Thanh Hóa ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11%/năm trở lên
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND về việc phục hồi và phát triển kinh tế xã hội nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc để phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh đạt 11%/năm trở lên.
Theo đó, Kế hoạch đặt ra 2 mục tiêu, gồm: Thích ứng an toàn, linh hoạt, giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc để phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành, lĩnh vực, cơ sở sản xuất, kinh doanh có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh, các ngành, lĩnh vực chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19; phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11%/năm trở lên, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.200 USD trở lên. Phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh: Lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động làm trung tâm, là chủ thể phục hồi, phát triển kinh tế; đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của người dân, doanh nghiệp chuyển sang trạng thái bình thường mới trong thời gian ngắn nhất; bảo đảm tính chủ động trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong mọi điều kiện trước tác động của dịch bệnh Covid-19. Đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách, bảo đảm công khai, minh bạch, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “xin - cho”, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách”, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực với người dân, doanh nghiệp
Nhằm đạt mục tiêu đề ra, Kế hoạch đề ra 5 nhóm giải pháp: Mở cửa kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm.
Đối với từng nhóm giải pháp, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị. Đồng thời, yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, khẩn trương tập trung xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị để tổ chức thực hiện, đảm bảo tiến độ và thời gian quy định. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Kế hoạch đã đề ra; định kỳ hằng tháng, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch, chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để triển khai thực hiện các nội dung công việc tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ. Tăng cường phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch này. Định kỳ trước ngày 15-8-2022, ngày 15-8-2023 và ngày 15-4-2024 báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, làm đầu mối, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này.