng của Phạm Văn Hạng và nghe trên đôi tay người mẹ ấy, trong chiếc khăn nâng niu xương cốt ấy rơi ra những âm vọng đẫm buồn của Trịnh Công Sơn: “khi đất nước tôi không còn chiến tranh/ mẹ già lên núi tìm xương con mình..”. Làm sao mà diễn đạt hết nỗi đớn đau của hàng bao nhiêu bà mẹ Việt đã khắc khoải và ngậm ngùi về đàn con nằm lại đâu đó nơi cuối bể đầu non?

Ngay trong những ngày diễn ra trại điêu khắc, khi đào hai mươi hai hố móng để dựng bệ đặt tượng trong khuôn viên Thành Cổ, những người thợ đào móng đã phát hiện thêm một bộ hài cốt liệt sĩ nữa dưới hố móng. Những hài cốt các anh cứ thế, dần hiện lên với thời gian, đau đáu và nhắc nhớ.

Hai chiều quên nhớ

Vậy mà thị xã này đã từng có lúc bị lãng quên. Sách vở đã nói nhiều về 81 ngày đêm mùa hè năm 1972, chỉ có điều ít ai biết về sự lãng quên với thị xã này suốt gần 20 năm sau đó. “Ngay sau ngày chiến thắng, tất cả những nhà báo, những ống kính camera đều đã đổ xô về những thành phố mới giải phóng dọc theo chiến dịch Hồ Chí Minh, và rồi những công cuộc lớn lao nóng bỏng khác của cả nước, đến khi người ta quay trở lại thì nó đã trở thành một thị trấn nhỏ nhoi bị vùi trong cỏ dại...”.

Một người con Quảng Trị đã cảm khái như thế khi ông quay lại Thành Cổ vào một ngày của hơn 30 năm trước. Cũng ít ai biết đã có những năm tháng cái tên thị xã Quảng Trị này cũng bị mất, thay thế bằng cái tên là xã Hải Trí thuộc huyện Triệu Hải, xe đò đề Hải Trí-Huế, Hải TríĐông Hà,..Thị xã mất tên còn Thành Cổ bị người ta cất mất dấu để gọi tên ngậm ngùi là Thành ...cỏ. Cho đến tháng 9 năm 1989, sau bao nhiêu lần đề đạt kiến nghị, thị xã Quảng Trị được lập lại.Đó là cuộc phục sinh từ cỏ dại và gạch vỡ. Và cũng từ đó thị xã này gánh vác sứ mệnh trở thành một miền tưởng vọng những hy sinh.

Con người có thể lãng quên, nhưng cỏ lau ở đây thì còn nhớ, cỏ lau đi vào trang sách của nhà văn Nguyễn Minh Châu, cỏ lau trở thành những thước phim bi tráng của đạo diễn Vương Đức. Ngày Thương binh -Liệt sĩ 27/7 năm 1994, đạo diễn Vương Đức đã làm một việc đầy ý nghĩa, anh đã tự tay mang Cỏ lau từ Hà Nội vào chiếu ở rạp chiếu bóng Thành Cổ như một niềm tri ân của những người làm nghệ thuật. Đạo diễn Vương Đức lúc vào đây đã bảo chưa thấy đâu cỏ lau lại trắng như ở Quảng Trị, cho dù đó là Hòa Bình - nơi dự tính làm “phim trường” cho Cỏ Lau.

Rồi cũng đến một ngày mọi người chợt nhớ ra, rằng đã từng có một Thành Cổ Quảng Trị của 81 ngày đêm làm nên một phần lịch sử. Như nước Anh có Coventry, nước Ý có Bologne, Việt Nam có Thành Cổ Quảng Trị, cái thị xã bé nhỏ ấy đã mang vác cái sứ mệnh mà như một nhà văn lớn đã nói “QuảngTrị sừng sững một thành phố tuẫn đạo của thế giới”.

Nhiều người về Thành Cổ vẫn nói màu hoa phượng ở đây đỏ hơn các nơi khác, có lẽ do nắng gắt. Nhưng có lẽ có một lý do khác là máu đã đổ xuống đây rất nhiều nên màu đỏ của hoa phượng mùa hè luôn rực lên chói chang như một sự tưởng niệm của màu sắc và cây cỏ.

Và cũng nhờ có mùa hè 1972 ở Quảng Trị với hàng nghìn người lính nằm xuống với Thành Cổ để 3 năm sau, xương máu họ góp vào mùa hè 1975 cho đất nước Việt Nam có ngày thống nhất, có ai đó còn chưa biết rằng “những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh”.

Bút ký: Lê Đức Dục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=166748&title=thanh-co-long-dat-chua-nguoi