Thành công từ mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch
Mô hình áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp xử lý rơm rạ sau thu hoạch vừa tăng năng suất vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất lúa vụ hè thu 2023 được triển khai thành công.
Ông Nguyễn Thành ở xã Quảng Lợi (Quảng Điền) thông tin, mặc dù được các ban ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền, khuyến cáo nhưng tình trạng đốt đồng sau thu hoạch vẫn tái diễn trong nhiều năm qua. Nạn đốt đồng ảnh hưởng xấu đến chất đất, ô nhiễm môi trường và sức khỏe nông dân, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đối với người đi đường. Vậy nên, các mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch có ý nghĩa thiết thực, quan trọng đối với người dân.
Bà Nguyễn Thị Minh Châu - Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, thường sau thu hoạch lúa đông xuân, rơm rạ tồn đọng trên đồng ruộng gây nhiều khó khăn trong khâu làm đất sản xuất lúa hè thu. Vì vậy, việc đốt rơm rạ để giải phóng đất vừa nhanh vừa tiện để gieo cấy lúa kịp thời nhưng lại ảnh hưởng không tốt đến môi trường do khói, bụi gây ra. Khi đốt rơm rạ làm mất đi một lượng rất lớn chất hữu cơ, đất đai ngày càng bị thoái hóa, các loại dịch bệnh phát sinh gây hại nhiều hơn; chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng lên, giảm hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa.
Nhằm giúp nông dân giải quyết những khó khăn này, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện nhiều mô hình áp dụng các biện pháp tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “Áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp xử lý rơm rạ sau thu hoạch vụ đông xuân để tăng năng suất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất lúa hè thu” với diện tích 80ha, áp dụng chế phẩm Trico ĐHCT-LV.
Qua đánh giá kết quả thực hiện mô hình ở các địa phương, bà con nông dân đều cho biết việc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Trico ĐHCT-LV gốc rạ nhanh mềm, bùn nhuyễn hơn, làm đất dễ hơn, tỷ lệ lúa chết lúc mới gieo ít hơn, dễ dặm tỉa… Đối với ruộng xử lý đúng kỹ thuật thì bộ rễ lúa phát triển rất mạnh, đẻ nhánh khỏe, thân cây lúa to cao, lá dài, lúa ít bị bệnh, đặc biệt là các bệnh nghẹt rễ, vàng lá sinh lý lúc lúa mới gieo, khô vằn, đỏ lá...
Mô hình xử lý rơm rạ cho năng suất cao hơn đối chứng 2-3 tạ/ha và tiết kiệm được một phần chi phí về phân bón (giảm sử dụng phân đạm), giảm chi phí bảo vệ thực vật, tiết kiệm được công lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc xử lý rơm rạ ngay trên đồng ruộng có tác dụng cải tạo đất lâu dài và cung cấp một phần các chất dinh dưỡng cho cây trồng tốt hơn.
Theo bà Châu, sử dụng sản phẩm Trico ĐHCT-LV xử lý rơm rạ đơn giản, dễ thực hiện, chi phí mua sản phẩm và chi phí lao động không cao, phù hợp với điều kiện sản xuất lúa hiện nay. Với liều lượng 3- 4kg/ha có thể phun trực tiếp lên rơm rạ tại ruộng, hoặc có thể trộn với phân vi sinh để bón lót. Khi sử dụng chế phẩm Trico ĐHCT-LV yêu cầu gốc rạ đã vàng héo, nên ngâm chế phẩm vài giờ, hoặc qua đêm rồi phun, sau khi phun cần cho nước vào ruộng vừa phải, không ngập hết gốc rạ, lượng nước duy trì trên mặt ruộng từ 8-10 ngày, sau đó tiến hành gieo sạ.