Thành công từ anime góp phần tích cực vào công nghiệp văn hóa ở Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản hiện tiếp tục tăng cường lan tỏa quốc tế với loại hình nghệ thuật này và nuôi dưỡng loại hình nghệ thuật này trở thành ngành công nghiệp chủ chốt.

Theo trang Financial Times (FT), manga và anime là biểu tượng trong nghệ thuật giải trí, đó là truyện tranh và phim hoạt hình của Nhật Bản. Cả manga và anime đều được người hâm mộ Nhật Bản và thế giới yêu thích rộng rãi.

Chính phủ Nhật Bản hiện tiếp tục tăng cường gia tăng ảnh hưởng với loại hình nghệ thuật này và nuôi dưỡng chúng trở thành ngành công nghiệp chủ chốt của đất nước.

Manga và anime là biểu tượng trong nghệ thuật giải trí. Ảnh: María Hergueta/FT

Manga và anime là biểu tượng trong nghệ thuật giải trí. Ảnh: María Hergueta/FT

Anime và manga có mối quan hệ sâu sắc. Trong khi manga là truyện tranh Nhật Bản được vẽ trên giấy thì anime là phim hoạt hình được sản xuất dưới dạng phim. Nhiều bộ phim anime thực ra là những bản chuyển thể từ manga, nên có sự tương đồng lớn về nội dung và nhân vật.

Anime Nhật Bản, với sức ảnh hưởng to lớn và giá trị vượt trội, đã không chỉ khẳng định vị thế trong văn hóa đại chúng mà còn trở thành biểu tượng của sự sáng tạo và nghệ thuật.

Thông qua những bộ phim hoạt hình anime và truyện tranh manga, người hâm mộ ở nước ngoài thường rất muốn đến Nhật Bản để tham gia trải nghiệm những nơi có bối cảnh câu chuyện và cảnh quay. Đây cũng là cách thúc đẩy phát triển du lịch Nhật Bản.

Anime đã thống trị thế giới như thế nào?

Trang Financial Times ghi nhận sự lan tỏa toàn cầu của thể loại phim hoạt hình anime Nhật Bản đang mở rộng. Phim hoạt hình Nhật Bản cũng ngày càng tạo dựng được tiếng vang trong nền giải trí thế giới.

Hiện tại, ước tính có khoảng 800 triệu người trên thế giới hâm mộ phim hoạt hình Nhật Bản — còn được gọi là anime và dự đoán con số đó sẽ sớm tăng lên một tỷ trong tương lai. Nếu đạt được, số lượng người hâm mô đối với phim hoạt hình Nhật Bản sẽ tương đương với lượng người hâm mộ quần vợt toàn cầu.

Theo tình hình hiện tại, ngành công nghiệp anime của Nhật Bản đang trên đà chinh phục toàn cầu nhiều hơn nữa. Trong báo cáo gần đây nhất về xu hướng thị trường, Hiệp hội hoạt hình Nhật Bản nhận thấy rằng ngành này đã ghi dấu ấn quan trọng trên trường quốc tế.

Thị trường anime Nhật Bản ở nước ngoài hiện có quy mô gần bằng thị trường trong nước và đang phát triển nhanh hơn. Sản phẩm của các hãng phim anime Nhật Bản chủ yếu sẽ được tiêu thụ bên ngoài Nhật Bản.

Hiện tại, phần lớn hoạt động truyền bá anime toàn cầu đang được thực hiện bởi Crunchyroll, dịch vụ phát trực tuyến đã trở thành công ty con của Sony Music Entertainment (Nhật Bản) vào năm 2021 và phân phối hơn 1.400 tựa phim anime đến hơn 200 quốc gia và khu vực.

Sony kỳ vọng Crunchyroll sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong mảng phim và truyền hình của công ty trong vài năm tới, nhưng rất nhiều anime Nhật Bản cũng đang tiếp cận các quốc gia khác thông qua Netflix và các dịch vụ phát trực tuyến khác.

Không giống như một số hình thức giải trí khác, vốn đã tăng mạnh ở mức độ phổ biến trong thời kỳ đại dịch Covid-19 nhưng sau đó đột ngột giảm, mức tiêu thụ anime vẫn tiếp tục tăng từ năm 2022.

Năm 2023, tổng doanh số bán hàng của các công ty sản xuất anime Nhật Bản đã tăng gần 23% so với năm 2022 và đạt kỷ lục mọi thời đại.

Theo nhóm nghiên cứu của công ty nghiên cứu tư nhân Teikoku Databank, con số này sẽ tiếp tục phá vỡ vào năm 2024. Các nhà phân tích tại Jefferies cũng trích dẫn dự đoán thị trường anime toàn cầu sẽ tăng gần gấp đôi từ 31,2 tỷ đô la vào năm 2023 lên 60 tỷ đô la vào năm 2030 vì quá trình chuyển dịch của văn hóa anime đã lan tỏa sang nhiều thị trường khác như Mỹ và Châu Âu.

Sự trở lại của phim truyền hình Dragon Ball

Trong tháng 10/2024, một khoảnh khắc quan trọng khác đã đến. Sau 6 năm gián đoạn, một loạt phim truyền hình Dragon Ball mới sẽ được phát sóng.

Sự trở lại của "Bảy Viên Ngọc Rồng" với dự án "Dragon Ball Daima" khiến người hâm mộ vô cùng hoài niệm và trông chờ.

Ngày 12/10, tập đầu tiên của dự án Dragon Ball Daima chính thức lên sóng. Bộ phim được xem là phần hậu truyện của Dragon Ball Z đình đám gần 30 năm trước đang khiến khán giả vô cùng háo hức.

Không chỉ là một phiên bản phim mới dựa trên truyện tranh huyền thoại Bảy Viên Ngọc Rồng, Dragon Ball Daima còn là dự án cuối cùng mà Akira Toriyama - cha đẻ bộ truyện bắt tay sản xuất.

Điều quan trọng là tựa phim này sẽ xuất hiện trên các kênh phân phối quốc tế của hai dịch vụ phát trực tuyến Crunchyroll và Netflix trong vòng một ngày hoặc lâu hơn sau khi phát sóng lần đầu tiên trên truyền hình Nhật Bản.

Ông Pelham Smithers, một nhà phân tích đã theo dõi ngành công nghiệp này từ lâu, cho biết điều này có ý nghĩa này rất lớn. Chỉ vài năm trước, các hãng phim và nhà phân phối Nhật Bản sẽ phải đợi bất kỳ bộ phim anime nào đạt được thành công rõ ràng trong nước trước khi đưa ra thế giới.

Giờ đây, điều đó không còn quan trọng nữa khi số lượng người hâm mộ toàn cầu hiện rất lớn đón nhận những bộ phim anime của Nhật Bản.

Trong một báo cáo được công bố vào tháng 6 năm nay, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra số liệu về giá trị xuất khẩu từ ngành công nghiệp sáng tạo và sản xuất nội dung dành cho manga, anime, phim ảnh và trò chơi tại Nhật Bản.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đó đạt khoảng 30 tỷ đô la. Báo cáo đã so sánh con số này với kim ngạch xuất khẩu 34 tỷ đô la của ngành thép và 38 tỷ đô la của ngành bán dẫn./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/thanh-cong-tu-anime-gop-phan-tich-cuc-vao-cong-nghiep-van-hoa-o-nhat-ban-20241111095747565.htm