Thành công nhờ đam mê và kiên trì
'Tết, tôi chỉ có hai buổi gặp mặt, quây quần với gia đình, còn lại là thời gian tĩnh để lựa chọn hướng đi trong hoạt động nghiên cứu khoa học cho thời gian tiếp theo. Đó cũng là thời gian để đánh giá lại chặng đường đã đi, những việc đã làm hoặc còn dang dở. Cũng có lúc một mình bên những thiết bị thí nghiệm để tìm đáp số đúng. Cuộc sống cũng vậy, phải có mục tiêu và lời giải đáp khoa học thì mới thấy hết giá trị của mỗi con người và mỗi gia đình' - Đó là tâm sự của nhà khoa học trẻ, Tiến sĩ Sinh học - Nguyễn Hữu Quân (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên).
Bước sang tuổi 36, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Hữu Quân đã sở hữu “bộ sưu tập” về thành tích nghiên cứu khoa học rất đáng ngưỡng mộ: Tham gia 4 đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ và là thành viên của 1 đề tài khoa học và công nghệ Quỹ Nafosted; công bố 47 bài báo khoa học, trong đó có 10 bài trên tạp chí quốc tế ISI/SCOPUS; Đạt giải Nhất Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho giảng viên trẻ toàn quốc năm 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và công trình này được đăng trong sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019; đồng tác giả của cuốn giáo trình “Tin sinh học” xuất bản năm 2019, tác giả cuốn giáo trình “Vi sinh vật học” xuất bản năm 2020... Tốt nghiệp đại học năm 2007 và đến năm 2015 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Hóa - Sinh tại Đại học Thái Nguyên và công tác tại Trường Đại học Sư phạm.
TS Quân có vóc dáng vẻ trẻ trung, hoạt bát và gương mặt tươi tắn. TS Quân chia sẻ: “Ngày còn nhỏ, tôi đã mất rất nhiều công để giải thích cho được quy trình làm giá đỗ, làm đậu phụ, làm dấm gạo, dấm hoa quả rồi làm bánh bao... Học mãi mà không giải thích được thấu đáo. Và tôi quyết định đến với ngành đào tạo Sư phạm Sinh học. Từ đó, càng học, càng nghiên cứu, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều, đồng thời mở ra cả một không gian nghiên cứu khoa học không có giới hạn. Là thầy giáo lại làm khoa học, tôi luôn đặt ra cho mình những dấu hỏi và tìm bằng được những lời giải đáp bằng khoa học, vì vậy tôi không tin vào những lời đồn đoán mang tính truyền khẩu, cũng không mê tín duy ý chí. Nhưng cũng có lúc đã dành cả một thời gian dài nghiên cứu để luận giải từ góc độ sinh học và văn hóa dân gian thì thấy: Cái mà chúng ta hay gọi là mê tín chính là chúng ta không giải thích được thấu đáo trên cơ sở khoa học và các quy luật vận động của thế giới tự nhiên, của vũ trụ. Cây cỏ, động vật, con người, hóa học, sinh học, vật lý... cũng vậy, không có các yếu tố thiên thời, địa lợi thì cũng khó khăn đạt được thành công. Người có năng lực đặc biệt thì có khả năng chế ngự được cả những bất lợi của tự nhiên, hoán cải hoàn cảnh và quy luật...cũng như học trò làm toán giỏi thì bất kể lúc nào giao bài tập cho cũng hoàn thành trước các bạn. Với tôi thì không có gì đặc biệt, chỉ là cách thức lựa chọn hướng đi phù hợp. Thế hệ chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin đã phát triển mạnh, nên học gì, nghiên cứu gì không còn là vấn đề cao siêu, mà hướng đến ứng dụng kết quả nghiên cứu đó vào làm gì cho học tập, cho cuộc sống. Tôi đã cùng các thầy, cô giáo, các nhà khoa học thường xuyên đến dự các giờ học tại các trường phổ thông để tìm ra những phương pháp dạy học hiệu quả nhất. Rồi từ những bài tập thực hành chúng tôi đã rút ra những kinh nghiệm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học”.
“Tôi thường nghiên cứu sâu khoa học và chuyển giao bắt đầu từ những thất bại của bản thân. Có lẽ từ những “vấp ngã”, những kết quả không như mong muốn đã thúc đẩy tôi phải tìm cho được lối đi đúng. Càng lăn lộn thực tế cuộc sống và phòng thí nghiệm thì càng có nhiều kinh nghiệm để tạo đà cho hướng đi đúng, chắc chắn. Tôi không hay giáo điều, chỉ chung sức, hợp tác với mọi thành viên khi làm khoa học. Với sinh viên khi hướng dẫn làm thạc sĩ, tôi chỉ đưa ra duy nhất một yêu cầu: Học sinh khi còn nhỏ dùng bút chì, khi lớn chỉ dùng bút mực. Bởi khi nhỏ là tập viết, viết bút chì có thể tẩy, sửa, khi lớn thì sai sẽ khó sửa, nên làm khoa học là phải đủ độ chín và chắc chắn. Đã có hướng đi đúng thì khó cũng phải đi, đi chậm mà đến đích còn hơn không. Chính vì vậy, công việc nghiên cứu khoa học đối với chúng tôi “ăn, ngủ” tại phòng thí nghiệm, rồi chờ đợi kết quả để đưa ra với cây trồng, với sức khỏe con người...”.
TS. Nguyễn Hữu Quân đã chọn hướng nghiên cứu trong hoạt động khoa học của mình, trong đó kết hợp đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu sinh, dạy học trong các trường phổ thông và ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các viện khoa học, công nghệ... Sự kết hợp chặt chẽ trong từng lĩnh vực nghiên cứu đã đem lại kết quả thành công trong quá trình công tác của bản thân. Ba hướng nghiên cứu đem lại thành công đối với TS. Quân, đó là: Tách chiết, tinh sạch, xác định tính chất và sản xuất các enzyme/protein tự nhiên từ các nguồn vi sinh vật và thực vật; biểu hiện gen liên quan đến tính chống chịu của thực vật; biểu hiện cao và cải biến các enzyme vi sinh vật từ cây đậu tương bản địa; ứng dụng mã vạch DNA trong định danh loài và bảo tồn một số loài cây dược liệu và cây trồng quan trọng, đánh giá hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxi hóa và thử nghiệm hoạt tính gây độc tế bào ung thư do các hợp chất thứ cấp từ vi sinh vật, thực vật và các phức chất hóa học. Kết quả nghiên cứu đã nhanh chóng được giới khoa học đánh giá cao và lần lượt vượt qua các hội đồng phản biện và được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Đây chính là nền móng vững chắc để tạo động lực cho TS.Nguyễn Hữu Quân và các nhà khoa học trẻ của Đại học Thái Nguyên tiếp tục công hiến và từng bước xây dựng thương hiệu Đại học trong môi trường hội nhập quốc tế bằng những sản phẩm khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế.