Thành công từ niềm đam mê chế biến nông sản
Sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và vượt qua mọi khó khăn, anh Lê Minh Chánh - chủ Doanh nghiệp tư nhân Công Thiện (ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), thành công từ chính những sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Anh Chánh chia sẻ: “Cũng như nhiều người dân Châu Thành, tôi gắn bó với nghề trồng thanh long 20 năm nay. Tuy nhiên, thời gian qua, thanh long cứ gặp điệp khúc “được mùa, rớt giá” và khó khăn trong việc xuất khẩu do đa phần thanh long cũng như những loại nông sản khác phải xuất khẩu tươi, thời gian bảo quản không được lâu. Nhận thấy thanh long, rau má có thể chế biến thành những sản phẩm khô đưa ra thị trường, tôi tìm hiểu công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị nông sản của địa phương”.
Mặc dù có công việc ổn định với nghề xây dựng và cơ khí nhưng anh Chánh không tiếp tục theo nghề mà tập trung nghiên cứu chế biến nông sản. Ban đầu, anh gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chế biến, bảo quản. Với sự chủ động, sáng tạo, sau hơn 1 năm tìm hiểu, anh chế tạo thành công máy sấy theo công nghệ sấy phun tiên tiến nhất hiện nay. Tháng 4/2022, anh mạnh dạn đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất, đóng gói sản phẩm.
“Sau khi chế tạo được máy sấy, tôi mất khoảng 6 tháng để sấy thành công tất cả các loại rau, củ, quả thành bột hòa tan. Điểm đặc biệt của công nghệ sấy phun là nông sản được ép lấy nước cốt, sau đó qua máy sấy phun trong thời gian cực kỳ ngắn khoảng 2 giây, nhiệt độ sấy thích hợp, chỉ loại bỏ phần nước nên giữ được tinh chất, hương vị của nông sản tươi ban đầu. Thời gian bảo quản các sản phẩm bột hòa tan được 18 tháng do độ ẩm còn lại rất thấp (nhỏ hơn 7%)” - anh Chánh cho biết.
Hiện tại, anh đưa ra thị trường 2 dòng sản phẩm là Bột rau má hòa tan và Bột quả thanh long đỏ hòa tan đạt tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng trong an toàn thực phẩm). Sản phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín, chọn lựa từ nguồn nguyên liệu tươi, trồng theo hướng hữu cơ tại địa phương. Để có một sản phẩm hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn. Rau má, thanh long sau khi thu hoạch được phân loại, ngâm rửa, sục ozone rồi mới chuyển sang nghiền, ép lấy nước, sấy phun thành bột và đóng gói.
Sản phẩm tan hoàn toàn trong nước lạnh, không chất bảo quản, được đóng gói cẩn thận với bao bì bắt mắt, có tem QR code để truy xuất nguồn gốc. Mỗi hộp gồm 10 gói nhỏ, trọng lượng 100gr, được bán với giá 60.000 đồng/hộp. Bình quân mỗi tháng, anh Chánh sản xuất khoảng 20.000 hộp. Hiện thị trường tiêu thụ của các sản phẩm chủ yếu là trong nước.
Để có 1kg sản phẩm bột hòa tan cần khoảng 20kg nông sản tươi. Nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, anh Chánh đang liên kết với các hộ nông dân tại địa phương để trồng và bao tiêu cây rau má, thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức lương 30.000 đồng/giờ và được trang bị bảo hộ lao động theo quy định. Chị Ngô Thị Bưởi - công nhân chuyên sơ chế sản phẩm, chia sẻ: “Công việc của tôi rất nhẹ nhàng và không ảnh hưởng đến sức khỏe, lương cũng ổn định. Tôi mong doanh nghiệp tiếp tục phát triển và tạo việc làm cho nhiều lao động hơn nữa”.
Với sự nhạy bén, nắm bắt thị trường, anh Chánh bước đầu gặt hái thành công với các sản phẩm chế biến từ thanh long và rau má. Thời gian tới, anh đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các nhà phân phối để đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, từng bước tiến xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, ra mắt các sản phẩm bột hòa tan từ mãng cầu xiêm, bưởi, chanh dây, mía, cam,...
Những bước đi mới của anh Chánh góp phần nâng tầm giá trị nông sản địa phương, giúp người tiêu dùng thưởng thức các sản phẩm từ thiên nhiên một cách nhanh chóng, tiện lợi; đồng thời, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thanh-cong-tu-niem-dam-me-che-bien-nong-san-a139439.html