Thành công từ đồng thuận ý Đảng, lòng dân
Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có tổng chiều dài 40,2km, trong đó có 29km đi qua tỉnh Phú Thọ. Đây là dự án trọng điểm, tương lai sẽ mở ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng...
Ban bồi thường, GPMB huyện Đoan Hùng tuyên truyền, vận động người dân đồng lòng thực hiện công tác GPMB, tạo điều kiện thi công dự án. (Ảnh chụp khi dịch bệnh COVID-19 chưa diễn biến phức tạp).
(baophutho.vn) - Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có tổng chiều dài 40,2km, trong đó có 29km đi qua tỉnh Phú Thọ. Đây là dự án trọng điểm, tương lai sẽ mở ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Nhận thức rõ điều này, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của huyện Đoan Hùng (nơi có 17/29km đi qua địa bàn) đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, để lại những bài học kinh nghiệm quý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, tạo sự hòa hợp, thống nhất lòng dân, ý Đảng.
Kỳ I:Nâng cao nhận thức, quyết liệt triển khai
Khi triển khai thực hiện dự án, Đoan Hùng là huyện có số hộ dân liên quan nhiều nhất (1.053 hộ thuộc địa bàn 8 xã). Điều này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải làm sao để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhất là không để quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Bằng việc nhận định rõ tình hình, nâng cao nhận thức, xác định quyết tâm, triển khai quyết liệt các giải pháp, những “nút thắt” ban đầu từng bước được tháo gỡ.
Nhận thức đúng, quyết tâm caoĐoan Hùng là huyện miền núi nằm ở phía Bắc của tỉnh Phú Thọ, tiếp giáp với huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái và hai huyện Yên Sơn, Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang. Trên địa bàn huyện có hai tuyến quốc lộ chạy qua là Quốc lộ 2 từ xã Chân Mộng đi Tuyên Quang, Hà Giang và Quốc lộ 70 từ ngã ba thị trấn Đoan Hùng đi Yên Bái, Lào Cai có lưu lượng phương tiện giao thông rất lớn. Tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ hoàn thành sẽ mang lại nhiều lợi ích khi rút ngắn đáng kể khoảng cách và thời gian, giúp phương tiện lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn. Đặc biệt, khi hệ thống đường cao tốc được kết nối còn tiết giảm chi phí đầu tư các cơ sở hạ tầng khác; tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của mỗi địa phương.Những năm qua, huyện Đoan Hùng đã tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp. Huyện Đoan Hùng thuộc danh mục các địa bàn ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ với những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn, giảm thuê đất, tiền sử dụng đất… Khi tuyến đường cao tốc được đưa vào khai thác sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo “đòn bẩy” trong thu hút đầu tư vào Đoan Hùng. Đồng chí Nguyễn Đức Lương - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện Đoan Hùng luôn xác định đây là tuyến đường có ý nghĩa hết sức quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh nói chung, huyện Đoan Hùng nói riêng. Khi công trình hoàn thành sẽ mở ra cơ hội tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh trong khu vực, giúp Đoan Hùng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy, theo chỉ đạo chung của tỉnh, Đoan Hùng đã nâng tầm nhận thức, xác định quyết tâm, tập trung huy động các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, vận dụng linh hoạt các phương pháp để từng bước giải quyết thấu đáo nguyện vọng của người dân trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, không để phát sinh điểm “nóng”. UBND huyện thành lập Hội đồng, Tổ công tác giúp việc, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, họp triển khai đến các hộ dân trong phạm vi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án với phương châm tạo sự đồng thuận xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, nhất là đảm bảo đời sống, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Để triển khai thực hiện dự án, các ngôi mộ đã được di dời đến nghĩa trang mới tại gò Sa Nhân, xã Phú Lâm, huyện Đoan Hùng.
