Thành công và thách thức của việc chuyển đổi hệ thống nông sản

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 25/7, Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (LHQ) về hệ thống lương thực bắt đầu bằng phiên họp toàn thể đặc biệt, do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) chủ trì, tập trung vào những thành công và thách thức của các quốc gia, tổ chức và các bên liên quan trong việc chuyển đổi các hệ thống nông sản như đã đề ra tại hội nghị cấp cao đầu tiên vào năm 2021.

Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN phát

Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể, Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (QU Dongyu) nhấn mạnh thế giới cần tìm ra cơ hội, giải pháp và hành động để tiến lên phía trước. Ông đã truyền tải thông điệp về sự đoàn kết, kêu gọi các quốc gia hợp tác với nhau bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và biến những thách thức thành cơ hội để thay đổi.

Tổng Giám đốc FAO cho rằng để phá vỡ các rào cản đối với việc thực hiện, thế giới cần thay đổi mô hình kinh doanh, cũng như cách thức làm việc cùng nhau và thế giới chỉ có thể đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững thông qua việc chuyển đổi các hệ thống thực phẩm nông nghiệp. Ông nhấn mạnh FAO sẽ tiếp tục vận động để lương thực và nông nghiệp được công nhận là một phần của hệ thống liên quan với nhau, vì những nỗ lực chuyển đổi hệ thống nông sản toàn cầu xuyên suốt một số lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp, khủng hoảng khí hậu, đa dạng sinh học, thương mại và dinh dưỡng. Tuy nhiên, các "nút thắt cổ chai" trong quy trình và chính sách quản trị thường cản trở hành động tập thể và nhất quán.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN phát

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN phát

Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này, cần tăng cường nỗ lực điều phối bằng cách liên kết các nỗ lực ngắn hạn và dài hạn, đồng thời tích cực tìm kiếm sự đồng bộ trong các giải pháp và những người tham gia cần tích cực tìm kiếm sức mạnh tổng hợp, phát huy trí tuệ tập thể trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, dữ liệu, tài chính và quản trị, và các lĩnh vực liên quan khác. Tổng Giám đốc FAO lấy dẫn chứng các thành phố xanh hơn không chỉ giúp cải thiện năng suất mà còn khiến dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn. Giải quyết tình trạng thất thoát và lãng phí lương thực giúp nền kinh tế có hiệu quả cao hơn, cải thiện khả năng tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh, sử dụng hiệu quả nguồn nước và đất, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

Tại phiên họp này, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy công nghệ, hỗ trợ nông dân, thiết lập quan hệ đối tác và thích ứng với biến đổi khí hậu để thúc đẩy chuyển đổi hệ thống nông sản, với một số giải pháp như thanh niên tự trồng lương thực, trợ cấp đặc biệt cho nông dân để trồng nhiều loại cây trồng và tăng cường trao đổi. FAO đang giúp các quốc gia thành viên thúc đẩy các giải pháp này và thực hiện cam kết hoạt động thống nhất để tối ưu hóa các nguồn lực, tối đa hóa kết quả đầu ra và thu được các tác động tích cực trên quy mô lớn.

Dương Hoa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thanh-cong-va-thach-thuc-cua-viec-chuyen-doi-he-thong-nong-san-20230726151055510.htm