Thành công của chuyển đổi số phải gắn với sự thuận tiện, hài lòng của người dân

Chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền hai cấp không chỉ là câu chuyện công nghệ, mà phải gắn với sự thuận tiện, hài lòng thực chất của người dân.

Sáng 24/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối sống còn giữa hai cấp chính quyền địa phương".

Các khách mời tham dự Tọa đàm. Ảnh: VGP.

Các khách mời tham dự Tọa đàm. Ảnh: VGP.

Hệ thống thông tin cơ bản vận hành ổn định

Đánh giá bước đầu triển khai chuyển đổi số tại các địa phương, đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, từ ngày 1/7, 34 tỉnh, thành phố (trong đó có 3.321 đơn vị hành chính cấp xã) đã triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Dù mới vận hành 23 ngày, nhưng bước đầu ghi nhận nhiều kết quả tích cực, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ (bên trái). Ảnh: VGP.

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ (bên trái). Ảnh: VGP.

Các địa phương đã chuyển đổi mô hình một cách liên thông, không gây gián đoạn hoạt động quản lý hành chính. Bộ máy cấp xã nhanh chóng kiện toàn, thành lập các cơ quan chuyên môn, trong đó nổi bật là việc vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công tại cơ sở.

Đặc biệt, hệ thống giải quyết dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai rộng khắp và kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, giúp xử lý thủ tục hành chính nhanh chóng, hiệu quả. Khối lượng hồ sơ giải quyết qua môi trường điện tử tăng đều, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và phù hợp với yêu cầu của mô hình chính quyền hai cấp.

Chia sẻ về những giải pháp hỗ trợ địa phương ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Đức Long thông tin, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về chuyển đổi số trong xây dựng mô hình chính quyền hai cấp, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ địa phương.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long. Ảnh: VGP.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long. Ảnh: VGP.

Từ ngày 7/4, Bộ đã hướng dẫn 63 tỉnh, thành phố nâng cấp hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và điều hành chính quyền. Trong đó, TP.HCM được chọn thí điểm nâng cấp 5 hệ thống thông tin do có quy mô lớn và hệ thống phức tạp. Trên cơ sở kết quả thí điểm, Bộ ban hành văn bản hướng dẫn toàn quốc.

Tiếp đó, ngày 16/6, Bộ tổ chức tập huấn triển khai đồng bộ toàn quốc. Ngày 19/6, Bộ tham mưu Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tổ chức 5 cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để triển khai Kế hoạch 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương về chuyển đổi số, bảo đảm liên thông và đồng bộ hệ thống.

Bộ cũng yêu cầu công khai toàn bộ quy trình thủ tục hành chính theo các nghị định phân cấp, đảm bảo địa phương không bị "tắc nghẽn" trong xử lý. Các doanh nghiệp công nghệ số được chỉ đạo hỗ trợ địa phương cấu hình quy trình và bố trí nhân sự hướng dẫn trực tiếp tại cấp xã.

Hai doanh nghiệp bưu chính (VNPost, Viettel Post) được yêu cầu cử nhân sự trực tại các xã hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ. Đến nay, hơn 12.000 cán bộ của doanh nghiệp công nghệ số cùng lực lượng công an, quân đội và sinh viên tình nguyện đã vào cuộc hỗ trợ hơn 3.200 xã.

Kết quả, đến ngày 30/6, các hệ thống thông tin cơ bản đã vận hành ổn định. Từ ngày 1/7, việc cung cấp dịch vụ công, xử lý thủ tục hành chính, điều hành và hội nghị truyền hình từ Trung ương tới địa phương đều diễn ra trơn tru, đáp ứng yêu cầu mô hình chính quyền hai cấp.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long, sau khi Thủ tướng ban hành Công điện 111/CĐ-TTg (ngày 17/7), Bộ đã phối hợp thành lập tổ liên ngành khảo sát thực tế tại 4 địa phương, 11 xã/phường. Qua đánh giá, Bộ nhận diện 25 nhóm vấn đề cản trở chuyển đổi số và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ở cấp xã.

