Thành đoàn đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp
Với sự đồng hành của các cấp bộ đoàn TP Thanh Hóa, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đã lựa chọn được con đường khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp, thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh ngay trên mảnh đất quê hương.
Đoàn viên, thanh niên tham gia mô hình sản xuất rau an toàn của anh Lê Bá Tuấn, thôn Tiến Thành, phường Quảng Tân.
Đoàn xã Hoằng Đại hiện có 9 chi đoàn trực thuộc, với khoảng 4.000 ĐVTN đang tham gia sinh hoạt. Phong trào “đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” luôn được đoàn xã triển khai thực hiện hiệu quả và ngày càng nâng cao về chất lượng. Từ năm 2004, Đoàn xã Hoằng Đại đã xây dựng mô hình “Câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”. Đến nay, trong xã đã thành lập được 4 “Câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”, với sự tham gia của 150 ĐVTN. Với mục đích giúp nhau phát triển kinh tế, các câu lạc bộ đã đóng góp, hỗ trợ cho nhiều ĐVTN vay vốn khởi nghiệp, với tổng số tiền đạt 370 triệu đồng. Trước năm 2020, anh Lê Trọng Văn, chi đoàn thôn Cát Lợi, làm thợ xây, điện nước. Sau khi được “Câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế” cho vay 50 triệu đồng để khởi nghiệp, anh đã thành lập Công ty TNHH Văn Lụa, chuyên cung cấp vật liệu xây dựng. Qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, công ty của anh Văn đã có doanh thu khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 ĐVTN trong xã.
Lập nghiệp thành công ngay tại quê hương cũng là câu chuyện của thanh niên Từ Văn Tiến, chi đoàn thôn Kiều Tiến. Thông qua sự hỗ trợ, định hướng của đoàn xã và 50 triệu đồng vay từ “Câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”, năm 2018, anh Tiến đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng sản xuất gạch không nung. Hơn 1 năm nay, anh lại chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng và cung cấp các dịch vụ về máy múc, đào móng, tháo dỡ công trình xây dựng. Với việc kinh doanh ổn định, mỗi năm anh Tiến có thu nhập khoảng 500 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 3 lao động.
Ngoài xã Hoằng Đại, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” còn được Đoàn phường Long Anh, Quảng Tâm, Tân Sơn, Đông Cương triển khai hiệu quả, với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần cổ vũ, định hướng và hỗ trợ ĐVTN vươn lên lập thân, lập nghiệp.
Nhận thấy phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” là một trong những hoạt động hữu ích, thiết thực, trong thời gian qua, Đoàn phường Quảng Tâm chủ động tuyên truyền và hỗ trợ tạo điều kiện cho nhiều ĐVTN địa phương tiếp cận các nguồn vay, tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Với thế mạnh về đất đai, nhiều thanh niên ở phường đã lựa chọn mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp.
Năm 2010, chàng trai Lê Bá Sơn, chi đoàn phố Tiến Thành, phường Quảng Tâm, tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp 1, chuyên ngành môi trường. Sau khi rời giảng đường đại học, anh trải qua nhiều công việc khác nhau, từ nhân viên hoạt động tư vấn môi trường đến công nhân Nhà máy đường Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang). Tháng 10-2020, anh về làm việc tại Công ty TNHH Dịch vụ thương mại nông nghiệp CNC Rich Farm, tại thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân). Nhờ những ngày được làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Sơn đã hình thành ý tưởng khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy đồng đất quê mình thích hợp để trồng dưa leo trong nhà lưới. Vì vậy, anh đã quyết định đầu tư 200m2 nhà lưới và cải tạo 100m2 đất ruộng của gia đình để trồng dưa leo sạch, an toàn. Bằng quy trình sản xuất được áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật nên năng suất dưa leo đạt khoảng gần 1 tấn/200m2. Từ tháng 8-2020 đến nay, anh Sơn đã sản xuất được 2 vụ, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi vụ thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Từ những thành công bước đầu, anh Sơn dự định sẽ thuê đất mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, từ vụ sản xuất tới anh sẽ đưa thêm dưa Kim Hoàng hậu vào trồng để nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Từ thành công của anh Sơn, phong trào thanh niên sản xuất nông nghiệp an toàn đã lan rộng trong địa phương. Hiện nay, trên địa bàn phố Tiến Thành còn có mô hình sản xuất rau sạch trong nhà lưới của đoàn viên Lê Bá Tuấn, với quy mô hơn 1.300m2, có lợi nhuận hàng chục triệu đồng/năm.
Phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” trong nhiều năm qua mang lại lợi ích thiết thực cho ĐVTN của TP Thanh Hóa. Các cấp bộ đoàn thành phố không chỉ làm cầu nối cho thanh niên vay vốn, mà còn hỗ trợ thanh niên tiếp cận khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn cơ sở vận động ĐVTN tham gia thành lập các Câu lạc bộ “Thanh niên làm kinh tế giỏi”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”. Qua đó, tạo sân chơi để ĐVTN chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Ngoài ra, Thành đoàn TP Thanh Hóa còn tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho ĐVTN về học nghề, lập nghiệp. Trong năm 2020, Thành đoàn đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức phiên giao dịch việc làm, thu hút gần 1.000 ĐVTN tham gia. Cùng Công ty SGO Việt Nam định hướng nghề nghiệp cho 800 ĐVTN Trường THPT Nguyễn Huệ.