Từng bước tháo gỡ, khắc phục khó khăn
Cũng như các dự án khác, GPMB trong dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đoạn qua địa bàn huyện Đoan Hùng là khâu khó, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến những vấn đề về giá đền bù; kiểm đếm diện tích đất thổ cư, đất nông nghiệp, vật kiến trúc; tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp khi không có đất sản xuất... Vì vậy, trong quá trình kiểm đếm, GPMB, mặc dù người dân cơ bản đồng thuận nhưng cũng còn không ít hộ dân chưa thông với dự án, thậm chí thắc mắc về phương án, giá trị đền bù đất cũng như tài sản trên đất.Đề cập về những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, đồng chí Nguyễn Hùng Luân - Trưởng phòng TN&MT huyện chia sẻ với chúng tôi: Do hồ sơ đất đai trên địa bàn huyện Đoan Hùng sử dụng bản đồ 299 (đo đạc từ năm 1983 - 1987) để lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSĐ cho nhân dân nên đến nay có biến động lớn như thay đổi hình thể, diện tích, hiện trạng, chủ sử dụng đất, ranh giới sử dụng đất…dẫn đến việc đối chiếu giữa hồ sơ địa chính và hiện trạng sử dụng đất gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chủ sử dụng đất, loại đất, nguồn gốc đất. Hơn nữa, công tác khảo sát thiết kế, cắm tuyến được thực hiện từ cuối năm 2018-2019 nên một số hộ gia đình đã tự ý cơi nới, xây chuồng trại, lợp mái tôn… gây khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB theo quy định hiện hành. Đơn cử như xã Tiêu Sơn có 121 hộ trong diện nhận đền bù với tổng kinh phí bồi thường gần 21,8 tỉ đồng, có 7 hộ chưa nhận tiền đền bù với các lý do chủ yếu là bị giảm diện tích giữa hiện trạng và giấy CNQSĐ, vướng mắc về loại đất áp giá đền bù. Xã Vân Du có 200 hộ, số tiền đền bù hơn 28 tỉ đồng, còn 12 hộ chưa đồng thuận, đề nghị được giao đất tái định cư xong mới nhận tiền, đề nghị kiểm tra lại diện tích, loại đất, nguồn gốc sử dụng đất… Đối với xã Minh Tiến, dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ chạy qua địa bàn xã có chiều dài khoảng 1,9km, diện tích đất phải thu hồi gần 88,5ha, bao gồm đất ở, đất sản xuất của 153 hộ, trong đó có 98 hộ có đất sản xuất, 65 hộ phải di dời chỗ ở. Đồng chí Nguyễn Hồng Thái- Bí thư Chi bộ khu 3 cho biết: Các hộ phải di dời nơi ở thuộc diện “đất vàng” khu trung tâm của xã, thuận lợi cho giao thông, buôn bán nên quá trình tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền đền bù, nhường đất cho dự án gặp nhiều khó khăn. Chi bộ phải họp phân công đảng viên bám hộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng người dân. Đặc biệt, triển khai thực hiện dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đoạn qua huyện Đoan Hùng, toàn huyện có 317 ngôi mộ cần phải được di chuyển, trong đó xã Phú Lâm có đến 203 ngôi mộ nằm trong vùng dự án phải di dời. Đồng chí Trần Tuấn Anh - Bí thư Đảng ủy xã Phú Lâm chia sẻ: Câu chuyện đền bù GPMB, tái định cư cho người sống đã khó nhưng đối với xã Phú Lâm lại càng khó khăn hơn nhiều khi phải giải quyết việc di dời, tái định cư cho... người đã khuất. Nếu người dân không tự giác chấp hành thì rất khó bởi đụng chạm đến vấn đề tâm linh, sự linh thiêng được họ tôn thờ đồng thời ăn sâu vào trong tiềm thức văn hóa, phong tục, tập quán và tín ngưỡng của người dân địa phương.Khó khăn là vậy nhưng nhờ có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác GPMB và lợi ích của dự án đem lại, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị nên các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn sâu sát, nắm chắc tình hình thực tiễn, gần dân, trọng dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe ý kiến, vì quyền lợi của nhân dân, tạo được sự đồng thuận của người dân khi triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ từng “nút thắt”.
Kỳ II: Đảng chỉ đường, dân đồng thuận