Trong đó, các vướng mắc chủ yếu gồm: cấu hình TTHC chưa chuẩn do thời gian gấp, chuyển giao thủ tục từ huyện về xã và từ bộ ngành về địa phương còn chậm; hệ thống biểu mẫu điện tử triển khai chưa đồng bộ; hạ tầng kỹ thuật yếu; nhân lực cấp xã còn thiếu kỹ năng; dữ liệu chưa liên thông khi sáp nhập xã, tỉnh; chữ ký số chưa cấp đủ; nhiều hệ thống bộ ngành chưa kết nối, gây ách tắc trong giải quyết TTHC.

Bộ KH&CN đã báo cáo Thủ tướng, đưa các vấn đề này vào nội dung sơ kết 6 tháng của Ban Chỉ đạo Trung ương về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong tuần này, Bộ sẽ tham mưu tổ chức họp đánh giá toàn diện 25 nhóm vấn đề để có hướng xử lý dứt điểm.

"Nếu triển khai quyết liệt, đến cuối năm nay, cơ bản sẽ đảm bảo liên thông, đồng bộ hệ thống, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân", Thứ trưởng khẳng định.

Ông Trương Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ảnh: VGP.

Ông Trương Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ảnh: VGP.

Công nghệ là công cụ, con người là trung tâm

Ông Trương Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 vào cuối năm 2024, Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội đã xác định đây là "chìa khóa vàng" trong đổi mới mô hình quản trị đô thị, không chỉ đơn thuần là chuyển đổi số hay ứng dụng công nghệ. Nhận thức sâu sắc vai trò trọng tâm của Nghị quyết, TP đã ban hành các chương trình hành động thông suốt từ cấp thành phố đến cấp quận/huyện thời điểm trước và cấp xã/phường sau này (126 xã/phường).

Theo ông Dũng, kinh nghiệm triển khai Nghị quyết 57 của Hà Nội được đúc kết trong ba yếu tố: Đồng bộ - Dữ liệu - Chủ động.

Thứ nhất, đồng bộ thể hiện trong toàn bộ hệ thống chính trị, từ nhận thức của cấp ủy đến hành động cụ thể của cán bộ cơ sở.

Thứ hai, dữ liệu là nền tảng vận hành, mọi quyết định đều phải dựa trên dữ liệu, và phải là dữ liệu theo thời gian thực.

Thứ ba, chủ động là tinh thần xuyên suốt không chờ đủ quy định mới bắt đầu, mà "vừa chạy, vừa xếp hàng", vừa triển khai vừa hoàn thiện. Thành phố đã thành lập nhiều tổ công tác, lắng nghe ý kiến phản ánh từ cơ sở để liên tục điều chỉnh quy trình và nội dung triển khai phù hợp thực tiễn.

Sau 3 tuần vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Hà Nội đã xử lý khoảng 66.000 hồ sơ thủ tục hành chính. Bộ máy vận hành trơn tru, hiệu quả, đảm bảo không gây gián đoạn dịch vụ cho người dân, đặc biệt chú trọng đến đối tượng yếu thế như người già, người khuyết tật. Thành phố đã triển khai mô hình hỗ trợ tại chỗ, thay vì yêu cầu người dân đến trung tâm hành chính.

Hà Nội xác định rõ: công nghệ chỉ là công cụ, con người mới là trung tâm. Thành công của chuyển đổi số phải gắn với sự thuận tiện, hài lòng của người dân. Bài học lớn nhất rút ra là: Nguồn lực bắt đầu từ tư duy; động lực đến từ đổi mới; sức mạnh đến từ nhân dân. Nhờ tư duy đổi mới và hành động cụ thể, TP Hà Nội đã đảm bảo quá trình vận hành mô hình chính quyền mới hiệu quả, thông suốt, hướng tới phục vụ tốt nhất cho người dân.

Bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó chủ tịch UBND phường Cửa Nam, TP Hà Nội. Ảnh: VGP.

Bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó chủ tịch UBND phường Cửa Nam, TP Hà Nội. Ảnh: VGP.

Cùng quan điểm, bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó chủ tịch UBND phường Cửa Nam, TP Hà Nội cho biết, để ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả trong cải cách hành chính, địa phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng về đào tạo cán bộ và vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền hai cấp. UBND phường đã lập phòng giả định, xử lý các tình huống thực tế và tổng hợp khó khăn để phối hợp cùng cấp trên tháo gỡ.

