Thanh Hóa: Biển xâm thực, tỉnh chỉ đạo di dời khẩn cấp các hộ dân trong khu vực nguy cơ cao

Tình trạng biển xâm thực tại cửa Lạch Hới đang đe dọa đến cuộc sống những hộ dân nơi đây. Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo di dời khẩn cấp các hộ dân khu vực nguy cơ.

Thời gian gần đây, tình trạng biển xâm thực tại cửa Lạch Hới, thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa diễn biến khó lường. Thống kê của chính quyền địa phương cho thấy, chỉ trong vòng vài tháng, sóng biển đã làm sạt lở hơn 1,5km bờ biển xã Hoằng Phụ có điểm bị xâm thực sâu vào đất liền hơn 100m, cuôi trôi 7,5ha đất sản xuất, đất rừng, đất ở của 3 hộ dân.

Tình trạng biển xâm thực không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn đảo lộn cuộc sống, gây tâm lý lo lắng cho người dân sống trên địa bàn, đặc biệt là các hộ dân đang bị ảnh hưởng trực tiếp ở khu vực gần biển.

Biển xâm thực ảnh hưởng đến đời sống nhiều hộ dân thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ. Ảnh TTV

Biển xâm thực ảnh hưởng đến đời sống nhiều hộ dân thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ. Ảnh TTV

Do biển xâm thực, những khối bê tông, bờ kè đã bị sóng biển đánh trôi, bà B.T.H. (60 tuổi), sống thôn Tân Xuân chia sẻ: Gia đình tôi sống nhờ từ biển, nhưng đã nhiều tháng nay không thể ra biển để cào ngao do mùa mưa gió. Tình trạng biển xâm lấn mạnh thế này không biết cuộc sống sẽ đi về đâu.

Đưa ánh mắt buồn nhăn nhó về hướng sóng biển cuận dâng, bà H. lo lắng: “Nhà có 6 khẩu, không nghề phụ, gia đình đã mua mảnh đất này dự định để cho con cái làm ăn, phát triển du lịch, nhưng với tình trạng như thế này không lâu nữa, biển sẽ nuốt gọn. Mong Nhà nước sớm có biện pháp kè chắn để ngăn chặn biển xâm thực và đảm bảo an toàn cho người dân”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết: “Thời gian gần đây, tình trạng nước biển xâm thực ở khu vực xã Hoằng Phụ là hết sức nghiêm trọng và đang có những diễn biến khó lường. Nếu tình trạng sạt lở, xâm thực tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh như thời gian vừa qua sẽ gây nguy hiểm và đe dọa trực tiếp đến đời sống của khoảng hơn 30 hộ dân trong khu vực và Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hới”.

“Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi đã báo cáo sự việc lên huyện, đồng thời xuống tận xã động viên bà con nhân dân, di dời mỗi khi có báo mưa, bão. Hiện nay, chúng tôi không có cách nào khác ngoài việc hỗ trợ người dân dùng những biện pháp tạm thời để khắc phục và trồng thêm phi lao để chắn sóng. Việc đầu tư bờ kè với nguồn kinh phí lớn thì địa phương không thể thực hiện được” - ông Bình cho hay.

Trước tình trạng biển xâm thực, ngày 19/10, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã xuống kiểm tra, yêu cầu các ngành chức năng và huyện Hoằng Hóa nhanh chóng có giải pháp khắc phục, đồng thời, đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại khu vực có nguy cơ xảy ra biểm xâm thực.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang giao UBND huyện Hoằng Hóa khẩn trương cắm biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nghiêm cấm người dân và khách du lịch ra vào khu vực có nguy cơ sạt lở; tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân trong khu vực nguy cơ cao đến nơi an toàn, đồng thời, lựa chọn đơn vị tư vấn để lập kế hoạch xử lý khẩn cấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực biển Hoằng Phụ, thẩm định phương án lựa chọn tư vấn của UBND huyện Hoằng Hóa và giao Sở Tài chính bố trí vốn để thực hiện dự án khẩn cấp xử lý tình trạng sạt lở tại khu vực biển đang xâm thực.

Hoàng Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-hoa-bien-xam-thuc-tinh-chi-dao-di-doi-khan-cap-cac-ho-dan-trong-khu-vuc-nguy-co-cao-223895.html