Thành công từ nhiều mô hình khuyến nông

Hơn một năm vừa qua với việc triển khai thành công từ nhiều mô hình khuyến nông trên địa bàn, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã giúp nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất của mình để tăng thu nhập, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Mô hình sử dụng thiên địch khống chế khoảng 80% các loại côn trùng gây hại cây ớt ngọt tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương

Mô hình sử dụng thiên địch khống chế khoảng 80% các loại côn trùng gây hại cây ớt ngọt tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương

Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, trong một năm vừa qua, với bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Trung tâm này đã triển khai các dự án trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, toàn diện và bền vững. Điển hình như mô hình sử dụng thiên địch trong phòng trừ sâu hại cây ớt ngọt trong nhà kính với quy mô 2.000 m2/1 hộ tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương. Đi vào thực hiện mô hình, Trung tâm tổ chức 1 lớp tập huấn với gần 30 nông hộ tham gia. Trong đó, chọn thực hiện mô hình trồng ớt ngọt sau 7 tuần mới thả các loại thiên địch nhện Amlysius spp để kiểm soát trứng ấu trùng bọ trĩ, bọ phấn, nhện đỏ; 10 tuần thả thêm thiên địch côn trùng Orius spp để khống chế bọ trĩ trưởng thành... Ngoài ra, khi xuất hiện nhện đỏ và nhện trắng trong vườn ớt ngọt, Trung tâm đã tiến hành thả thiên địch Phytoseiulus persimilis và Neoseuiulus californicus để kịp thời ngăn chặn và tiêu diệt.

Qua đánh giá cho thấy, sau khi thả các loại thiên địch trong thời gian 6 tuần đã bắt đầu thích nghi với môi trường mới. Nhờ đó thiên địch tăng nhanh mật độ sinh sản tự nhiên; tỷ lệ sống đạt trên 70%; khả năng khống chế khoảng 80% các loại côn trùng bọ trĩ, nhện đỏ, bọ phấn chích hút... Kết quả cây ớt ngọt trồng đạt tỷ lệ sống 95%; tăng thêm tỷ lệ đậu hoa lên 3%... Về năng suất, chất lượng trái ớt to đều, màu đẹp, thịt trái dày và có độ cứng, trọng lượng bình quân khoảng 4 - 5 trái/kg. Dự kiến năng suất thu hoạch cả vụ ớt đạt 4,5 kg/cây. So sánh sử dụng các loại côn trùng thiên địch giảm được 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh gây hại. Tính bình quân 1 vụ ớt tiết kiệm được 10 triệu đồng/1.000 m2. Và với giá bán ổn định 30.000 đồng/kg ớt ngọt, nông hộ có thêm thu nhập khoảng 15 triệu đồng/1.000 m2/vụ...

Ở mô hình trồng nấm linh chi đỏ áp dụng công nghệ IoT tại khu phố Lang Biang, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Lạc Dương, chính quyền địa phương rà soát chọn nông hộ đủ điều kiện tham gia mô hình với quy mô 72 m2/1 nhà nấm. “Kết quả thời gian từ cấy meo đến thu hoạch khoảng 120 ngày, tỷ lệ phôi ra nấm đạt 90%. Chất lượng nấm cao, sản phẩm đẹp, tai nấm đều, màu vàng nhạt, trọng lượng đạt 12 - 15 gram/tai, trọng lượng nấm khô 24 - 30 gram/bịch. Năng suất nấm tươi đạt 750 kg/10.000 phôi; năng suất nấm khô đạt 250 kg/10.000 phôi/ nhà nấm. So với mô hình trồng nấm linh chi đỏ thông thường, mô hình trồng nấm linh chi đỏ áp dụng công nghệ IoT mặc dù chi phí đầu tư cao hơn 3.700.000 đồng/ nhà nấm/72 m2 (tương đương 4,5%), nhưng năng suất tăng khoảng 20 kg (tương đương 8%) so với mô hình thông thường. Do đó, lợi nhuận hàng tháng tăng 22% (tương đương 883.000đ/tháng)”, hạch toán của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết.

Đáng kể, với mô hình thâm canh cây điều bền vững triển khai tại xã Phước Cát 2 (20 ha) và xã Mỹ Lâm (20 ha) cùng trồng thay thế 10 ha điều trên địa bàn các xã khác của huyện Cát Tiên, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã sử dụng giống điều PN1 để trồng thay thế vườn điều bị sâu bệnh và già cỗi, năng suất thấp. Kết quả với diện tích 10 ha trồng điều thay thế đã phát triển khá tốt, cây cao 1 - 1,4 mét, đường kính thân từ 2 - 3 cm và tỷ lệ sống sau trồng 5 tháng đạt 98%. Với 40 ha vườn điều thâm canh cũng đồng thời sinh trưởng tốt, hiện cây đang ra lá non và bông. Ngoài ra, mô hình trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng triển khai tại xã Đại Lào, Bảo Lộc với quy mô 10 ha/10 hộ tham gia. Mô hình đã hướng dẫn nông hộ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo cây sinh trưởng tốt, không có hiện tượng sâu bệnh hại. Cụ thể, tỷ lệ sống đối với cây bơ, sầu riêng đạt trên 95%, vườn cà phê duy trì năng suất hơn 3 tấn nhân/ha, tổng thu nhập tăng thêm 20%...

Sau kết quả thành công từng mô hình nói trên, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đều tổ chức hội nghị đầu bờ thu hút số đông người nông dân quanh vùng tham dự. Qua đó, nông dân và đội ngũ cán bộ kỹ thuật cùng trao đổi, thảo luận, đúc kết những kinh nghiệm, xác định các giải pháp kỹ thuật sản xuất tối ưu nhất để tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình trên địa bàn.

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202108/thanh-cong-tu-nhieu-mo-hinh-khuyen-nong-3073465/