Bên cạnh đó, đồng hành quá trình triển khai thực hiện, Phường xác định sự quan trọng đối với một chính quyền cơ sở là đang có một sứ mệnh gần dân, sát dân nhất. Việc thực hiện thủ tục hành chính làm sao để người dân ra với phường, ra với chính quyền gần dân nhất ấy phải thực sự hài lòng. Đặc biệt, phường mạnh dạn triển khai robot AI hỗ trợ hành chính nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân. Đây là bước thử nghiệm ban đầu nhưng mở ra nhiều tiềm năng đổi mới.Về thuận lợi, người dân tích cực ủng hộ mô hình mới, sẵn sàng tiếp cận công nghệ, kể cả người lớn tuổi. Việc phổ cập dữ liệu và nền tảng số toàn quốc là điều kiện thuận lợi để triển khai các sáng kiến.

Tuy nhiên, khó khăn không nhỏ là áp lực công việc lớn do sắp xếp tổ chức lại. Dù cán bộ có trình độ tốt, vẫn cần tiếp tục rèn luyện và nâng cao năng lực. Với sự hỗ trợ của cấp trên và niềm tin từ người dân, chính quyền cơ sở tin tưởng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS). Ảnh: VGP.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS). Ảnh: VGP.

Đề cập đến giải pháp liên quan đến chính sách dữ liệu phục vụ giao dịch hành chính đảm bảo phục vụ giao dịch thống nhất, tránh phân mảnh; đảm bảo an toàn dữ liệu và quyền riêng tư cho người dùng, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng, dữ liệu là yếu tố then chốt để cung cấp dịch vụ hành chính tiện lợi, đặc biệt là hướng tới mô hình phi địa giới, cho phép người dân thực hiện thủ tục ở bất kỳ đâu, không phụ thuộc nơi đăng ký hộ khẩu hay cư trú. Ví dụ, thay vì phải về Nghệ An để làm Lý lịch tư pháp, người dân có thể thực hiện thủ tục trực tiếp qua ứng dụng VNeID.

Để đạt được điều này, dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống và kết nối được". Tuy nhiên, bài học từ 5 năm qua cho thấy hệ thống dữ liệu hiện nay vẫn chưa đồng bộ và toàn diện, gây khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Cụ thể, còn thiếu sự liên kết giữa 4 nhóm dữ liệu: dữ liệu chuyên ngành (như đất đai, dân cư), dữ liệu xác thực người dùng, dữ liệu về quy trình thủ tục và môi trường giao dịch.

Ông Đồng cũng nhấn mạnh, cần xác định thứ tự ưu tiên. Hiện có hơn 2.000 thủ tục hành chính được số hóa, nhưng thực tế chỉ dưới 100 thủ tục phát sinh giao dịch trực tuyến, trong đó khoảng 20 thủ tục có số lượng hồ sơ lớn nhất. Do đó, cần tập trung xây dựng dữ liệu phục vụ cho nhóm thủ tục trọng yếu này trước, thay vì dàn trải, để tăng hiệu quả và giảm áp lực triển khai.

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trung tâm, là động lực tăng trưởng và yếu tố quyết định năng lực quản trị trong thời đại số. Chuyển đổi số không chỉ là công cụ, mà là nền tảng kiến tạo chính quyền minh bạch, linh hoạt, gần dân, vì dân.

Từ ngày 1/7, 34 tỉnh, thành phố bắt đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Chuyển đổi số là “hệ thần kinh trung ương”, cầu nối “sống còn” giữa tỉnh và xã, là bộ não dữ liệu cảnh báo sớm, ngăn ngừa vùng trũng thông tin.

Ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 111/CĐ-TTg yêu cầu tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong giai đoạn đầu thực hiện mô hình hai cấp.

Thủ tướng nhiều lần khẳng định: Cần chuyển từ hành chính thụ động sang hành chính kiến tạo và phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và chủ thể.

Linh Đan

Mai Thu

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/thanh-cong-cua-chuyen-doi-so-phai-gan-voi-su-thuan-tien-hai-long-cua-nguoi-dan-192250724125651432.htm